30/09/2017 08:37 GMT+7

Trẻ con đang làm gì trên sóng truyền hình?

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Thông tư yêu cầu ‘dán nhãn’ cảnh báo những nội dung không phù hợp với trẻ em trên các phương tiện truyền thông sẽ được áp dụng ngày 1-10, nhưng hiện giờ không hiếm sô thiếu nhi đang ở ngưỡng cảnh báo ‘đỏ’.

Có thể nói sự ra đời của thông tư nói trên là cần thiết, bởi hiện nay trẻ em ở Việt Nam đang phải tiếp xúc với rất nhiều các thông tin không phù hợp một cách trực tiếp, lẫn gián tiếp từ các phương tiện truyền thông.

Rất phổ biến tình trạng các em nhỏ xem chung phim có nội dung dành cho người lớn với cha mẹ, nghe nhạc không phù hợp với lứa tuổi…

Đáng buồn hơn, khi chính các chương trình dành cho thiếu nhi trên truyền hình hiện nay lại vi phạm vào những nguyên tắc bảo vệ trẻ em.

Khi trẻ em sinh lời

Dễ nhận thấy sau khi các chương trình thực tế dành cho người lớn bắt đầu bão hòa, thì chương trình dành cho thiếu nhi chính là 'phao cứu sinh'.

Năm 2013, Giọng hát Việt nhí đã trở thành hiện tượng. Sự quan tâm của khán giả đã đẩy giá quảng cáo của chương trình lên tới 280 triệu đồng/TVC 30 giây.

Phương Mỹ Chi hát Chờ người  - ca khúc có quá lớn đối với tuổi cô bé?

Cô bé Phương Mỹ Chi dù không chiến thắng giải quán quân Giọng hát Việt nhí, nhưng sau khi bước ra khỏi cuộc thi đã trở thành một ca sĩ hoạt động chuyên nghiệp.

Từ nhà sản xuất truyền hình thực tế đến bầu sô ca nhạc, các nhà quảng cáo, thậm chí gia đình của Phương Mỹ Chi đều thấy cô bé thực sự là một "mỏ vàng" cần được khai thác.

Phương Mỹ Chi đã nhanh chóng giã từ tuổi thiếu niên của mình để hát những ca khúc dành cho người trưởng thành.

Sau đó thì một loạt các chương trình thực tế ra phiên bản dành cho trẻ em, và game show mới được nhập về.

Phải kể tới: Vietnam Idol nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Vietnam’s got talent, Gương mặt thân quen nhí, Đồ Rê Mí, Vua đầu bếp nhí, Người hùng tí hon, Siêu nhí tranh tài, Bố ơi mình đi đâu thế?, Cháu ơi cháu à, Mặt trời bé con…

Rất nhiều chương trình trong số các chương trình nói trên khuyến khích trẻ em tranh tài bằng các tác phẩm dành cho người lớn.

Mùa nghỉ hè cũng là mùa... gameshow nhí? Các gameshow nhí đang “bào mòn trẻ em”? Đức Vĩnh đăng quang

Trẻ con đang làm gì trên truyền hình?

Năm ngoái khán giả đua nhau chia sẻ clip của một cậu bé đóng vai Gấu trúc vừa hát ca khúc hải ngoại Chỉ riêng mình ta của ca sĩ Nguyễn Hưng, vừa đóng tiểu phẩm hài.

Gấu trúc hát Chỉ riêng mình ta và diễn hài người lớn?

Khán giả không khó để nhận ra ngôn ngữ của tiểu phẩm là ngôn ngữ của người lớn chứ không phải của một đứa trẻ 4 tuổi. Đặc biệt ca khúc, và những điệu nhảy của cậu bé hoàn toàn không phù hợp với lứa tuổi của cậu.

Còn trước đó các chương trình như Giọng hát Việt, Vietnam Idol nhí, Vietnam’s got talent, Gương mặt thân quen nhí… đã tiên phong khuyến khích trẻ em hát ca khúc người lớn.

Các cháu tham gia chương trình này không chỉ hát ca khúc của các nhạc sĩ đáng tuổi "ông" như Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Trần Tiến…, "lấn sân" sang Chầu văn, mà còn hát ca khúc của các ca sĩ nổi tiếng thế giới (như Lady Gaga).

Quán quân Vietnam’s Got Talent 2016 là một cậu bé. Cậu đã chinh phục khán giả bằng màn chơi trống ca khúc Ngọn lửa cao nguyên của nhạc sĩ Trần Tiến.

Bước nhảy hoàn vũ nhí đã chưa 'kiểm duyệt' nội dung người lớn?

Chương trình về nhảy múa như Bước nhảy hoàn vũ nhí có quá nhiều tiết mục "gợi cảm" so với lứa tuổi thí sinh. Có tiết mục thí sinh nhí nhảy trên nền nhạc ca khúc đậm tính dục Sex in the air của nữ ca sĩ Rihanna.

Vấn đề này đã được báo chí phản ánh rất nhiều lần, nhưng cho tới bây giờ vẫn không suy chuyển.

Cụ thể, chương trình mới nhất Mặt trời bé con dành cho các bé từ 3 đến 13 tuổi đã phát sóng một đoạn video gia đình tự quay, trong đó một cô bé 5 tuổi hát nhép ca khúc người lớn Là con gái phải xinh của Bảo Thy.

Người lớn sẽ nghĩ gì khi xem những màn trình diễn nhí này?

Một câu hỏi đặt ra, tại sao sóng truyền hình quốc gia lại cho phép các tiết mục trẻ con hát và nhảy bằng âm nhạc của người lớn?

Thông tư "dán nhãn" cảnh báo những nội dung không phù hợp với trẻ em trên các phương tiện truyền thông sẽ có ý nghĩa gì, khi chính các chương trình của trẻ em đang khuyến khích trẻ em dùng các nhạc phẩm của người lớn?

Bài 2: Ai bảo vệ trẻ em khi sóng giờ vàng dành cho mọi lứa tuổi?

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp