08/09/2015 10:05 GMT+7

Trẻ béo bụng: cha mẹ cần 
hành động

THU HÀ
THU HÀ

TT - Vấn đề nóng Báo động trẻ béo bụng trên số báo Tuổi Trẻ 6-9 được rất nhiều bạn đọc quan tâm bởi đây là thực tế của không ít gia đình thành thị.

Vận động, tập thể thao là những hoạt động thể chất rất cần ở trẻ - Ảnh: N.C.T.
Vận động, tập thể thao là những hoạt động thể chất rất cần ở trẻ - Ảnh: N.C.T.

Để tránh nguy cơ béo phì, béo bụng ở con trẻ không phải quá khó. Một phụ huynh ở TP.HCM đã chia sẻ với Sống khỏe những giải pháp trong tầm tay.

Con số điều tra gần 5.000 trẻ TP.HCM có tới 20,1% trẻ thừa cân, 31,3% trẻ béo bụng thật là sốc.

Những thói quen nào đang làm hại con trẻ?

Ở nhà trường, môn thể dục được gọi là môn phụ, nhiều khi bị hắt hủi. Trong khi đó, ở các nước tiên tiến ta thấy các bạn nhỏ trên sàn tập, siêu sao bóng bầu dục, siêu sao bóng rổ, đội cổ vũ rực rỡ. Một số bạn trẻ có thành tích nổi bật trong thể thao sau khi hoàn thành chương trình phổ thông còn có thể nộp đơn vào các trường đại học danh tiếng.

Còn ở xứ mình, một số em học sinh giỏi thể dục lại bị chê “đầu óc ngu si tứ chi phát triển”! Tiếp đó là thái độ của phụ huynh. Nhiều ba mẹ chỉ thích con ngồi ngoan ngoãn rịt trong nhà hoặc ôm bàn học bài.

Đi đá bóng à, lại tụ tập đàn đúm chứ gì, nắng chang chang ra đó chạy hùng hục rồi về bệnh thì sao? Chạy nhảy nghịch ngợm hả? Bẩn hết quần áo, rồi té gãy tay chân thì sao? Nhiều khi chính ba mẹ cũng chả thiết tha thể thao!

Đó còn do văn hóa xe máy! Xe máy làm chúng ta một bước ra đường là ngồi lên xe, hai bước ngồi lên xe. Ở những nước xe buýt, tàu điện ngầm, giao thông công cộng phát triển đều buộc bạn phải đi bộ rất nhiều để chuyển từ ga này tới ga kia, từ trạm này tới trạm khác.

Mỗi đợt đi đâu, tôi cũng sợ nhất đi bộ! Singapore, Hong Kong, Nhật, Hàn... trên đường phố và dưới toa tàu điện ngầm cả khối người khổng lồ cứ đi bộ rầm rập. Chỉ vài ngày chân tôi dán chi chít cao Salonpas, lết không nổi, bàn chân phồng rộp.

"Tôi chọn sức khỏe"

Tôi nghĩ chúng ta đừng biện minh con trẻ bận học, không có thời gian, hay thành phố không có khu vui chơi. Nếu muốn, chúng ta vẫn có cách.

Khi tôi mua nhà chung cư, nhiều bạn cản lắm, rằng mua chung cư sẽ nhanh mất giá, mua nhà đất thì 50 năm sau còn có của để dành cho con. Tôi nghĩ con tôi không thể chờ 50 năm. Nếu có 5 - 7 tỉ mua biệt thự vài trăm mét vuông không nói làm gì, còn chỉ có trên dưới 1 tỉ thì giữa một căn nhà hẻm xe máy sâu tút lút và 1 căn chung cư nên chọn chung cư. Vì chung cư có sân chơi chung, trẻ con có chỗ đi xe đạp, chạy nhảy, có nhiều bạn bè cùng trang lứa. Trong nhà tôi không mua những đồ quý, đồ dễ vỡ, đồ chạm trổ để con thoải mái chạy nhảy. 6 năm nay nhà tôi không xem tivi, buổi chiều đi học về, con tôi ít khi phải ngồi yên...

Tôi khá tiếc khi thấy nhiều cha mẹ luôn nhốt trẻ trong nhà. Trong nhà cũng đầy nguy cơ, không phải cứ ở trong nhà là an toàn hết đâu. Nói chung là tôi ghét nhìn thấy trẻ con ngồi thụ động, dù trước bàn học hay trước màn hình máy tính. Tôi muốn con trẻ vận động, chạy nhảy.

Thế nên quà sinh nhật, quà Noel, phần thưởng này kia của nhà tôi toàn là xe đạp, giày patin, giày thể thao, vợt cầu lông... Trong cả năm học tôi không hề cho con đi học thêm, nhưng luôn có thời gian tuần 3 buổi học thể dục ở sân vận động Q.Phú Nhuận.

Năm nay, khi tôi chuyển con về một trường song ngữ ở huyện Bình Chánh, nhiều bạn hỏi trong nội thành thiếu gì trường tốt. Nhưng nếu vừa có bể bơi, có sân bóng đá, có nhà thi đấu, có cây xanh và ánh nắng, có tập thể dục buổi sáng mỗi ngày... và học phí tôi chịu đựng được thì tại sao không chọn cho con một môi trường tốt.

Tôi tin rằng cuộc sống có nhiều lựa chọn. Và tôi chọn sức khỏe!

Béo phì: dễ phòng, khó chữa

Y học đã chỉ rõ, nếu không được kiểm soát và điều trị đúng đắn, béo phì có thể đưa đến nhiều hệ lụy như: đái tháo đường, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, suy nhược sinh dục... Câu ví cần nhớ là “Ngày xưa to bụng là sang. Ngày nay to bụng mỡ gan, đái đường”.

Ngạn ngữ Anh có câu “Con người tự đào mồ bằng bộ răng của chính mình”. Ăn uống đúng có sức khỏe, ăn uống sai tự chuốc bệnh cho bản thân

TS.BS TRẦN BÁ THOẠI

“Tham thực cực thân”

Ăn quá nhiều, ăn quá thừa năng lượng là nguyên nhân hàng đầu gây quá cân, béo phì. Theo chuyên gia dinh dưỡng Katrina Mather, chính việc sử dụng các thực phẩm giàu đường, năng lượng góp phần không nhỏ gây ra tỉ lệ béo phì cao ở các quốc gia này.

Ở các nước phát triển, thức ăn nhanh quá phổ biến, tỉ lệ trẻ em dùng nhiều thức ăn nhanh cao hơn hẳn trẻ dùng thức ăn truyền thống. Thức ăn nhanh có năng lượng rất cao “cô đọng” trong một khối lượng nhỏ nên lúc nào cơ thể cũng quá tải năng lượng.

Ở Việt Nam tình hình cũng tương tự, ở thành phố, nơi điều kiện kinh tế dồi dào, tỉ lệ béo phì luôn cao hơn nông thôn và miền núi, ngược với tình hình thiếu ăn, suy dinh dưỡng.

“Cục đá lăn không bị rêu mốc”, lười vận động ắt béo phì

Các thống kê y học chỉ rõ trẻ xem tivi, chơi vi tính, game nhiều thường có tỉ lệ béo phì cao. Lý do đơn giản là do trẻ quá thiếu vận động thể lực. Nguy hiểm hơn, khi xem tivi, chơi game thường kèm một thói quen xấu khó bỏ là ăn quà vặt.

Thông thường, mọi người ít để ý mình đang ăn quá nhu cầu cần thiết vì mải mê tập trung vào những gì đang diễn ra trên màn hình và ăn như “vô thức”.

Trong khi đó, ngừa béo phì không phải chuyện khó. Với những cơ sở khoa học về dinh dưỡng và chuyển hóa nêu trên, rõ ràng việc phòng ngừa béo phì không quá khó: hạn chế ăn uống và tăng cường vận động.

* Thay đổi cách ăn và chế độ ăn: ăn vừa đủ, không quá no, quá nhiều; hạn chế chất béo (dầu mỡ), đặc biệt chất béo gốc động vật; giảm ăn đường, kể cả đường bột; tăng chất xơ sợi trong rau củ quả; giảm tối đa uống rượu bia và các thức uống có cồn.

* Tăng vận động: tập thể dục, chơi thể thao, luyện khí công; tăng các vận động, sinh hoạt ngoài trời khác như dã ngoại, picnic và hạn chế những hoạt động mang tính “ngồi lì” như ngồi chơi game, xem tivi…

Một thông tin khoa học đáng buồn, khi đã bị béo phì thì cơ hội chữa chạy để trở lại bình thường rất thấp. Đây là kết quả của nghiên cứu khoa học nghiêm túc của ĐH King ở London (Anh).

Nghiên cứu được Viện Nghiên cứu sức khỏe (NIHR) tài trợ, thực hiện trên 278.982 bệnh nhân (129.194 nam và 149.788 nữ) sử dụng các hồ sơ y tế từ năm 2004 - 2014. Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ 1/210 nam và 1/124 nữ bị béo phì có cơ hội trở lại trọng lượng cơ thể bình thường sau khi điều trị.

TS.BS TRẦN BÁ THOẠI 
(ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam - VADE)

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp