30/12/2013 08:49 GMT+7

Trẻ liệt cánh tay sau sinh

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Đây là bệnh lý ở trẻ sơ sinh liên quan đến tai biến, sang chấn sản khoa trong lúc người mẹ chuyển dạ cần được điều trị kịp thời để trẻ không bị liệt cánh tay.

c5t9jfRT.jpg
Bé L.M.V. phục hồi vận động tốt sau mổ ba năm - Ảnh: Đ.K.M.

Bác sĩ Đặng Khải Minh - khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - cho biết từ năm 2010 đến nay bệnh viện phẫu thuật cho gần 70 trẻ nhỏ bị liệt đám rối thần kinh cánh tay sau sinh, trong đó có cả bệnh nhi ở Campuchia qua phẫu thuật. Các trường hợp này đều do tai biến sản khoa. Được sự hỗ trợ của giáo sư Alain Gilbert (Viện Bàn tay Paris, Pháp), bệnh viện đã phẫu thuật thành công (hơn 80%) nhiều trẻ nhỏ bị bệnh này.

Nguy cơ ở trẻ nặng ký

Nếu gia đình phát hiện trẻ bị liệt đám rối thần kinh cánh tay, nên đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM (khám mỗi tuần một lần vào lúc 8g-11g sáng thứ năm) để khám, điều trị kịp thời.

Năm 2010, sau khi bé L.M.V. chào đời, gia đình phát hiện cánh tay phải của bé (hiện 4 tuổi, ở Hà Nội) gần như xụi lơ, không cử động được. Sau đó bé được chẩn đoán bị liệt đám rối thần kinh cánh tay sau sinh. Gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám bệnh trong tình trạng chỉ cử động được bàn tay và ngón tay, còn cánh tay phải hoàn toàn bị liệt khiến bé không thể giơ lên được. Bé được mổ ghép thần kinh lúc 4 tháng tuổi. Sau ba năm phẫu thuật, tay phải của bé V. phục hồi rất tốt, cử động vai và khuỷu tay gần như bình thường.

Tương tự, bé Nguyễn Vũ Gia Khanh cũng bị liệt đám rối thần kinh cánh tay sau khi sinh và được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 phẫu thuật lúc bé 13 tháng tuổi. Vai và khuỷu tay của bé giờ đã phục hồi tốt. Theo bác sĩ Khải Minh, đây là hai ca phẫu thuật nối đám rối thần kinh cánh tay cho bệnh nhi mà bệnh viện đã thực hiện thành công.

Bác sĩ Khải Minh cho biết nguyên nhân của tổn thương đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ sơ sinh là do tai biến sản khoa trong lúc người mẹ chuyển dạ sinh thường. Bệnh thường xảy ra ở những trẻ quá to do bà mẹ có cân nặng lớn, hoặc bị tiểu đường thai kỳ. Nếu trẻ vẫn được sinh thường thì khi chui qua khung chậu của mẹ, vai trẻ sẽ bị chèn ép gây tổn thương. Hoặc khi mẹ rặn sinh, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh giúp sức bằng cách dùng tay kéo hoặc dùng dụng cụ hút trẻ ra cũng có thể làm tổn thương đám rối thần kinh cánh tay trẻ.

Tổn thương nhiều mức

Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay thường xảy ra ở ba mức độ. Mức độ nhẹ, bé chỉ bị yếu bên cánh tay bị tổn thương. Ba tháng đầu sau sinh bé sẽ có dấu hiệu hồi phục dần và một năm sau hồi phục vận động hoàn toàn. Ở mức độ vừa, tổn thương đám rối thần kinh cánh tay được gọi là liệt cao. Tức là bé chỉ bị tổn thương đám rối các rễ thần kinh C5, C6 (thần kinh cột sống thứ 5 và thứ 6). Những trường hợp này có chỉ định phẫu thuật và nếu được mổ sớm, việc phục hồi cánh tay của bé cũng rất tốt. Mức độ nặng hơn, bé bị tổn thương toàn bộ rễ của đám rối thần kinh cánh tay (tổn thương các rễ thần kinh từ C5, C6, C7, C8 đến N1 - thần kinh ngực). Ở mức độ nặng, tổn thương xảy ra ở nhiều dạng là đứt dây thần kinh đám rối hoặc giật đứt toàn bộ rễ thần kinh đám rối... Các trường hợp này đều cần phẫu thuật sớm mới có hi vọng phục hồi chức năng cánh tay cho bé.

Một số trường hợp người nhà không có đầy đủ thông tin về bệnh lý này, dẫn đến trẻ không được điều trị kịp thời, đến khi hơn 1 tuổi mới phẫu thuật thì kết quả phục hồi không còn tốt so với “thời gian vàng” để phẫu thuật là từ 3-12 tháng tuổi. Trường hợp xấu hơn là trẻ không được phát hiện bệnh và điều trị, cánh tay bị tổn thương đám rối thần kinh mức độ nặng sẽ bị liệt vĩnh viễn.

Cách nhận biết

Bác sĩ sản khoa và phụ huynh có thể nhận biết trẻ bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay qua triệu chứng xụi lơ cánh tay. Cụ thể, bên tay lành trẻ vẫn quơ qua quơ lại bình thường, còn bên tay tổn thương sẽ yếu, không hoạt động bình thường hoặc không hoạt động gì cả. Tuy nhiên, có những trẻ ngoài bị liệt đám rối thần kinh còn bị gãy xương đòn vai cũng do tai biến sản khoa. Những trẻ này phải chờ một hai tháng để theo dõi, đánh giá xem đám rối thần kinh cánh tay bị tổn thương có phục hồi hay không. Nếu không hồi phục phải phẫu thuật sớm cho trẻ.

Bác sĩ Khải Minh cho biết sau phẫu thuật trẻ sẽ được tái khám, theo dõi định kỳ 3, 6, 9 tháng hoặc một năm một lần để đánh giá mức độ phục hồi thần kinh thế nào. Thường sau mổ một năm mới đánh giá được mức độ phục hồi thế nào do đám rối thần kinh mỗi ngày chỉ mọc 1mm. Sau khi mổ ba tuần mới mở băng bột cho bé để tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Để đánh giá kết quả mổ, bé sẽ được kiểm tra chức năng vận động ở ba vị trí là vai, khớp khuỷu và cử động của bàn tay. Nếu vận động vai tốt, cử động khuỷu tốt, cầm nắm tốt, sau này bé có thể mang, xách nặng được khi cần thiết.

Về phía gia đình, bác sĩ Khải Minh khuyên quan trọng nhất trong ba tuần đầu sau mổ phải cố định cánh tay cho trẻ. Nếu để trẻ cử động mạnh sẽ làm các đầu dây thần kinh mới được nối bung ra. Ngoài ra, người nhà cũng phải hết sức kiên trì tập vật lý trị liệu sau mổ cho trẻ.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp