Bé B.N.A. bị phỏng hai bàn chân - Ảnh: UYÊN TRINH
Cơ sở mầm non Anh Nguyên đăng ký thành lập và đi vào hoạt động năm 2016 tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Chủ cơ sở tuyển bảo mẫu Nguyễn Thị Dung vào làm tạp vụ từ tháng 5-2017.
Sau đó, bà Dung được giao việc trông giữ trẻ với mức lương cơ bản 3,7 triệu đồng/tháng và hỗ trợ thêm 200.000 đồng/tháng, 20.000-25.000 đồng/bé. Bà Dung phải giữ 14 trẻ từ 15 tháng tuổi đến 2,5 tuổi.
Bà Dung không có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mầm non.
Bé bị phỏng vì vặn vòi nước nóng
Chiều 5-11, do phụ huynh đón trẻ khá đông, bà Dung lu bu nên không nhìn thấy bé B.N.A. (18 tháng tuổi) vào nhà vệ sinh vặn vòi nước. Bé vặn vòi nước nóng nên bị phỏng hai bàn chân. Việc bé bị phỏng không được phát hiện cho đến khi phụ huynh đón bé về nhà. Sau đó, bé được người nhà đưa đi bệnh viện điều trị.
Bà Nguyễn Thị Dung mô tả lại vòi nước. Vòi nước nóng lạnh được chủ cơ sở thay ngay sau đó, chỉ còn một vòi nước lạnh - Ảnh: UYÊN TRINH
Sự việc sau đó được trình báo UBND xã rồi xã chuyển lên Công an huyện Hóc Môn và được đơn vị này tiếp nhận, giải quyết. Công an huyện Hóc Môn có yêu cầu giám định để xác định tỉ lệ thương tật của bé A. nhưng gia đình từ chối vì cho rằng vết thương đã lành và chỉ yêu cầu chủ cơ sở phải bồi thường chi phí điều trị cùng các tổn thất khác tổng cộng 30 triệu đồng.
Chủ cơ sở cho rằng bảo mẫu Dung phải có trách nhiệm bồi thường. Qua nhiều lần thương lượng, đến chiều 19-12 chủ cơ sở chỉ đồng ý bồi thường 10 triệu đồng. Gia đình bé A. không chấp nhận số tiền bồi thường nên việc thương lượng bất thành.
Được biết, chủ cơ sở mầm non không ký hợp đồng lao động với bà Dung. Sau khi sự việc xảy ra, chủ cơ sở có đưa một hợp đồng lao động soạn sẵn và đề nghị bà Dung ký nhưng bà Dung không ký.
Hiện cơ sở mầm non này bị tạm đình chỉ hoạt động.
Ai phải bồi thường?
Theo luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM), khi phụ huynh đưa con đến trường mầm non gửi thì đã được xem là một dạng hợp đồng gửi giữ (mặc dù pháp luật chỉ ghi nhận loại hợp đồng gửi giữ tài sản).
Vì phụ huynh gửi con ở trường hay cơ sở mầm non thì phải đóng một khoản tiền học phí hằng tháng và ngược lại nhà trường, cơ sở mầm non phải có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, giám sát và bảo đảm sự an toàn tuyệt đối với học sinh mà nhà trường tiếp nhận.
Khi sự việc xảy ra do sự bất cẩn của bảo mẫu chăm sóc trẻ thì trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại phải được đặt ra với nhà trường, chủ cơ sở. Trường hợp của bé A., chủ cơ sở phải có trách nhiệm chính trong việc bồi thường thiệt hại.
Điều này được quy định tại điều 597 Bộ luật dân sự 2015: "Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao, nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật".
Căn cứ vào điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu chủ cơ sở mầm non chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Về nguyên tắc, việc bồi thường thiệt hại theo sự thỏa thuận của các bên.
Nếu không thỏa thuận được thì căn cứ vào khoản 2 điều này, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Trường hợp trẻ bị xâm hại đến sức khỏe, tính mạng hay những tổn thương tâm lý nặng nề thì trách nhiệm hình sự phải được cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng ngay đối với cá nhân đã có hành vi gây ra hậu quả, tương xứng với tính chất và mức độ xâm phạm đến trẻ.
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh
Theo luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM), trong trường hợp này, gia đình bị hại bé A. có quyền khởi kiện yêu cầu cơ sở bảo mẫu bồi thường thiệt hại. Sau đó, nếu xác định bảo mẫu làm đúng công việc được giao nhưng không làm tròn trách nhiệm thì chủ cơ sở yêu cầu bảo mẫu bồi hoàn.
Luật sư Đặng Đức Trí (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng để người sử dụng lao động yêu cầu người lao động bồi hoàn tiền bồi thường thì phải căn cứ vào nhiều yếu tố: cơ sở vật chất của cơ sở đó, phân công công việc được thỏa thuận trong hợp đồng... Trong trường hợp không ký hợp đồng với người lao động, rất khó xác định sự phân công công việc để yêu cầu bồi hoàn.
Có thể phạt chủ cơ sở vì không ký hợp đồng lao động với bảo mẫu
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - chi hội trưởng chi hội luật sư, Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM - cho biết quan hệ lao động giữa chủ cơ sở và bảo mẫu này không được ký kết bằng một hợp đồng lao động là vi phạm Bộ luật lao động 2012. Theo đó, chủ cơ sở có thể bị xử phạt 1-2 triệu đồng theo quy định tại khoản 1 điều 5 nghị định 88/2015/NĐ-CP. Chưa kể, chủ cơ sở tuyển người không có chứng chỉ, chuyên môn nghiệp vụ để vào trông giữ trẻ là sai quy định của pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận