Một gia đình người Đức gốc Việt vui chơi trong mùa hè tại TP Regensburg (Đức) - Ảnh: H.L.
Tuổi Trẻ ghi lại ý kiến của một số phụ huynh nước ngoài.
* Chị MARJON TROMP (giáo viên, người Hà Lan): Trẻ được hỏi ý kiến về hoạt động hè
Chị Marjon Tromp (giữa)
Trong vấn đề nuôi dạy con cái, ở Hà Lan, cha mẹ hay người chăm sóc trẻ phải bám vào 4 nguyên tắc sau trong các vấn đề liên quan đến trẻ: quyền tự do của trẻ, hỏi ý kiến trẻ, giải thích rõ ràng với trẻ và sự tỉnh táo.
Ở Hà Lan, học sinh cấp I có 6 tuần nghỉ hè. Đa số những người đi làm cũng có 6-8 tuần nghỉ phép trong một năm. Phần lớn các gia đình có con nhỏ sẽ cùng con cái đi nghỉ hè trong nước hoặc đâu đó ở châu Âu như Pháp, Bỉ, Ý, Tây Ban Nha trong 2-3 tuần.
Đưa cả nhà đi cắm trại là một hoạt động rất phổ biến với người Hà Lan chúng tôi. Người Hà Lan cũng rất coi trọng thời gian dành cho gia đình và họ thích các kỳ nghỉ hè nên việc lấy ngày nghỉ ở nhà cùng con cái không phải là áp lực của cha mẹ.
Đối với những gia đình không đủ khả năng đi du lịch xa, họ cũng có thể đi các chuyến đi trong ngày tới bãi biển, hồ bơi hoặc khu vui chơi cho trẻ.
Trong năm học, trường học ở Hà Lan có một số hoạt động sau giờ học và có cả chương trình giữ trẻ sau giờ tan trường đối với học sinh cấp I. Vào mùa hè, chúng tôi cũng có mở lớp giữ trẻ từ 8h đến 18h các ngày trong tuần. Cha mẹ nào bận rộn công việc sẽ đăng ký thời gian theo nhu cầu của mình. Trung bình, các em được gửi đến trường 2-3 ngày trong một tuần.
Ở lớp học mùa hè này, chúng tôi có rất nhiều hoạt động nhưng tất cả đều là các hoạt động vui chơi. Đối với phụ huynh, điều quan trọng nhất là trẻ được vui vẻ ở lớp, được chơi với các trẻ khác và bạn bè của mình. Khi trẻ được vui, cha mẹ mới không cảm thấy áy náy vì họ phải đi làm suốt ngày không thể ở bên con.
Chúng tôi cũng có chương trình dạy thêm cho trẻ từ 11 tuổi trở lên và lớp học này chỉ kéo dài trong hai tuần nhằm chuẩn bị cho các em chuyển sang cấp II từ trường cấp I. Các em có học một ít kiến thức nhưng vẫn chơi nhiều và được vui vẻ. Học sinh cũng được gửi đi các trại hè độ một tuần như về nông trại hoặc tham gia trại sinh hoạt ngoài trời. Những hoạt động này nhằm để trẻ vui chơi, được vận động, gần với thiên nhiên.
Học sinh cần được chơi đùa và vui vẻ vì những điều này quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Khi lớn lên, các em cũng sẽ như chúng ta, phải làm việc rất nhiều năm. Dĩ nhiên, việc học là cần thiết nhưng cần có sự cân bằng giữa thời gian học và thời gian tự do rảnh rỗi của trẻ. Nếu không, trẻ sẽ bị quá tải vào thời điểm các em được 25-30 tuổi. Với triết lý này, đối với người Hà Lan, điều quan trọng là trẻ phải được vui vẻ, có thời gian với gia đình và bạn bè.
Xã hội mà chúng ta đang sống đã đánh giá quá cao thành tích về học tập, do đó con cái chúng ta, những đứa trẻ không được trời phú cho thiên tài về học tập lại bị buộc phải cố gắng học ngày học đêm cho bằng những trẻ khác. Đây là thực tế cuộc sống ở châu Á và có thể ở cả châu Phi chúng tôi.
FAITH ONEYA (nhà văn người Kenya)
* Chị Pam O’Reilly (người Úc): Không nên bắt trẻ học vào mùa hè
Kỳ nghỉ hè ở Úc không dài như ở Việt Nam, nhưng lũ trẻ cũng thường thấy chán trong khoảng thời gian này. Mùa hè là thời gian mà các gia đình thường đi nghỉ cùng nhau, nhiều gia đình đi biển, đi cắm trại... Những dịp cắm trại mang đến cho trẻ cơ hội hòa nhập với những đứa trẻ khác, kết bạn mới, đi xe đạp, tập thể dục, bơi lội... Nhiều gia đình người quen, bạn bè cũng thường kết hợp đi chung với nhau.
Bên cạnh đó, trong kỳ nghỉ hè, trẻ nhỏ thường được dẫn đi tham quan các nơi trong thành phố, sở thú, công viên giải trí, công viên nước, leo núi trong nhà, xem phim ảnh, đi ăn... Một số trường tiểu học ở Úc cũng có chương trình học hè, thường là các khóa học thể thao hay học làm thủ công phù hợp sở thích, nhưng không phải trường nào cũng vậy. Những khóa học này thường tốn phí, một số phụ huynh không có khả năng chi trả và trẻ cũng không muốn học.
Theo quan điểm cá nhân tôi, trong kỳ nghỉ hè không nên bắt trẻ học hành quá nặng nề, cha mẹ không nên gây áp lực cho trẻ trong thời gian này. Tuy nhiên, tôi nghĩ cũng sẽ không tốt nếu trẻ chỉ suốt ngày chơi game trên máy tính và ăn uống linh tinh. Nên hướng trẻ đến các hoạt động cộng đồng lành mạnh, kết hợp giữa vui chơi và học tập. Đó là nơi để trẻ có cơ hội chơi cùng bạn bè, giao tiếp, có được khoảng thời gian vui vẻ, học các kỹ năng và khám phá sở thích mới của mình.
Một vấn đề nên lưu ý khi cho trẻ tham gia các hoạt động là sự an toàn của trẻ. Nhiều thống kê cho thấy có sự gia tăng lớn về số trẻ chết do đuối nước trong thời gian nghỉ học. Đó cũng là lý do mà tổ chức của chúng tôi luôn sẵn lòng hỗ trợ các chương trình an toàn về nước và bơi lội cho trẻ vào mùa hè từ năm 2012 đến nay tại Việt Nam.
* Chị Cynthia Mann (người Úc): Dẫn con đi chơi thay vì đi học
Vào mùa hè, người Úc thường dẫn con đi chơi thay vì dẫn con đi học. Phần lớn trẻ em sẽ dành nhiều thời gian bên bờ biển, hồ bơi, hoặc là sân sau của nhà. Bên cạnh đó, vào mùa hè trẻ em ở Úc có nhiều sự lựa chọn tham gia các hoạt động ngoại khoá do các cơ quan hành chính của thành phố hay các cộng đồng tổ chức. Thông thường những khoá học này xoay quanh các hoạt động mang tính sáng tạo và thuộc về thể chất thay vì học thuật. Như vậy, trẻ có thể học được những gì trường lớp trong năm không dạy. Ví dụ như, thư viện thường tổ chức những buổi kể chuyện miễn phí. Đối với các hoạt động tốn phí, thường là hoạt động thể chất hoặc nghệ thuật kéo dài từ một ngày đến một tháng.
Tôi nhận thấy nhiều phụ huynh ở Việt Nam thường tìm đến các lớp học thêm vào mùa hè như giải pháp để con có người trông thay vì chỉ ngồi thừ ra ở nhà và xem tivi. Trông coi con cái vào mùa hè là vấn đề nan giải của tất cả các phụ huynh, ngay cả ở Úc. Tuy vậy, kì nghỉ hè của học sinh Úc gồm cả Giáng sinh và năm mới nên ít nhiều cha mẹ cũng dành được vài tuần ở nhà với con. Cũng nhân dịp này mà có nhiều hoạt động tụ tập gia đình bên nội, bên ngoại, và bạn bè. Nhiều gia đình sẽ chọn đi du lịch từ một đến hai tuần hoặc đi trong ngày để con họ được "đổi gió". Đối với đa phần các gia đình, sau kì nghỉ Giáng sinh và năm mới, cha mẹ sẽ phải đi làm nên con cái sẽ dành thời gian với ông bà hoặc họ hàng.
Anh DUY TRIỀU (Đức): Mùa hè học tiếng Việt
Ba đứa con của tôi đều sinh ra tại Đức nên chúng nói và hiểu tiếng Việt rất ít. Chúng tôi thường tận dụng mùa hè đưa các cháu về Việt Nam thăm người thân, đi du lịch. Đây cũng là dịp để các cháu hiểu hơn về văn hóa, phong tục tập quán của Việt Nam, đồng thời nhờ những ngày sống với ông bà, người thân, các cháu được nói, học thêm tiếng Việt.
Ở Đức, mùa hè là những ngày nghỉ đúng nghĩa của các em. Chúng tôi - những bậc phụ huynh có trách nhiệm phải giúp các cháu vui vẻ trong những ngày hè. Nếu không về Việt Nam, gia đình tôi sẽ đưa các con đến một quốc gia ở châu Âu, chẳng hạn hè năm ngoái chúng tôi đến Croatia cắm trại, chơi đùa rất vui vẻ.
Những ngày này ở Đức đang khá nóng. Chúng tôi đưa các cháu đến hồ bơi, công viên hoặc đi dạo trong rừng hoặc chơi thể thao. Nói chung, các cháu có một mùa hè đúng nghĩa được chơi, được vui trước khi bước vào năm học mới.
K.B (ghi)
Mùa hè ở một số nước Đông Nam Á
Trẻ em Singapore đá bóng trong khuôn viên ở gần nhà, ảnh chụp tại khu Pek Kio, Singapore - Ảnh: TRI ANH
Mùa hè ở Philippines thường trúng vào mùa khô nên việc ra ngoài chơi đối với nhiều gia đình trở nên dễ dàng, thoải mái và phổ biến. Trao đổi với Tuổi Trẻ, chị Nikki Ferriols - một phụ huynh người Philippines - nói rằng việc tham gia các khóa học hè, đặc biệt là các lớp học thêm, không phổ biến ở Philippines có lẽ vì cha mẹ không cảm thấy cần thiết phải bắt con họ học quá sức để rồi học lại nội dung này trong năm học chính thức.
Chị Nikki chia sẻ: "Nhìn chung, đối với chúng tôi, mùa hè là thời gian trẻ em không nghĩ về việc học dù chỉ một chút. Chúng chơi tùy thích, chơi cho thỏa ý muốn để vào năm học không còn "thèm" chơi và tập trung vào học. Chính vì tư tưởng "chơi cho đã" nên cha mẹ cũng không ép con tham gia các khóa học hè phát triển kỹ năng hay bất kỳ khóa học nào liên quan đến việc dung nạp kiến thức hay bắt trẻ tuân thủ quá nhiều quy định".
Trong khi đó, anh Quý - người Thái Lan gốc Việt - cho biết do điều kiện thời tiết ở Thái Lan thường mưa nhiều bắt đầu từ tháng 6 nên chính phủ nước này cho học sinh nghỉ hè từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 5, nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho các em đi chơi với gia đình, bạn bè.
Anh Quý nói: "Cũng giống như Việt Nam và các nước khác ở Đông Nam Á, chúng tôi thường tổ chức cho con cái đi chơi vào mùa hè. Thông thường thì chúng tôi đi biển, cắm trại ở các khu vực vùng núi... Những gia đình có điều kiện tài chính thì cho con em đi du lịch nước ngoài. Ở Thái Lan, mùa hè cũng có các trường tổ chức dạy thêm nhưng chi phí rất cao".
Ở Singapore, học sinh được nghỉ ở từng học kỳ, trong đó hai kỳ nghỉ dài là cuối học kỳ 2 (4 tuần) và học kỳ 4 (6 tuần). Anh Tri Anh - người Việt đang sinh sống và công tác tại Singapore - cho biết: "Ở mỗi kỳ nghỉ cũng có gia đình cho con mình tham gia các lớp học thêm. Nhưng thông thường, họ tận dụng các kỳ nghỉ để đưa con đi du lịch. Học sinh sau kỳ nghỉ đều phải làm báo cáo về những kết quả có được trong kỳ nghỉ (term holiday report). Tôi thường đưa hai cháu trở về Việt Nam thăm ông bà và khám phá thiên nhiên. Đây cũng là dịp để các cháu thư giãn, vui chơi".
HÀ MY - K.B
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận