13/03/2022 08:05 GMT+7

Trẻ F0 tăng, cha mẹ cũng đừng quá nóng ruột

XUÂN MAI - THÙY DƯƠNG
XUÂN MAI - THÙY DƯƠNG

TTO - Số trẻ mắc COVID-19 nhập viện điều trị rất thấp trong khi số trẻ là F0 tăng mạnh. Nhưng vì quá lo lắng, nhiều phụ huynh bằng mọi giá đưa con khám bệnh dù triệu chứng nhẹ, gây ra tình trạng đông đúc tại các bệnh viện nhi ở TP.HCM.

Trẻ F0 tăng, cha mẹ cũng đừng quá nóng ruột - Ảnh 1.

Nhân viên y tế Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM xét nghiệm nhanh COVID-19 cho các bệnh nhi tối 11-3 - Ảnh: XUÂN MAI

Ngày 12-3, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản khẩn đề nghị các cơ sở y tế liên quan sẵn sàng điều trị trẻ em mắc COVID-19 tại các bệnh viện. Trong đó, yêu cầu 3 bệnh viện (BV) nhi đồng phải có số giường điều trị tại khoa COVID-19 lên tối thiểu 300 giường, với 50 giường hồi sức.

Đến bệnh viện vì lo lắng quá mức

Những ngày gần đây, khoa khám bệnh các BV nhi đồng ở TP.HCM tiếp nhận rất đông phụ huynh đưa con nhỏ đến khám bệnh, trong đó có nhiều trẻ gặp triệu chứng nghi ngờ COVID-19 (ho, sốt...) hoặc đã có kết quả xét nghiệm nhanh tại nhà dương tính.

Tại khu vực xét nghiệm nhanh COVID-19 khoa khám bệnh BV Nhi đồng 2, một số phụ huynh chia sẻ không dám tự xét nghiệm nhanh tại nhà cho con vì trẻ hay giãy giụa, la khóc, không hợp tác nên rất khó lấy mẫu, có thể làm tổn thương mũi.

Cùng chồng đưa con nhỏ 11 tháng tuổi đi khám trong đêm 11-3 bởi trước đó con từng tiếp xúc với F0 và có triệu chứng ho, sốt, ăn kém... kéo dài 3 ngày không khỏi, chị Phan Thị Thu Huệ đứng ngồi không yên vì lo cho con. Chị càng lo lắng hơn khi nhận kết quả xét nghiệm nhanh của con dương tính.

Vợ chồng chị bồng con tiếp tục đến khu vực khám sàng lọc bệnh nhi nghi nhiễm COVID-19. Qua thăm khám, bác sĩ cho biết tình trạng nhiễm bệnh của bé ở mức bình thường, gia đình tự điều trị bé tại nhà. Được hướng dẫn cặn kẽ cách uống thuốc, chăm sóc, chị Huệ mới thực sự an tâm cho con về.

Chị N.H.T. (32 tuổi, ngụ quận Tân Phú), bồng bé gái 19 tháng tuổi vừa có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính tại BV Nhi đồng 1, chia sẻ: "Nhà tôi đã có người nhiễm nên tôi nghi ngờ con bị mắc bệnh. Dù con chỉ bị sốt nhẹ nhưng vẫn phải đưa đến BV để bác sĩ khám, đánh giá nặng nhẹ thế nào mới cảm thấy an tâm".

Bác sĩ Dư Tấn Quy - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho hay dù trẻ nhiễm COVID-19 không có triệu chứng gì nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn đưa con đến BV thăm khám. Nhiều phụ huynh rất lo lắng, hoang mang khi phát hiện con mắc COVID-19. Có phụ huynh lập luận: "Con nhỏ xíu thế này mà mắc COVID-19 thì nguy hiểm, rất lo con có bị sao không?".

Trẻ F0 tăng, cha mẹ cũng đừng quá nóng ruột - Ảnh 2.

Nguồn: BV NĐ1, NĐ2, NĐ TP.HCM - Dữ Liệu: X.M., T.D. - Đồ họa: N.KH.

Số trẻ nhập viện không nhiều

Cũng theo bác sĩ Dư Tấn Quy, khu khám sàng lọc COVID-19 của BV là một khu riêng để tiếp nhận bệnh nhi F0 với 4 bàn khám, hoạt động 24/24 giờ. Tại đây bác sĩ phải nhận bệnh liên tục, trung bình một bàn khám tiếp nhận hơn 100 bệnh nhi F0 đến khám mỗi ngày.

Gần một tuần nay, số trẻ là F0 đến BV Nhi đồng 1 tăng cao. Riêng ngày 11-3 đã có hơn 500 trẻ là F0 đến khám, tăng hàng chục lần so với những tuần trước Tết (chỉ khoảng 20 - 30 trẻ là F0 đến khám/tuần).

Tuy nhiên, trong hơn 500 bệnh nhi này không có bệnh nhi phải nhập viện, tất cả được cho theo dõi, điều trị tại nhà. Những bệnh nhi phải nhập viện thường có bệnh nền kèm theo, các bệnh nhi còn lại chỉ có các triệu chứng như sốt, ho, thậm chí không có triệu chứng.

Tại BV Nhi đồng 2, tuy có 80% trẻ nhiễm COVID-19 trong tổng số 400 - 800 trẻ có nguy cơ nhưng tỉ lệ trẻ nhập viện rất ít, đa số được bác sĩ hướng dẫn điều trị tại nhà. Bác sĩ Đỗ Châu Việt - trưởng khoa nhiễm BV này - cho biết khoa đang tiếp nhận điều trị 200 F0, trong đó có 140 trẻ em, số còn lại chủ yếu là phụ huynh của trẻ.

Trong 140 trẻ nhiễm COVID-19, có 10% trẻ bệnh nặng nằm điều trị tại khu hồi sức cấp cứu và 2 trẻ thở máy, hầu hết có bệnh nền kèm theo.

So với thời điểm trẻ còn học online, số trẻ nhập viện điều trị hiện nay tăng gấp 4 - 5 lần nhưng đều nằm trong kiểm soát. BV này cũng đã chuẩn bị phương án trưng dụng số giường tại khoa hô hấp trong tình huống số trẻ nhiễm COVID-19 nhập viện tăng trong thời gian tới.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc BV Nhi đồng TP - cho biết mỗi ngày khoa khám bệnh của BV này tiếp nhận 1.100 - 1.200 bệnh nhi, trong đó có 500 - 600 trẻ có triệu chứng nghi ngờ (ho, sốt, sổ mũi...).

Số bệnh nhi dương tính chiếm khoảng 50% tổng số trẻ có triệu chứng nghi ngờ. So với thời điểm trẻ chưa đi học trực tiếp, số trẻ có triệu chứng nghi ngờ rồi phát hiện dương tính qua xét nghiệm nhanh tại BV đã tăng lên 40%.

Trẻ F0 tăng, cha mẹ cũng đừng quá nóng ruột - Ảnh 3.

Rất đông phụ huynh chờ xét nghiệm COVID-19 cho trẻ nhỏ tại khu vực xét nghiệm nhanh ở Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đừng nghe "sụt sịt", sốt cũng đi khám

Về trẻ nhiễm COVID-19 nhập viện điều trị, bác sĩ Nguyễn Trần Nam - phó giám đốc BV Nhi đồng TP - cho biết cũng rất thấp. Trung bình mỗi ngày có khoảng 100 trẻ nhiễm COVID-19 điều trị nội trú, thời gian nằm viện ngắn (khoảng 2 - 3 ngày), tỉ lệ xuất viện cao.

Để ứng phó số trẻ nhiễm COVID-19 đến khám tại BV gia tăng, BV đã bố trí thêm nhiều bàn khám, nhằm hỗ trợ bệnh nhi đến khám mọi thời điểm, tạo đường link kết nối online, đường dây nóng hỗ trợ phụ huynh điều trị trẻ tại nhà...

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải - trưởng khoa khám bệnh BV Nhi đồng 2 - cho hay triệu chứng nhiễm COVID-19 giống triệu chứng nhiễm siêu vi chung và bệnh thông thường khác như ho, sốt, sổ mũi... Do đó khi trẻ gặp những triệu chứng này, phụ huynh thường lo lắng không biết con em mình có nhiễm COVID-19 hay không.

Một số phụ huynh tự xét nghiệm nhanh ở nhà nhưng phần lớn phụ huynh "nhát tay", không dám xét nghiệm nhanh tại nhà nên đưa trẻ đến cơ sở y tế. Do đó, theo bác sĩ Hải, các phụ huynh nên thực hiện xét nghiệm nhanh và chăm sóc, theo dõi sức khỏe trẻ tại nhà. Nếu có kết quả dương tính mà vẫn cần đến BV thì lúc này cũng lượt bỏ một số khâu, rút ngắn thời gian.

Về việc chăm sóc trẻ tại nhà, bác sĩ Đỗ Châu Việt cho biết trẻ nhiễm COVID-19 thường bị sốt. Tuy nhiên, phụ huynh không quá lo lắng, vẫn cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn. Thông thường trong vòng 24 - 48 giờ trẻ sẽ giảm sốt.

"Trong trường hợp trẻ vẫn sốt hay có các dấu hiệu khác như lừ đừ, vật vã, nôn ói liên tục và kéo dài, thở nhanh, lõm bất thường... thì nhanh chóng đưa trẻ đến BV. COVID-19 cũng không khác gì với các bệnh thông thường khác, thường sau một tuần lễ mắc bệnh trẻ sẽ khỏi", bác sĩ Việt tư vấn.

Trẻ F0 tăng, cha mẹ cũng đừng quá nóng ruột - Ảnh 4.

Nguồn: BV NĐ1, NĐ2, NĐ TP.HCM – Dữ Liệu: X.M., T.D. - Đồ họa: N.KH.

* Ông Trần Đắc Phu (nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế):

Cha mẹ cần chủ động phòng dịch

Việt Nam đã chuyển từ chiến lược zero COVID-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Do vậy học sinh vẫn nên được đến trường học trực tiếp, dịch xảy ra ở lớp nào thì xử lý rủi ro ở lớp đó. Việc đánh giá F1 cần phải rất chính xác chứ không phải cứ có 1 F0 là cả lớp phải học trực tuyến.

Bộ Y tế cũng đã rút ngắn thời gian cách ly cho F0. Nếu xét nghiệm âm tính, sau một tuần trẻ có thể đi học trở lại. Các bậc cha mẹ cũng không nên lo lắng quá vì trẻ khi nhiễm COVID-19 thường bị nhẹ. Ngoài ra Bộ Y tế đang có kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ 5 - 11 tuổi, nhưng theo tôi, các bậc phụ huynh cũng đừng quá trông chờ vào vắc xin mới cho trẻ đi học.

Việc "nới lỏng" mọi hoạt động trong xã hội như hiện nay làm việc lây nhiễm từ gia đình cho trẻ em vẫn có nguy cơ cao. Do vậy việc của các bậc cha mẹ là nên có giải pháp phòng tránh dịch bệnh như xịt khuẩn nhà cửa thường xuyên, khi đi làm về cần rửa tay, thay đồ, tắm rửa và đeo khẩu trang nếu có dấu hiệu nguy cơ, nghi ngờ, sau đó mới tiếp xúc với trẻ.

2b

Nhân viên y tế Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM xét nghiệm nhanh COVID-19 cho bệnh nhi tối 11-3 - Ảnh: XUÂN MAI

* Ông Nguyễn Tri Thức (giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy):

Con đường trước sau gì cũng phải đi

Việc số ca mắc tăng cao gần đây, đặc biệt ở nhóm trẻ khi cho phép đi học trở lại, theo tôi, cần được nhìn nhận là chuyện trước sau gì cũng phải trải qua để dễ dàng chấp nhận, thích ứng an toàn với dịch, từng bước tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu. Muốn đạt được các điều này đòi hỏi phải có miễn dịch cộng đồng và những gì đang trải qua chính là một trong các cơ sở để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Việc cho học sinh đi học trở lại bị nhiễm COVID-19 nhiều, các bậc cha mẹ ai cũng có tâm lý nóng ruột. Tuy nhiên, đa số trẻ mắc chủng Omicron đều nhẹ. Do đó vấn đề của ngành y tế là phải hướng dẫn giáo dục sức khỏe và truyền thông cho phụ huynh học sinh chăm sóc F0 sao cho tốt, an toàn nhất, khi nào phải vào bệnh viện...

Khi thấy trẻ đi học nhiễm nhiều, có luồng ý kiến đề xuất cho học online, nhưng điều này là không hợp lý. Bởi nếu cho các em trở lại học online 1 - 2 tháng, có ai dám chắc sẽ xóa sạch mầm bệnh trong xã hội không? Chắc chắn mầm bệnh vẫn còn tồn tại và trẻ đi học lại vẫn có nguy cơ lây nhiễm. Cho nên cần xác định những gì đang diễn ra là con đường sớm muộn gì chúng ta cũng phải đi qua, nhưng phải làm sao để đi qua con đường ấy một cách an toàn nhất có thể.

THÙY DƯƠNG - HOÀNG LỘC ghi

Mở chiến dịch bảo vệ trẻ em

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết song song việc thúc đẩy "phủ sóng" vắc xin, TP.HCM là địa phương đầu tiên cả nước áp dụng chiến thuật "đánh chặn" từ xa bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, nhờ đó dù số ca mắc tăng cao nhưng tỉ lệ ca chuyển nặng và tử vong giảm rõ rệt.

"Gần đây khi học sinh trở lại trường, số ca mắc ở nhóm này có tăng. Do đó TP.HCM tiếp tục mở đợt cao điểm bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó có mở rộng thêm nhóm trẻ em, đặc biệt trẻ chưa được tiêm chủng (dưới 12 tuổi), trẻ mắc các bệnh nền và béo phì. Bởi thực tế cho thấy trẻ cũng có nguy cơ mắc bệnh, trở nặng và tử vong", ông Châu nói.

2a

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM luôn xảy ra tình trạng quá tải vì bệnh nhi đến khám khá đông - Ảnh: D.PHAN

Trẻ mắc COVID-19 phải xử trí ra sao?

Theo bác sĩ Dư Tấn Quy - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khi trẻ là F0, gia đình cần chuẩn bị một phòng cách ly riêng, đeo khẩu trang cho trẻ trên 2 tuổi, chuẩn bị một số thuốc cho trẻ như thuốc hạ sốt, siro ho thảo dược, nước muối sinh lý để nhỏ mũi, súc miệng cho trẻ, mua một máy đo nồng độ oxy trong máu...

Trong quá trình theo dõi, nếu thấy trẻ uống thuốc hạ sốt nhưng vẫn không hạ, li bì, không chịu chơi, bị nôn, bú kém, thở nhanh, thở co lõm lồng ngực... phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời.

Trong khi đó, bác sĩ Đinh Tấn Phương - trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 - khuyến cáo những trẻ có bệnh nền như đái tháo đường, động kinh, béo phì... khi mắc COVID-19 cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm.

Với những trẻ không mắc bệnh nền, cha mẹ có thể đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế tuyến dưới, không cần phải đưa trẻ đến các bệnh viện nhi đồng khám, tránh tình trạng quá tải.

Tẩm bổ cho trẻ F0, trẻ vừa khỏi COVID-19 sao cho đúng? Tẩm bổ cho trẻ F0, trẻ vừa khỏi COVID-19 sao cho đúng?

TTO - Hiện nay số trẻ mắc COVID-19 đang tăng cao. Để hạn chế diễn biến nặng, nguy kịch, trẻ cần được theo dõi thường xuyên và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ.

XUÂN MAI - THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp