Đối thoại “Sự tham gia của trẻ em trong quá trình xây dựng - hoạch định chính sách liên quan đến trẻ em” - Ảnh: HÀ THANH |
Đây là những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, tổ chức xã hội tại chương trình đối thoại “Sự tham gia của trẻ em trong quá trình xây dựng - hoạch định chính sách liên quan đến trẻ em” do Trung tâm nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) phối hợp cùng Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) thực hiện vào ngày 16-3 tại Hà Nội.
Tại buổi đối thoại thẳng thắn chỉ ra thực trạng các vụ xâm hại tình dục trẻ em đang khiến xã hội bức xúc trong thời gian qua, đưa ra các sáng kiến, giải pháp thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.
Tạo môi trường an toàn cho trẻ lên tiếng
Điều 12 trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em (CRC) mà Việt Nam tham gia từ năm 1990, khẳng định trẻ em có quyền thể hiện chính kiến của mình về những vấn đề ảnh hưởng đến mình.
Điều này, theo các chuyên gia đòi hỏi những ý kiến của trẻ em cần phải được các bên liên quan lắng nghe, tiếp thu và ghi nhận.
Nghiên cứu của MSD cho thấy, có bốn yếu tố để đảm bảo sự tham gia của trẻ em, gồm: không gian, tiếng nói giúp trẻ thể hiện quan điểm; công chúng/thính giả và tính ảnh hưởng giúp cho các ý kiến được ghi nhận.
Nguyễn Phương Linh, giám đốc MSD, nêu thực trạng: "Luật trẻ em năm 2016 hay các chương trình hành động quốc gia có những cam kết thúc về hành lang pháp lý để sự tham gia của trẻ em, tạo cho các em một môi trường an toàn để có thể biểu đạt. Tuy nhiên, trong thực tế việc thực hành cho sự tham gia lên tiếng này một là không tồn tại, hai là các hình thức chưa hiệu quả".
“Tất nhiên sự thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Chúng tôi kỳ vọng sẽ thảo luận ra những rào cản trong chính sách, trong nhà trường, xã hội để tìm ra các giải pháp của các bên liên quan trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em”, bà Linh kỳ vọng.
Tại đối thoại đưa ra các vụ xâm hại tình dục trẻ em gần đây đang có lỗ hổng trong thực hiện chính sách, lỗ hổng lớn từ phía nhà trường, gia đình. Các vụ việc đều được phát hiện rất muộn, lặp đi lặp lại nhiều lần ở mức độ nghiêm trọng hơn.
“Vì thế trong gia đình, hàng xóm, cộng đồng cần tạo ra môi trường an toàn để trẻ em có thể lên tiếng. Các nạn nhân có sợ không? Có, nỗi sợ to lớn ảnh hưởng cả thể xác lẫn tinh thần. Vậy làm thế nào để người lớn có thể lắng nghe, thấu hiểu, cho trẻ cảm thấy an toàn để nói ra, không để các em cảm thấy bị đổ lỗi hay bị đe dọa. Trẻ em rất sợ mắc lỗi”, bà Linh chia sẻ.
Đừng xâm hại trẻ lần thứ hai!
Thẳng thắn nêu ra vụ việc tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên khi trẻ bị ép buộc tham gia vào khảo sát mà kết quả theo ý muốn của người lớn, hay các vụ án xâm hại trẻ em gần đây, trẻ cần được lên tiếng.
Đơn cử trong vụ án xâm hại tình dục trẻ 8 tuổi ở Q. Hoàng Mai, Hà Nội mới đây, bà Linh khẳng định trong quá trình tố tụng, nếu các cán bộ, công an xử lý không biết cách nói chuyện, sử dụng cách hỏi cung thông thường với trẻ thì một lần nữa sẽ xâm hại trẻ lần thứ hai!
Những kiến nghị được đưa ra, gồm: có cách thức cho trẻ tham gia, có thể không lên tiếng bằng lời nói mà đóng kịch, vẽ tranh hay bất kỳ hình thức nào cho trẻ biểu đạt suy nghĩ, mong muốn của mình.
Đồng thời, người lớn một khi đã đọc được thông điệp của trẻ em như vậy thì phải có những phản hồi phù hợp.
Cần có các buổi tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng cũng như cán bộ nhà nước; gia đình, cộng đồng phải tạo ra môi trường an toàn. Chính sách là của nhà nước nhưng thực hành từ chính trong mỗi gia đình.
Tại đối thoại cũng nêu ra quy trình và kết quả lấy tham vấn ý kiến trẻ em về xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em.
Theo đó, trẻ em kiến nghị cần xây dựng tính pháp lý cho Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 18001567, quy định rõ cơ chế phối hợp giữa chính quyền các cấp và trách nhiệm tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân; cung cấp số điện thoại ngắn (3 số) cho các em dễ nhớ…
Đặc biêt, cơ quan Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - cơ quan đại diện cho quyền trẻ em cần tích cực tuyên truyền về vai trò của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ; tổ chức xây dựng các nhóm trẻ em đại diện và CLB trẻ em trao đổi nguyện vọng của trẻ với Đoàn thanh niên hay các cơ quan nhà nước; tập huấn nâng cao năng lực cho trẻ tham gia…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận