21/11/2016 17:23 GMT+7

Trẻ, giỏi cũng sẽ khó kiếm visa làm việc dưới thời ông Trump?

TUẤN SƠN
TUẤN SƠN

TTO - Mỗi năm nước Mỹ đón nhận 65.000 người lao động và 20.000 cử nhân nước ngoài đến làm việc tại quốc gia này bằng thị thực (visa) H-1B. Số phận của những tấm thị thực này sẽ thế nào dưới thời ông Trump?

Xếp hàng chờ xin visa ở đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh - Ảnh: AFP
Người Trung Quốc xếp hàng chờ xin visa ở đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh - Ảnh: AFP

Visa H-1B là visa làm việc tại Mỹ dành cho đương đơn trong các ngành nghề trình độ cao và thường đòi hỏi trình độ đại học trở lên.

Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông Donald Trump không có lập trường nhất quán về chương trình visa này, khi thì chỉ trích nó, khi lại gọi nó là một cách quan trọng để giữ chân "chất xám nước ngoài".

Nhìn người, đoán chính sách

Tuy vậy, việc ông mới đây tuyên bố sẽ đề cử thượng nghị sĩ Jeff Sessions, người từ lâu đã gay gắt phản đối chương trình cấp visa làm việc cho lao động chất lượng cao nước ngoài, vào vị trí bộ trưởng Bộ Tư pháp nước này cho thấy phần nào tương lai bất định của chương trình này.

Những công ty sử dụng visa H-1B ở Mỹ để thuê lao động trong lĩnh vực công nghệ có thể phân làm hai loại.

Loại thứ nhất là các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Microsoft hay Google. Họ sẵn sàng trả lương hậu hĩnh cho những lao động có trình độ cao nhưng lại không mấy dễ kiếm trong nước. Những nhân viên làm việc tại các tập đoàn này thường được giúp đỡ để có được tấm thẻ xanh định cư lâu dài tại Mỹ.

Loại thứ hai thì ngược lại, đó là những công ty trung gian tận dụng visa H-1B để cung cấp lao động giá rẻ cho các công ty công nghệ tại Mỹ.

TNS Sessions, người nhiều khả năng sẽ lên nắm vị trí Bộ trưởng Tư pháp vào năm sau, vào năm ngoái từng đề xuất một dự luật nhằm hạn chế số lượng visa H-1B dành cho các công ty thuộc nhóm thứ hai này.

Mười công ty được cấp visa H-1B nhiều nhất năm 2015 cũng đều là những công ty thuộc loại thứ hai, theo số liệu từ chính phủ Mỹ được tổng hợp bởi hiệp hội nhân lực điện - điện tử IEEE.

Công ty được cấp nhiều visa H-1B nhất vào năm ngoái là Công ty dịch vụ tư vấn Tata với 8.333 visa. Gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon xếp tận thứ 12 với 826 visa H-1B, theo sau là Google và Microsoft ở vị trí thứ 14 và 15.

Mạng xã hội Facebook xếp thứ 24, trong khi tập đoàn công nghệ Apple chỉ xếp thứ 34.

Xổ số thị thực

Khác với visa du lịch, visa H-1B được cấp theo đơn đề nghị của công ty tuyển dụng chứ không phải của người lao động.

Mỗi năm một lần, Phòng di trú và nhập tịch Mỹ lại mở một đợt “xổ số” nhằm chọn ra ngẫu nhiên một số lượng đơn cố định theo luật định được chấp thuận cấp visa trong số các đơn đủ tiêu chuẩn.

Đợt xổ số năm nay sẽ chỉ cấp 85.000 visa cho tổng cộng 236.000 đơn từ các công ty khác nhau.

Các tập đoàn công nghệ lớn ở Mỹ, vốn là những công ty sử dụng nhiều lao động trình độ cao từ nước ngoài, lâu nay vẫn luôn vận động hành lang nhằm gia tăng số lượng visa H-1B được cấp hằng năm. Nhưng có lẽ giờ đây các tập đoàn này sẽ phải thay đổi chiến thuật để bảo vệ cho số lượng này không bị cắt giảm dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Tuy vậy, những người chỉ trích cho rằng việc cấp visa làm việc bằng hình thức quay số ngẫu nhiên tạo điều kiện cho các nhà tuyển dụng trục lợi để khai thác lao động giá rẻ nước ngoài. Họ kêu gọi thay thế loại hình xổ số này bằng một hệ thống khác ưu tiên cấp visa cho các công ty tuyển dụng với mức lương cao nhất.

Còn theo anh Gaurav Mehta (32 tuổi), một chuyên viên an ninh mạng gốc Ấn làm việc tại Mỹ theo diện visa H-1B, thì chương trình thị thực hiện hành chủ yếu chỉ có lợi cho những công ty lớn, nhưng lại vô tình gây khó khăn cho người lao động nhập cư.

Theo anh Gaurav, những lao động H-1B gặp rất nhiều khó khăn khi muốn chuyển việc vì lo ngại bị trục xuất về nước, điều này khiến các công ty đang thuê họ vô tư trả lương thấp hơn mà không sợ nhân viên mình nghỉ việc.

“Những người tuyệt vời”

Ngay cả những người ủng hộ tỉ phú Donald Trump cũng đang hi vọng ông sẽ giữ nguyên chương trình visa hiện tại khi lên nắm quyền nhằm khuyến khích lao động nhập cư trình độ cao đến làm việc tại Mỹ.

“Ông ấy đã nói với chúng ta rằng họ là những người tuyệt vời và chỉ có điên mới để họ đi mất", ông Shalabh Kumar, một doanh nhân Mỹ gốc Ấn từng tài trợ 900.000 USD cho chiến dịch tranh cử của ông Trump, tiết lộ với hãng tin Reuters.

Tuy vậy, ông Kumar cũng đề xuất loại bỏ “chỉ tiêu” thẻ xanh dành cho từng quốc gia khác nhau, vốn khiến cho những người nhập cư đến từ Trung Quốc và Ấn Độ phải chờ dài cổ mới đến lượt mình nhận tấm thẻ để định cư trên đất Mỹ.

Một số khác, như cô Sofie Graham, nhân viên marketing tại công ty khởi nghiệp BuildZoom.com trụ sở tại thành phố San Fransisco, thì lại không thích chờ đợi.

Cô Sofie là công dân có quốc tịch Ireland và Vương quốc Anh, và vừa được cấp visa H-1B hồi năm ngoái. Dù tấm visa này cho phép cô làm việc tại Mỹ đến 6 năm, nhưng cô và công ty đã nhất trí nộp đơn xin cấp thẻ xanh ngay lập tức.

“Nhìn đâu cũng thấy người ta đòi phải cấp ít visa H-1B lại. Tôi thì chỉ muốn có thẻ xanh càng nhanh càng tốt", cô Sofie giải bày với hãng tin Reuters.

TUẤN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp