Một trẻ em bị bỏng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - Ảnh: BV cung cấp
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, trong năm qua có trên 550 trẻ bị bỏng đến bệnh viện, trong đó trên 110 trường hợp bỏng nặng phải nhập viện điều trị. Đặc biệt thời điểm tháng 12 (giáp Tết) là lúc có nhiều ca bỏng trẻ em nhập viện.
Các bác sĩ khuyến cáo dù bận rộn lo chuẩn bị Tết, nhưng người lớn nên lưu ý các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ, và chú ý tránh những sai lầm trong sơ cứu vết bỏng tại chỗ cho trẻ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Huỳnh Thủy Tiên - khoa chấn thương chỉnh hình - bỏng, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - cho biết bỏng ở trẻ em có nguy cơ để lại di chứng nặng nề hơn ở người lớn.
Những nguyên nhân gây bỏng trẻ em thường gặp
Ghi nhận tại bệnh viện cho thấy, bỏng thường gặp nhất ở trẻ em là bỏng do chất lỏng nóng (chiếm hơn 70%), như nước sôi từ các loại đồ ăn (nồi canh, cháo, hoặc bình thủy…), do hơi nước, dầu mỡ nóng…
Một loại bỏng là nguyên nhân đứng thứ 2 ở trẻ em là bỏng lửa: lửa xăng, lửa cồn, lửa gas, lửa bếp than, củi, nồi niêu, nồi chảo còn nóng, bô xe máy…. Ngoài ra còn có các trường hợp bỏng điện (nhiều nhất là nguồn điện trong nhà, điện cao thế, từ sét đánh…).
Một số ít trường hợp trẻ bị bỏng bởi các chất hóa học ăn mòn như a xít, xút, do bất cẩn của người lớn khi cất giữ các loại hóa chất này.
Địa điểm xảy ra bỏng ở trẻ em, chủ yếu xảy ra ở khu vực nhà bếp hoặc nhà ăn; nơi tổ chức nấu nướng đám tiệc, nhà xưởng chế biến. Chủ yếu tai nạn xảy ra khi người lớn bất cẩn khi trông giữ trẻ, trẻ nghịch phá và tò mò bắt chước người lớn.
Những sai lầm trong xử lý vết bỏng nên tránh
Bỏng được chia thành 3 độ:
- Độ 1 là bỏng bề mặt da ở lớp thượng bì. Trường hợp này da chỉ bị đỏ, rát như bỏng nắng và sẽ khỏi sau 2 - 3 ngày.
- Bỏng độ 2 là trẻ sẽ bị tổn thương toàn bộ thượng bì, còn giữ lại một phần lớp tế bào đáy. Bóng nước tạo thành là do tách lớp giữa thượng bì và trung bì.
- Bỏng độ 3 là khi đó tổn thương đến lớp dưới da, không còn lớp tế bào đáy, mất cảm giác. Vùng đáy tổn thương trắng bệt.
- Bỏng nặng nhất là độ 4 là tổn thương sâu đến lớp mỡ, cơ, xương.
"Thực tế tiếp nhận các ca bỏng trẻ em tại bệnh viện, chúng tôi ghi nhận vẫn còn có những sai lầm trong xử lý vết bỏng theo kiểu dân gian. Khi bị bỏng tuyệt đối không được thoa kem đánh răng, nước mắm, mỡ trăn, dầu mù u, lòng trắng trứng hay bất cứ loại dung dịch gì lên vết bỏng", bác sĩ Thủy Tiên hướng dẫn..
Ngoài ra, bác sĩ lưu ý không nên tự ý chọc hút dịch bỏng, ở các vùng da bị bỏng không nên lấy dị vật còn dính lại trên vết bỏng, không được cởi bỏ quần áo của nạn nhân do dễ làm lột hết da của nạn nhân.
Cách sơ cứu tốt nhất là nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nguồn gây bỏng. Ngay sau đó có thể làm nguội vết bỏng bằng cách xả nhẹ dưới vòi nước (cho nước chảy thật nhẹ, xả nước mạnh sẽ làm bong vùng da bị bỏng). Sau đó lấy khăn, hay quần áo sạch, gạc y tế băng nhẹ lại và đưa đến cơ sở y tế. Lưu ý cho trẻ uống nhiều nước sau đó.
Cách phòng ngừa bỏng tốt nhất là không cho trẻ chơi ở khu vực có bếp nấu, các đồ dùng hay thức ăn nóng cần để xa tầm tay trẻ em. Trông giữ trẻ không cho tiếp xúc với các nguồn gây bỏng khác như điện, hóa chất, lửa…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận