11/01/2021 09:09 GMT+7

Trẻ bị đẩy ra đường mưu sinh: 'Quy định đã sẵn, có thể lập tức ngăn chặn'

HÀ QUÂN
HÀ QUÂN

TTO - Ông Đặng Hoa Nam - cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) - khẳng định như vậy về việc trẻ em bị đẩy ra đường mưu sinh trong giá rét tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai mà Tuổi Trẻ ngày 10-1 phản ánh.

Trẻ bị đẩy ra đường mưu sinh: Quy định đã sẵn, có thể lập tức ngăn chặn - Ảnh 1.

Những đứa trẻ địu em, bán hàng trong giá rét để lấy lòng thương hại của du khách - Ảnh: VŨ TUẤN

Ông Đặng Hoa Nam cho rằng việc để trẻ em lang thang, kiếm sống tại các điểm du lịch, đặc biệt là mang lại thu nhập cho gia đình trong thời tiết khắc nghiệt là hành vi bóc lột sức lao động của trẻ em, trái quy định của pháp luật.

"Đó là hành vi bị nghiêm cấm trong Luật trẻ em 2016. Không chỉ là bóc lột sức lao động, mà để các em lang thang, kiếm sống trong điều kiện giá rét như vậy gây nguy hiểm đến sức khỏe, có thể là tính mạng" - ông Nam nhấn mạnh. Ông Nam cho biết Sa Pa đã vận động du khách đến Sa Pa không mua hàng lưu niệm, không cho tiền những trẻ em đeo bám khách du lịch trên đường phố.

Theo ông Nam, không riêng Sa Pa, chính quyền các địa phương nơi có điểm đến du lịch có thể triển khai nhiều giải pháp để giải quyết căn cơ vấn đề này. Đầu tiên là phải tuyên truyền đến chính những gia đình có trẻ em lang thang, mưu sinh và yêu cầu họ ký cam kết không tái diễn. Nếu tái phạm, địa phương phải áp dụng các chế tài của pháp luật, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi bị nghiêm cấm, bóc lột lao động trẻ em, đặc biệt là các bậc cha mẹ để con em mình lao động, kiếm sống trong thời tiết giá rét.

Ông Nam cho biết thêm sau khi thực hiện các giải pháp trên, nếu như vẫn tiếp tục tái phạm thì phải áp dụng biện pháp hạn chế quyền làm cha mẹ và các biện pháp hỗ trợ can thiệp khẩn cấp theo nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật trẻ em. 

Cụ thể, có thể cách ly trẻ em khỏi cha mẹ, đưa các em về những cơ sở chăm sóc thay thế và tiến hành các biện pháp tiếp theo để đảm bảo an toàn cho các em. Vì trong trường hợp này, cha mẹ có hành vi xâm hại, bóc lột sức lao động của con và vi phạm pháp luật. "Quy định đã sẵn, địa phương có thể ngay lập tức ngăn chặn tình trạng này" - ông Nam khẳng định.

Ông Trần Thất (nguyên vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp): Giải quyết từ gốc chính là cha mẹ của trẻ

Để trẻ em đi bán hàng trong giá rét là lợi dụng tình thương người của khách du lịch. Nhiều gia đình đã đày đọa con cái phải phơi sương phơi gió đi bán hàng rong, đây là một vấn đề đã xảy ra ở nhiều địa phương chứ không chỉ Sa Pa. Như thế là vi phạm quyền của trẻ em.

Muốn giải quyết vấn đề này thì chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc phải có biện pháp chặn đứng ngay từ gốc của tệ nạn chính là cha mẹ của trẻ. Nếu để con ra đường trong đêm tối giá rét thì cương quyết phạt hành chính. Tôi cũng đồng tình với cách làm của Sa Pa là đề nghị khách du lịch không mua hàng, không cho tiền những đứa trẻ này.

Ngoài ra, theo tôi, chính quyền Lào Cai cần có chỉ đạo thống nhất từ tỉnh đến cơ sở chứ không chỉ riêng Sa Pa vì đây là bộ mặt của tỉnh đối với vấn đề ứng xử, giao tiếp trong du lịch.

Anh Huỳnh Dương (du khách từ quận Tân Phú, TP.HCM): Chèo kéo khách làm mất hình ảnh của Sa Pa

Tôi đến Sa Pa vừa để du lịch vừa đi chụp hình. Ngoài phong cảnh đẹp thì tôi thường khai thác thêm hình ảnh sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, khi đến đây tôi lại bị chèo kéo để mua hàng khiến tôi có ấn tượng xấu và đó là một điều rất đáng tiếc.

Tôi nghĩ không nên đưa tiền, mua đồ cho trẻ em ở đây nhằm tránh trường hợp lợi dụng tình thương để có những hoạt động (bán hàng rong) như thế này. Tôi cảm thấy rất tiếc một điều là ai cũng có thể đi làm nhưng tại sao lại đẩy những đứa trẻ gần như chưa có nhận thức gì ra đường bán hàng để trục lợi.

Bà Vũ Khánh Hòa (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội): Phải nghĩ đến tương lai của trẻ

Câu chuyện ở đây không phải do chính quyền hay lãnh đạo bỏ bê mà do chính người dân. Nhìn những đứa trẻ mang hàng rong nài nỉ, xin tiền du khách thế này mình cũng rất khó cầm lòng. Thực tế có cần để các cháu làm như thế không? Tôi nghĩ cái này phải thay đổi. Người lớn, nhất là cha mẹ, phải nghĩ đến tương lai của những đứa trẻ. Bây giờ trẻ đi xin, đi bán hàng thì được vài đồng tiền thế thôi, đến khi lớn lên mù chữ là "mù tương lai" và nhiều vấn đề khác nữa. Chỉ mong sao chính sách của chính quyền đến được sát với người dân hơn nữa.

Anh Nguyễn Văn Đông (quận Hoàng Mai, Hà Nội): Du khách cảm thấy khó xử

Nhìn những em bé ra bán hàng thực ra cũng rất cực khổ vì thời tiết trên này rất rét. Cảm giác của tôi là hơi khó xử. Tôi đồng cảm một chút với phụ huynh các bé vì có thể ngoài nương rẫy, họ không có nguồn thu nhập nào khác nên họ đưa con ra kiếm tiền.

Nếu bán hàng rong mà không đeo bám, chèo kéo thì không sao, tôi nghĩ khách du lịch họ vẫn đồng tình. Chỉ có một số trẻ khi bán hàng cứ đưa hàng cho khách rồi lẽo đẽo đi theo đòi tiền nên khách không thích bị như vậy.

Để giảm thiểu tình trạng này, mặc dù Nhà nước đã có rất nhiều chính sách nhưng tôi nghĩ cần tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Ví dụ: mở những cơ sở sản xuất, làm đồ gia công đơn giản để người dân kiếm thêm thu nhập và khi đó họ không còn lý do gì để con em mình phải ra đường bán hàng một cách kém thân thiện như thế nữa.

VŨ TUẤN ghi

Trẻ bị đẩy ra đường mưu sinh trong giá rét Trẻ bị đẩy ra đường mưu sinh trong giá rét

TTO - Tại thị xã Sa Pa (Lào Cai), nhiều đứa trẻ vẫn bị cha mẹ đẩy ra đường mưu sinh trong tiết trời cắt da cắt thịt.

HÀ QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp