13/03/2022 09:45 GMT+7

Trẻ F0 nhiều tỉnh miền Tây đang gia tăng

T.LŨY - B.ĐẤU - Đ.TUYẾT
T.LŨY - B.ĐẤU - Đ.TUYẾT

TTO - Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đặc biệt là thời điểm trẻ em bắt đầu đi học tập trung trở lại trường, các tỉnh miền Tây ghi nhận dịch COVID-19 có chiều hướng tăng trở lại, đặc biệt trong nhóm trẻ đi học.

Trẻ F0 nhiều tỉnh miền Tây đang gia tăng - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh tại Cần Thơ - Ảnh: T.LŨY

Tuy nhiên ngành y tế các các địa phương trong khu vực này cho rằng nên duy trì việc sống chung với dịch, cho trẻ em được đến trường vì phần lớn trẻ em F0 đều có triệu chứng nhẹ và ít để lại di chứng hậu COVID-19 như người lớn.

Ngày 12-3, bác sĩ Nguyễn Phát Nguyên - phó khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - cho biết số ca F0 trẻ em nhập viện theo dõi tại bệnh viện hiện là 160 trường hợp, tăng gấp 10 lần so với thời điểm trước và sau Tết.

Do đã có những thay đổi thích ứng với cuộc sống bình thường mới, bệnh viện không yêu cầu xét nghiệm COVID-19 đối với tất cả trẻ đến khám mà chỉ xét nghiệm các trường hợp có triệu chứng và có yếu tố dịch tễ, các trường hợp nhập viện... Vì vậy số ca ghi nhận được chỉ là con số nhỏ so với số thực tế.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, chỉ cần xét nghiệm nhanh 250 ca có 99 ca dương tính. Những trường hợp dương tính triệu chứng nhẹ, không triệu chứng bác sĩ sẽ tư vấn và yêu cầu gia đình ký cam kết cho bé về điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, nhiều gia đình xin nhập viện do nhiều bé F0 bị sốt cao (40 - 41 độ), đáp ứng kém với thuốc hạ sốt thông thường. Dù vậy, theo bác sĩ Nguyên, phụ huynh không nên quá lo lắng vì tuy nhiều trẻ F0 bị sốt cao, nhưng đợt bùng phát mới này không ghi nhận trường hợp nào khó thở, phải thở oxy hay chuyển nặng...

Tại An Giang và Đồng Tháp, số trẻ em mắc COVID-19 cũng đang gia tăng khiến nhiều gia đình lo ngại. Chị Đặng Thị Màu (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, An Giang) cho hay con gái chị đang học lớp 6, đã khỏi bệnh COVID-19 hơn 1 tuần qua nhưng đến nay thể trạng của bé vẫn còn rất yếu. 

Do thể chất của con gái yếu nên chị phải đưa bé đến Trung tâm y tế huyện Tri Tôn để theo dõi sức khỏe, hỗ trợ truyền thêm chất dinh dưỡng. 

"Tôi và nhiều phụ huynh khác khá lo lắng, mong con có thể học online vài tháng nữa là hết năm học. Nhưng con gái và các bạn lại muốn đến trường học, vui chơi, gặp gỡ bạn bè. Vì vậy khi thầy chủ nhiệm cho phép lựa chọn, con vẫn chọn tiếp tục đến trường vào thứ hai tuần tới", chị Màu nói.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang, từ ngày 14-2 (ngày cho học trực tiếp) đến nay, An Giang có 34 trẻ bị nhiễm COVID-19. Đa số đều có triệu chứng nhẹ và không có ca nào nặng.

Số trẻ em là học sinh tại Đồng Tháp bị COVID-19 sau 42 ngày học trực tiếp là 548 F0. Trong đó F0 phát hiện tại trường có 151 và tại nhà là 397 em. 

Ông Đoàn Tấn Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết số ca mắc COVID-19 ở trẻ em tại Đồng Tháp có tăng so với trước đây nhưng không nhiều. 

"Đồng Tháp yêu cầu bà con có trẻ bị nhiễm COVID-19 phải khẩn trương khai báo để địa phương hỗ trợ thuốc tận nhà. Trẻ em bị F0 rất ít triệu chứng nên sẽ kết thúc sớm hơn người lớn, tùy theo thể trạng", ông Bửu cho biết thêm.

Hà Nội: trẻ F0 không tăng

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 12-3, bác sĩ Nguyễn Thành Lê, khoa nhi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết số bệnh nhi nhiễm Covid-19 đang được điều trị tại bệnh viện này khoảng 30 cháu.

"Bệnh nhi mắc COVID-19 thường có biểu hiện sốt, tiêu chảy, sụt sịt... sau 3 ngày các triệu chứng gần như hết. Thường các bệnh nhi điều trị 5 - 7 ngày sẽ âm tính, được ra viện", bác sĩ Lê cho hay.

Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, theo bác sĩ Trần Thị Kim Anh (khoa nhi), khi bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân tầng 2, cao điểm nhất tiếp nhận điều trị gần 100 bệnh nhi COVID-19.

Thời gian gần đây trẻ được điều trị tại nhà nhiều, bệnh viện chỉ tiếp nhận bệnh nhân tầng 3, hiện duy trì điều trị 30 bệnh nhi mắc COVID-19. Số bệnh nhi mắc COVID-19 vào viện thời gian gần đây không tăng.

"Thường trẻ sẽ có biểu hiện nhẹ hơn, chủ yếu lo lắng là các trẻ ho, sốt, các biểu hiện đường hô hấp trên. Theo ghi nhận trong quá trình điều trị, bệnh nhi gặp biến chứng viêm phổi ít. Sau khi điều trị khoảng 5 - 7 ngày được ra viện", bác sĩ Kim Anh cho biết. (DƯƠNG LIỄU)

Đà Nẵng: chỉ điều trị hạ sốt, chưa dùng thuốc kháng virus

Ngoài việc yêu cầu các bệnh viện sẵn sàng nhận bệnh nhân COVID-19, Đà Nẵng cũng vừa mở rộng quy mô điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Phụ sản - nhi lên 350 giường bệnh.

Theo bác sĩ Bùi Thị Minh Hiền - phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng, trong những ngày gần đây chỉ riêng bệnh viện này tiếp nhận 100 - 150 ca mắc COVID-19 đến khám và điều trị mỗi ngày.

Do đa số các bệnh nhân ở thể nhẹ nên hầu hết được điều trị ngoại trú và tái khám sau 3 - 5 ngày. Riêng bệnh nhi sơ sinh và sản phụ là nhóm bệnh nhân được bệnh viện tập trung tối đa nguồn lực để điều trị tập trung.

"Nhóm bệnh nhi 5 - 11 tuổi chưa được tiêm vắc xin nhưng đa số chỉ có các triệu chứng như ho, sốt chứ không có biến chứng kèm theo. Do vậy việc điều trị chủ yếu tập trung vào hạ sốt chứ chưa dùng thuốc kháng virus.

Tuy bệnh COVID-19 ở trẻ em thường diễn tiến nhẹ hơn so với người lớn nhưng cần phải theo dõi chặt chẽ, phát hiện sớm để xử trí kịp thời các tình trạng nặng, biến chứng của bệnh", bác sĩ Hiền khuyến cáo. (TRƯỜNG TRUNG)

Tẩm bổ cho trẻ F0, trẻ vừa khỏi COVID-19 sao cho đúng? Tẩm bổ cho trẻ F0, trẻ vừa khỏi COVID-19 sao cho đúng?

TTO - Hiện nay số trẻ mắc COVID-19 đang tăng cao. Để hạn chế diễn biến nặng, nguy kịch, trẻ cần được theo dõi thường xuyên và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ.

T.LŨY - B.ĐẤU - Đ.TUYẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: trẻ F0 trẻ em COVID
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp