Có lẽ đó cũng là kỳ vọng của nhiều người Việt, bởi thế hệ trẻ sẽ là mầm ươm của tương lai nước nhà.
Lẽ nào trẻ em hôm nay ít được nói, được khóc, được cười?
Nước ta là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia ký công ước về Quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc. Song đời sống các em vẫn còn nhiều mảng tối, chuyện “cấm nói, cấm khóc, cấm cười” cứ diễn ra hằng ngày.
Không thể phủ nhận điều này bởi hiện nay cách giáo dục trẻ từ gia đình đến nhà trường còn quá nhiều khoảng trống, phân hóa giàu nghèo còn khá chênh lệch.
Bởi thế, sự ngây thơ, trong sáng của trẻ đang dần bị thay thế cho sự lão hóa tâm hồn, thậm chí còn thờ ơ, vô cảm. Trẻ ngày càng ít được giao tiếp với cha mẹ. Trẻ càng khó khăn khi biểu lộ cảm xúc. Trẻ ngày càng lầm lì, cô độc và mất niềm tin với những người xung quanh. Trẻ không có cơ hội được bày tỏ ý kiến ở trường lớp.
“Cấm được nói” thường diễn ra ở cả gia đình và nhà trường. Trong gia đình không ít cha mẹ cấm con không được tham gia chuyện gia đình, không được phản đối lời cha mẹ, không được nói chuyện nam nữ, giới tính… bởi đó không phải là chuyện của trẻ con.
Ở trường cũng vậy, có khi học trò vẫn chưa được tham gia phản biện, tranh luận với thầy cô về một vấn đề khoa học một cách dân chủ, thẳng thắn một cách đúng nghĩa. Học trò vẫn phải chịu sự áp đặt khi lắng nghe và chấp nhận kết quả.
Chuyện “cấm khóc, cấm cười” cũng xảy ra thường xuyên ở nhiều gia đình. Khi trẻ tức giận hay buồn rầu và khóc nức nở, cha mẹ lại thẳng thừng tuyên bố: “Cấm con được khóc lóc, nếu khóc nữa là bị đòn ngay”. Hoặc có trẻ vì nô đùa vui vẻ nói cười lại bị mẹ la mắng như: “Con gái vừa nói vừa cười to như thế mà không thấy vô duyên à? Từ hôm nay mẹ cấm con không được cười thành tiếng nghe chưa!”.
Mỗi đứa trẻ ở các giai đoạn lứa tuổi khác nhau đều có những nhu cầu nhất định. Khi trẻ muốn nói là để thể hiện điều mong muốn về một suy nghĩ nào đó, cho dù các em có thể không diễn đạt đầy đủ nhưng đó là đòi hỏi của trẻ, là cơ hội để trẻ có thể rèn giũa ngôn từ, vậy cớ sao người lớn lại ít cho trẻ cơ hội được nói. Điều đó vô tình kìm hãm sự phát triển ngôn ngữ và tư duy con trẻ.
Khi trẻ cười hay khóc cũng vậy, đó là thể hiện sự mãn nguyện hay bức xúc một điều gì đó với người lớn. Tiếng cười và sự lạc quan, thỏa mãn và mang lại một không khí hòa hợp trong gia đình, xua tan những bất hòa, căng thẳng trong mối quan hệ giữa cha mẹ, con cái. Khi trẻ khóc cũng là một nhu cầu của bản thân nhằm giải tỏa những ấm ức trong lòng hay đòi hỏi sự quan tâm và yêu thương của những người xung quanh.
4 giải pháp trong 20 năm tới:
1. Trẻ phải được hưởng thụ công bằng. Ở khắp nơi trên đất nước ta, các em đều có một nền giáo dục công bằng. Không còn chuyện thiếu sân chơi cho trẻ; không còn chuyện trẻ em vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới, hải đảo bị thiệt thòi khi không được thụ hưởng những chính sách của Đảng và Nhà nước.
Các em sẽ không bị áp đặt bởi tư tưởng lỗi thời, lạc hậu mà lâu nay ít nhiều người lớn vô tình hay cố ý dẫn đến vi phạm quyền trẻ em. Các em được lao động phù hợp với sức khỏe và độ tuổi của mình, được học kỹ năng, được phát triển mạnh mẽ về thể chất và tinh thần.
2. Cha mẹ là những nhà tâm lý. Những bậc cha mẹ lúc đó phải thật sự là những người hiểu rõ nhất đời sống tâm lý con trẻ, những kiến thức và kỹ năng được phổ biến rộng rãi đến mọi phụ huynh. Các em được bày tỏ lòng mình với người lớn, được tự do vui chơi thỏa thích, được sống một khoảng trời riêng dành cho thế giới của con trẻ.
Cha mẹ là người luôn thấu hiểu những cảm xúc tự nhiên của tuổi thơ đang dần hoàn thiện những giá trị bản thân. Khi vui trẻ được cười đùa thỏa chí; khi trẻ buồn phiền, bất mãn các em được khóc thoải mái hoặc được biểu hiện thành sự tức giận mà không kìm nén trong lòng.
Cha mẹ thật sự là điểm tựa tinh thần vững chắc giúp giải quyết tốt mọi vấn đề cuộc sống. Không được để trẻ cảm thấy bất an ngay trong chính gia đình mình.
3. Không còn sự áp đặt trong giáo dục: Những buổi học diễn ra một cách dân chủ, thoải mái, không còn chuyện áp đặt kiến thức, người thầy như người bạn cùng các học trò tranh luận với nhau đi đến bến bờ tri thức. Lúc đó các em có nhiều cơ hội để phát triển tư duy, ngôn ngữ cũng như phát huy tốt những năng khiếu, sở trường, hứng thú để có nhiều cơ hội trở thành những tài năng của nước nhà.
4. Không gian giao tiếp ngày càng thuận lợi: Không chỉ gia đình, nhà trường, xã hội mà lúc đó môi trường truyền thông, truyền hình, mạng Internet và quan hệ nhóm trở thành kênh thông tin quan trong giúp trẻ phát huy được tính độc lập, sáng tạo.
Trẻ sẽ được phổ biến để hiểu rõ những quyền lợi và trách nhiệm của mình được thể hiện trong quy định của pháp luật. Nơi đó sẽ giúp các em cởi mở hơn trong giao tiếp hay dễ dàng bộc lộ những cung bậc cảm xúc; nơi đó cũng là điều kiện để các em biết làm chủ được bản thân, sẵn sàng tìm đến những giá trị đích thực.
Thể lệ cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (VN) tổ chức cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. Chủ đề chính của cuộc thi là những kỳ vọng về sự phát triển của VN, đồng thời phác họa bức tranh đất nước, con người VN trong 20 năm tới. Cuộc thi dành cho bạn đọc từ 15-30 tuổi và bạn đọc trên 30 tuổi (ban tổ chức, ban giám khảo, cán bộ nhân viên báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam không được tham gia cuộc thi). Theo ban tổ chức, các bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, thể hiện hai nội dung: Những kỳ vọng hoặc phác họa bức tranh Việt Nam 20 năm tới (tối đa 500 chữ) và nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ). Bài dự thi phải chưa từng được công bố, đăng tải trên báo đài hay đoạt giải các chương trình, cuộc thi. Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) ghi rõ tên thật, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Trong trường hợp đoạt giải, mỗi tác giả chỉ nhận được giải thưởng cao nhất. Báo Tuổi Trẻ sơ loại bài viết đúng chủ đề và đúng yêu cầu của cuộc thi để đăng trong mục cuộc thi "Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới" trên Tuổi Trẻ Online. Đồng thời, hằng tuần những bài viết hay sẽ được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ. Tác giả có bài viết được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ sẽ được trả nhuận bút. Ban giám khảo chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo (gồm năm tác phẩm của tác giả dự thi ở nhóm từ 15-30 tuổi và năm tác phẩm ở nhóm người trên 30 tuổi). Các tác giả có bài được chọn sẽ được tài trợ 3 triệu đồng làm báo cáo chi tiết trình bày trước ban giám khảo để tranh giải (số tiền này sẽ được gửi cho tác giả khi tác giả đến buổi báo cáo trước ban giám khảo). Ban tổ chức sẽ tài trợ chi phí đi lại và khách sạn để tác giả đến trình bày báo cáo và nhận giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng là 120.000.000 đồng, dành cho hai nhóm đối tượng tham gia phân theo độ tuổi, gồm nhóm từ 15-30 tuổi và nhóm trên 30 tuổi. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có năm giải thưởng. Trong đó mỗi nhóm có: - 1 giải nhất: 25.000.000 đồng - 1 giải nhì: 15.000.000 đồng - 1 giải ba: 10.000.000 đồng - 2 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5-2015 đến 28-6-2015. Bạn đọc gửi bài dự thi qua đường bưu điện đến báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”); hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ [email protected]. Vòng chung khảo cuộc thi sẽ tổ chức vào ngày 11-7-2015. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận