Gia Bảo, học sinh Trường mầm non Yên Xá (Thanh Trì, Hà Nội) cười giòn tan thích thú khi xem các tiết mục múa rối nước tối 2-4 - Ảnh: MAI THƯƠNG
Tối 2-4, hai mẹ con chị Thu Hương và bé Gia Bảo cùng hàng trăm gia đình nhỏ khác đã có mặt sớm, ngồi kín gian phòng tại Nhà hát Múa rối Việt Nam (Thanh Xuân, Hà Nội) để đón xem các tiết mục múa rối nằm trong khuôn khổ chương trình Âm vang đồng quê.
Tiếng cười giòn tan thích thú của Gia Bảo cũng như nhiều đứa trẻ khác thuộc các trường mầm non ở Hà Nội khuấy động không khí của buổi diễn. Những ánh mắt trong veo tò mò, tiếng ồ à lên theo từng cú quẫy nước của con rối, nụ cười hồn nhiên và tràng pháo tay không dứt sau mỗi màn biểu diễn, trẻ con ai nấy đều thích thú và hào hứng.
"Hôm nay con vui lắm, con chưa được xem múa rối bao giờ nên nhìn đàn vịt xếp hàng bơi tung tăng dưới nước con cũng thấy hay nữa. Lâu lắm rồi con mới được đi chơi, gặp lại các bạn, con muốn được bố mẹ cho đi chơi thật nhiều chứ không muốn ở nhà" - bé Gia Bảo chia sẻ sau khi xem buổi diễn.
Trẻ chăm chú xem múa rối nước cũng như các tiết mục dân gian - Ảnh: MAI THƯƠNG
Ánh mắt tò mò, tiếng vỗ tay không ngớt là món quà quý giá dành cho các diễn viên, nghệ sĩ tại buổi diễn - Ảnh: MAI THƯƠNG
Âm vang đồng quê là một chương trình nghệ thuật mới do Nhà hát Múa rối Việt Nam tổ chức, ra mắt vào tối 2-4 nhằm phục vụ các khán giả trong nước và quốc tế. Đến với chương trình, khán giả được thưởng thức sự kết hợp hài hòa giữa múa rối cạn và múa rối nước cùng những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc, vùng miền đất nước Việt Nam.
Bên cạnh múa rối, nhiều tiết mục đậm chất văn hóa truyền thống dân tộc được trình diễn như trống hội, hát văn, hầu đồng... đan xen cùng những con rối mô phỏng các trò chơi dân gian như đánh đu, chọi gà, múa rồng... khiến các khán giả nhí vô cùng thích thú và chăm chú theo dõi.Các hoạt động của người dân gắn với nền văn hóa lúa nước cũng được tái hiện - Ảnh: MAI THƯƠNG
Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết, sau một thời gian nhà hát phải đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hiện tại, các nghệ sĩ của nhà hát đã bắt tay vào tập luyện, sẵn sàng quay trở lại. Được biết, trước đây, mỗi ngày nhà hát có 2 - 7 suất diễn, đỏ đèn 365 ngày với 1.500 buổi diễn/năm cho khách du lịch.
"Nhận được sự ủng hộ từ khán giả là nguồn động lực lớn để anh em nghệ sĩ quay trở lại sân khấu. Hiện tại, chúng tôi đã và đang chỉnh trang cơ sở vật chất, bắt tay luyện tập, dàn dựng những chương trình mới", ông Dũng cho biết.
Tại buổi ra mắt chương trình Âm vang đồng quê, nhiều khán giả đến xem đã chủ động hỏi cách mua vé để đặt vé cho gia đình, bạn bè tới xem những buổi biểu diễn lần sau.
"Nhìn thấy con thích thú xem múa rối nước cùng các tiết mục dân gian khác, tôi rất bất ngờ và vui vì những chương trình thế này bổ ích hơn rất nhiều so với việc cháu ở nhà xem điện thoại. Vợ chồng tôi quyết định sẽ cho cháu tham gia những buổi diễn thế này thường xuyên để nuôi dưỡng tâm hồn cháu, cũng như giới thiệu thêm cho bạn bè đưa con cái tới xem để ủng hộ phát triển văn hóa - du lịch nước nhà", anh Trương Khắc Minh (Long Biên, Hà Nội) nói.
Các trò chơi dân gian như đánh đu, chọi gà, múa rồng... được mô phỏng trong tiết mục múa rối nước - Ảnh: MAI THƯƠNG
Khán giả được thưởng thức những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc, vùng miền đất nước Việt Nam - Ảnh: MAI THƯƠNG
Chương trình kết hợp cả múa rối nước và rối cạn - Ảnh: MAI THƯƠNG
Ông Nguyễn Tiến Dũng - giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam - cùng các diễn viên, nghệ sĩ cảm ơn khán giả sau buổi diễn - Ảnh: MAI THƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận