02/09/2010 18:32 GMT+7

Trẻ con "xóm du mục"

Bài, ảnh: NGỌC NGA
Bài, ảnh: NGỌC NGA

TTO - Con công nhân xây dựng, con nhà du mục; không phải trên những thảo nguyên hay sa mạc đầy cát mà là gió bụi công trường, trong những chiếc lán tạm bợ di chuyển theo công trình cha mẹ làm. Không có những buổi ê a trong lớp học, càng không có sở thú, công viên...

snIe2PQY.jpgPhóng to
Trẻ con "xóm du mục” trên đường Hàm Tử (Q.5, TP.HCM)

Tuổi thơ lang bạt

Đại lộ Đông - Tây đang trong giai đoạn cuối. Dãy lán tạm của công nhân xây dựng công trường trên đường Hàm Tử (P.6, Q.5) với thời gian cũng đã trở nên rách nát hơn.

Chúng tôi đi ngang đây. Tiếng trẻ con ríu rít vang ra từ những chiếc lán tạm bợ ấy. “Xóm” này chủ yếu là dân miền Tây; có hơn 15 đứa trẻ, đứa lớn nhất 14 tuổi, đứa nhỏ nhất chưa tròn 1 tuổi.

Có mặt từ khi công trình đại lộ Đông - Tây này bắt đầu xây dựng, cậu bé Nguyễn Văn Dô (14 tuổi) xem ra là một “thủ lĩnh” của bọn trẻ nơi đây. Quê ở Hồng Ngự, Đồng Tháp, học xong lớp 3 Dô phải bỏ học theo cha mẹ đi làm công nhân xây dựng ở Bình Dương, Vũng Tàu và khắp các công trình trong thành phố này.

C9LD09Xm.jpgPhóng to
Sân chơi mầm non là các thùng container

Ba má đi làm, Dô đi bán vé số phụ ba má. Bọn trẻ trong “xóm” bảo Dô “hiểu biết nhiều nhất”. Chẳng hạn như “ở Vũng Tàu bọn tao được ở trong cái lán gần rừng điều, trái cây nhiều lắm nhé. Còn ở Bình Dương thì ba má thuê nhà trọ chứ không phải ở trong lán đâu” - Dô kể cho bọn bạn với giọng tự hào về thành tích “đi nhiều” của mình.

Không kém cạnh, cậu bé Lê Văn Tuấn (11 tuổi) cũng khoe: “Bên quận 2 có mấy cái nhà cao vút, ba má em xây đó. Biết cầu Chà Và không, ba má em xây luôn đó”.

Cũng quê ở Đồng Tháp, học tới lớp 2 ba má Tuấn đành cho cậu bé nghỉ ở nhà trông em để cha mẹ đi làm. Cách đây một năm hai anh em Tuấn được cha mẹ đưa lên thành phố. Trước khi tới đây, gia đình Tuấn đã làm ở 3 công trình nhỏ khác ở quận 2 và quận Tân Bình. Lần nào cả nhà cũng phải sống trong những chiếc lán chật chội, nóng bức ngay tại công trình.

Tại công trình này, gia đình Tuấn phải ở cùng một gia đình nữa trong chiếc lán nhỏ xíu. Bên dưới ngập đầy rác và nước dơ. Thời điểm mà Tuấn thích nhất trong ngày là 17g. Đó là giờ Tuấn bế em ngóng ba má đi làm về để được ăn quà và không phải coi em... một chút.

“Con ước sau này sẽ làm một cầu thủ bóng đá như trong tivi, có tiền con xây một cái nhà thật to như cái nhà mà bố mẹ xây bên quận 2, ở cho thích” - Tuấn vừa gặm chiếc bánh cam vương mùi hồ vừa say sưa nói ước mơ của mình.

Bên cạnh bố mẹ Tuấn anh Lê Văn Sóc và chị Trương Bích Ngọc ngồi nhìn con với đôi mắt thật buồn. “Muốn cho con đi học lắm cô ơi, nhưng ở quê cực quá nên mới phải tha con đi khắp nơi thế này. Nghe con nói mơ này mơ nọ, tui nghe mà đứt ruột...” - anh Sóc tâm sự.

“Có cái trường mầm non ngay bên kia đường. Vợ chồng tui muốn gửi đứa nhỏ vào đó nhưng không có đủ tiền mà đóng nên thôi” - chị Ngọc thở dài.

KTTvGV5B.jpgPhóng to
Anh em Tuấn đón mẹ đi làm về

Trong xóm, gia đình bà Nguyễn Thị Phượng và ông Nguyễn Văn Minh quê ở huyện Tân Hồng, Đồng Tháp được coi là đại gia đình sống trên các công trình khi có ba thế hệ đang sống trong chiếc lán tạm bợ nhỏ xíu. Ông bà có 9 người con. Con gái thứ 5 của ông bà chị Nguyễn Thị Liên mang theo đứa con nhỏ mới 8 tháng theo chồng và bố mẹ ở công trình này.

GyoTunrd.jpgPhóng to
Gia đình bà Phượng ba thế hệ sống trên công trường

Dường như biết phận “du mục” của mình nên mấy đứa nhỏ ở đây hiếm khi ốm đau hay quấy khóc. Có lẽ chúng cũng biết phận mình như những cây xương rồng vươn lên trên đất cằn...

Ước mơ đến trường và về quê tắm sông, cưỡi bò...

Đi từ công trình này đến công trình khác, không được đến trường nên hầu hết đám trẻ ở đây không biết chữ. Hoặc nói như cô bé 12 tuổi Nguyễn Thị Tuyết, “bọn con quên chữ hết trơn rồi, con chỉ nhớ được chữ o và chữ a thôi”.

Thích gì nhất? Cô bé nhìn qua trường mầm non bên kia đường Hàm Tử nói nhanh: “Được đi học”.

Ước mơ của Tuyết có lẽ cũng là niềm khát khao của tất cả trẻ em trong “xóm du mục” này. Ba chị em Tuyết đều có ước mơ là làm công an phường. Tại sao vậy?. “Bởi vì con mà làm công an phường thì con sẽ cho các bạn chơi đá banh ngoài hè thỏa thích, không bị rượt gì hết” - Nhí giải thích.

S4mmwd5p.jpgPhóng to
Chị em bé Tuyết cũng như trẻ con trong xóm này phải chơi trên những đống sắt ngổn ngang

Tôi bảo các em không nên đá banh ở đó vì xe cộ rất nguy hiểm để rồi thấy mình nói thật sáo rỗng khi nhìn lại xung quanh toàn đất đá ngổn ngang sắt thép, vật liệu công trình và rác. Các em không đá banh ở đó thì biết chơi gì bây giờ?

Tuyết và Nhí đều đã bị xe đụng, phải đi bệnh viện, nhưng buổi chiều nào chị em Tuyết cũng đi đá banh với các bạn ở đoạn vỉa hè nhỏ hẹp này. Nếu không đá banh, sân chơi của các em là trên những đống sắt ngập mùi phân người bởi nơi đây cũng là nhà vệ sinh của cả xóm hoặc chạy nhảy trên mấy thùng container, phía dưới đầy kim tiêm, mảnh sành.

Nhặt ve chai là công việc các em ưa thích, chiều nào cũng vậy mấy đứa lại dắt díu nhau loanh quanh những khu vực gần đó để mót phế liệu công trình, ve chai và tất cả những thứ gì còn dùng được người ta bỏ đi.

Đổi lại là những que kem mát lạnh hay cái bánh thơm phức của cửa hàng bên kia đường. Ngần ấy cũng đủ làm các em vui sướng.

Trong xóm cậu bé Huỳnh Thái Phong (12 tuổi) được xem là người có “thành tích” nhặt ve chai cừ nhất mặc dù lúc nào Phong cũng cặp đứa em gái chưa đầy 1 tuổi bên hông.

“Em góp tiền để khi nào xong công trình này sẽ đi chơi Đầm Sen. Ba má hứa rồi mà. Trong xóm em chưa có đứa nào được đi đâu nhé” - cậu bé vừa thì thầm với tôi vừa chỉ cho tôi xem “gia tài ve chai” của mình dưới gầm lán.

Lang bạt khắp nơi nhưng các em đều muốn một điều là được về quê và đi học. Trong câu chuyện của các em nói với nhau ngoài những câu chuyện về các công trình đã đi qua là những câu chuyện ở quê chúng.

“Về quê được tắm sông, cưỡi bò... Nhưng em nghe cha mẹ nói xong công trình này sẽ đi nữa chứ chưa về được” - Phong ngơ ngẩn với ước mơ trẻ thơ. Đôi mắt Tuyết cúi xuống: “Em cũng muốn về quê hái me. Ở đây chán lắm...”.

Mấy đứa khác cũng nhao lên khoe ở quê mình có gì vui. Đứa nào cũng hứng khởi trong đôi mắt tròn hồn nhiên và đáng yêu biết chừng nào...

Tại công trình hầm Thủ Thiêm dưới chân cầu Khánh Hội, bé Vũ Bình Dương (quê Nghệ An) được coi là thành viên nhỏ tuổi nhất sống trong công trình. Mới 2 tuổi nhưng Dương đã đi cùng bố mẹ tới 3 công trình. Tuy vậy nhưng mẹ Dương, chị Nguyễn Thị Tuyên, luôn cố gắng gửi con vào nhà trẻ.

9krBlBYg.jpgPhóng to
Bé Vũ Bình Dương - thành viên nhỏ tuổi nhất tại khu nhà trọ công trinh hầm Thủ Thiêm

Mỗi ngày người mẹ trẻ ấy phải dậy từ 4g sáng để kịp đưa con sang quận 2 đi học. “Trẻ con được đi học sẽ khôn mau lắm. Vợ chồng mình thất học rồi nên con nhất định phải được đi học... Đi lung tung nên xin cho con học khó khăn lắm nhưng vợ chồng mình sẽ cố gắng” - người mẹ trẻ nói với vẻ quyết tâm.

Bài, ảnh: NGỌC NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp