11/08/2013 09:00 GMT+7

Trẻ hư đâu chỉ tội nhà trường

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - Hơn 100 bản báo cáo nghiên cứu về những bất cập trong chương trình - sách giáo khoa, phương pháp dạy học, chất lượng giáo viên ở môn đạo đức và giáo dục công dân trong trường phổ thông đã được trình bày ở hội thảo quốc gia do Bộ Giáo dục - đào tạo vừa tổ chức với mong muốn tìm một hướng đi hiệu quả hơn cho việc “dạy làm người”.

Trong giờ giải lao, một nhóm chuyên gia trao đổi ngoài lề, có vị lắc đầu: “Hội họp, nghiên cứu, báo cáo mãi rồi cũng thế cả thôi... Nói khách quan, những năm gần đây ở những cuộc họp liên quan tới giáo dục, cụm từ “dạy làm người” được nhắc đến nhiều gấp năm, bảy lần trước đây. Sáng kiến đổi mới dạy đạo đức, công trình nghiên cứu thay đổi cách dạy giáo dục công dân, giáo dục pháp luật cũng nhiều hơn trước... Nhưng sao tình trạng xuống cấp về nhân cách, đạo đức của lớp trẻ vẫn gia tăng?”. Một vị khác cho rằng “chẳng cần thiết kế chương trình phức tạp, tốn kém, dạy đạo đức cho học sinh chỉ cần kể chuyện. Thầy cứ lên lớp kể những câu chuyện khác nhau lấy từ đời sống, những câu chuyện nhân văn, những câu chuyện đau lòng, đáng tiếc và cái giá phải trả cho sai lầm, những câu chuyện khiến học sinh phải suy nghĩ, tranh luận, bày tỏ ý kiến riêng... Thế là dạy đạo đức. Dạy thế học sinh sẽ hứng thú, sẽ quan tâm hơn, sẽ ngấm!”. Gật gù, nhiều người tán thưởng.

Nhưng một nhà nghiên cứu khác ở Viện Nghiên cứu giáo dục chia sẻ băn khoăn: “Nói thì dễ, nhưng làm khó lắm. Trẻ con còn bé thì nghe thầy cô nhưng lớn hơn sẽ ít nghe, ít tin hơn, học sinh ở lứa tuổi 15-17 thì bỏ ngoài tai những gì thầy cô nói”. Minh chứng cho băn khoăn này, một báo cáo tham luận tại hội thảo trên cũng đưa ra kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và phát triển giáo dục Việt Nam cho biết “tỉ lệ học sinh tiểu học nói dối cha mẹ là 22%, THCS là 50% còn THPT là 64%”.

Nhưng điều này thật khó “đổ tội” hết cho môn đạo đức, giáo dục công dân trong nhà trường. Vì môn học “hàn lâm, khó hiểu”, cách dạy học “đơn điệu, tẻ nhạt” chỉ không giúp học sinh biết sống tốt hơn chứ không phải thủ phạm làm trẻ hư đi. Những thói xấu, những hành vi tiêu cực từ chính người lớn trong gia đình, nhà trường, ngoài xã hội mới là nguyên nhân cốt lõi khiến lớp trẻ hoang mang, mất điểm tựa nuôi dưỡng niềm tin vào sự tốt đẹp trong cuộc sống. Điều đó cũng khiến các em khó thấm được những bài học đạo đức.

Tôi từng chứng kiến một bà mẹ mắng con thậm tệ khi cậu bé lơ ngơ không chịu chen ngang dòng người đang xếp hàng để mua xăng. Còn trong một hiệu bán sách giáo khoa đầu năm học mới, một bà mẹ khác ra sức đẩy con chen vào giữa hàng người. Đứa bé phản ứng: “Mình phải xếp hàng chứ mẹ?”. Bà mẹ gắt: “Ngu thế, xếp thì đến bao giờ?”. Đó chỉ mới là chuyện xếp hàng, một chuyện nhỏ trong vô vàn chuyện xảy ra trong đời sống.

Nếu mỗi câu chuyện đời sống là một bài học về đạo đức thì những bài học như trên sẽ ngấm vào những đứa trẻ, khiến chúng quen với những hành vi thiếu văn hóa, vị kỷ, không biết sẻ chia, trách nhiệm với cộng đồng. TS Phạm Mạnh Hà, khoa tâm lý Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), kể với tôi anh từng vất vả với một ca tư vấn tâm lý khi em học sinh quyết “đòi chết”. Cô bé kể cha mẹ ly hôn, mẹ không ngớt lời kể tội cha “ác như con thú” nhưng mẹ cũng ngang nhiên cặp bồ, sống buông thả trước mặt con. Đã thế lại suốt ngày mắng mỏ, hà khắc, đòi hỏi con phải “sống tốt”.

Những bài học đạo đức trong nhà trường sẽ trôi tuột nếu hằng ngày lớp trẻ vẫn thấy người lớn dối trá, thiếu đạo đức...

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp