Phóng to |
Cháu L.Q.T., 15 tháng tuổi, bị ngạt nước, được điều trị tại khoa hồi sức Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM vào ngày 14-6 - Ảnh: T.Dương |
Dù các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM đã nỗ lực điều trị tích cực suốt hai ngày nhưng đến chiều 13-6 em H.H.M.T., nam, 12 tuổi, ngụ P.6, Q.6, TP.HCM, đã tử vong do bị ngạt nước quá lâu.
Ngạt nước vì té ao, lu...
Nghỉ hè, ba mẹ cho T. và em trai T. đến nhà bà ngoại ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) chơi. Khoảng 9g sáng 11-6, T. cùng em trai 10 tuổi ra ao gần nhà bà. Trong lúc nghịch dưới ao, em của T. bị lún xuống nước, T. loay hoay cứu em và bị ngạt nước. Hơn 10 phút sau, T. được người nhà vớt lên khi đã tím tái, ngưng thở.
Sau sơ cứu T. được chuyển đến Bệnh viện huyện Bình Chánh trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Tại đây, các bác sĩ đặt nội khí quản, bóp bóng giúp thở, ấn tim ngoài lồng ngực và tiêm thuốc adrenaline để làm tim T. đập lại rồi chuyển em lên Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhưng đáng tiếc là em không thể qua khỏi.
Sáng 13-6, khoa hồi sức Bệnh viện Nhi Đồng 1 lại tiếp nhận thêm bé L.Q.T., 15 tháng tuổi, ở Q.12, TP.HCM, cũng bị ngạt nước do té vào lu nước ở nhà trong lúc lang thang chơi một mình. Bé T. cũng được các bác sĩ chẩn đoán bị ngạt nước. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng gồng mình, thiếu oxy trong não.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, phó khoa hồi sức Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết những ngày hè lại là khoảng thời gian Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận nhiều trẻ bị tai nạn được đưa vào cấp cứu. Những tai nạn thường gặp trong mùa hè là ngạt nước, ong đốt, rắn cắn, phỏng, điện giật... Cụ thể, trung bình mỗi năm Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận 20-30 trẻ bị ngạt nước, 50-60 trẻ bị ong đốt, 40-50 trẻ bị rắn cắn... thì 80% số trẻ này đến cấp cứu trong mùa hè.
Sơ cứu không đúng cách
Theo bác sĩ Minh Tiến, phần lớn trẻ bị ngạt nước trước khi đưa đến cấp cứu tại các bệnh viện không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách, dẫn đến tử vong hoặc di chứng não do thiếu oxy. Nhiều người sơ cứu cho trẻ bị ngạt nước bỏ nhiều thời gian để dốc ngược nạn nhân cho nước chảy ra ngoài. Tuy nhiên việc này không cần thiết vì thường lượng nước vào phổi rất ít và sẽ được tống ra ngoài khi nạn nhân tự thở lại. Chưa kể việc sốc nước còn làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và tăng nguy cơ hít sặc ở trẻ.
Cách sơ cứu trẻ bị ngạt nước đầu tiên phải nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước, đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu trẻ bất tỉnh hãy kiểm tra xem trẻ còn thở hay không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Nếu lồng ngực không di động tức là nạn nhân ngưng thở. Lúc này cần hô hấp nhân tạo cho trẻ, sau đó kiểm tra mạch cổ, mạch bẹn xem có đập không. Nếu vẫn không bắt được mạch tức là nạn nhân đã ngưng tim nên phải tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức.
Nếu trẻ còn tự thở, hãy đặt trẻ ở tư thế an toàn là nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra ngoài nếu bị nôn ói. Cởi bỏ quần áo ướt và giữ ấm bằng cách đắp lên người trẻ một tấm khăn khô. Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay cả khi trẻ có vẻ hồi phục sau sơ cứu, vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau ngạt nước.
Khi trẻ bị rắn cắn cho dù đã được xác định là rắn lành vẫn cần theo dõi sát như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong sáu giờ đầu. Đặc biệt, khi trẻ bị rắn độc cắn hoặc nghi ngờ rắn độc cắn, cần thực hiện các biện pháp sơ cứu ngay và nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế. Những bước sơ cứu là cho trẻ nằm yên, trấn an trẻ. Để chỗ cơ thể bị rắn cắn thấp hơn so với tim nhằm hạn chế hấp thu nọc độc.
Sau đó, rửa sạch vết thương bằng xà bông và nước, phủ lên vết cắn bằng gạc mát để giảm đau, sưng. Khi sơ cứu xong, nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để xác định loại rắn cắn và chích huyết thanh kháng nọc rắn phù hợp. Các bậc cha mẹ lưu ý, không nên cột phía trên vết thương vì có thể gây hoại tử chi, không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc ra vì không hiệu quả mà còn gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc.
Hầu hết trẻ bị ong đốt đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da nạn nhân, ngoại trừ ong vò vẽ. Vì vậy, khi trẻ bị ong đốt nên dùng nhíp lấy vòi chích này ra, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra. Sau đó, rửa sạch vùng bị chích bằng xà bông và nước ấm, đắp băng lạnh lên vết cắn để giảm đau. Nếu thấy trẻ nổi mề đay, than mệt, tay chân lạnh, nước tiểu có màu đỏ hoặc màu xá xị, tiểu ít, hoặc bị ong vò vẽ đốt hơn 10 vết cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.
Phỏng cũng là tai nạn thường gặp. Khi trẻ bị phỏng cần làm mát ngay vùng bị phỏng để không cho nhiệt gây tổn thương thêm da bằng cách giội nước lạnh lên vết thương liên tục trong khoảng 10 phút. Đắp lên vết phỏng bằng băng, gạc hoặc vải sạch không có lông tơ để tránh nhiễm trùng. Nếu không có sẵn băng gạc, các bậc phụ huynh có thể dùng túi nhựa bao vùng bị phỏng ở tay chân lại. Nếu vết phỏng nhỏ, phỏng nông, độ 1 cần quan sát vết phỏng ít nhất 24-48 giờ để phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng vết phỏng: đỏ, sưng, đau. Nếu có những triệu chứng này nên đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Phòng ngừa tai nạn mùa hè 1. Không để trẻ nhỏ một mình ở nhà, đậy kín các vật chứa nước trong nhà, không cho trẻ chơi gần ao, hồ, kênh, rạch, sông khi không có người lớn đi cùng, nên hướng dẫn trẻ tập bơi. 2. Mang giày ống cao và mặc quần dài phủ ra ngoài giày là cách tốt nhất khi đi trên cỏ rậm hoặc vùng có nhiều rắn, phát quang rộng xung quanh nhà. 3. Giáo dục trẻ em về tác hại của ong đốt cũng như không chọc phá tổ ong, phát quang các tổ ong trên cây xung quanh nhà. 4. Không để bình thủy, nồi nước sôi... gần tầm tay của trẻ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận