Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online trưa 26-7 tại khoa hồi sức nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) có nhiều trẻ mắc tay chân miệng nặng đang được điều trị tích cực, phải đặt nội khí quản, thở máy, có trẻ lọc máu.
Khoa nhiễm - thần kinh của bệnh viện cũng đông đúc trẻ mắc tay chân miệng nằm viện và chờ nhập viện.
Tại giường số 2 khoa hồi sức nhiễm, bé L.A.D. (1 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) đang lọc máu vào ngày thứ 2, sau 4 ngày nhập viện.
Đây là biện pháp điều trị cuối cùng để cứu chữa bé D. khi mắc bệnh tay chân miệng độ 3, rất nguy kịch, sốt cao, sốc, suy tim, ngưng thở.
Thời điểm nhập viện, bác sĩ ghi nhận bé D. có những cơn ngưng thở, được đặt nội khí quản. Tuy nhiên, sức khỏe của bé diễn tiến xấu: sốt cao, mạch nhanh, sốc, tim bóp kém, có cơn bão Cytokine nên phải lọc máu. Hiện bé đã tỉnh táo, sẽ ngưng lọc máu khi bé ổn định hơn.
PGS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - trưởng khoa hồi sức nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết hiện bệnh viện đang điều trị, theo dõi khoảng 150 trẻ mắc bệnh tay chân miệng và có 20 bệnh nhi nặng nằm ở khoa hồi sức nhiễm và hồi sức tích cực.
Riêng khoa hồi sức nhiễm đang điều trị 8 trẻ (ở độ tuổi 2-3), trong đó có 7 trẻ thở máy. Mỗi ngày đều có trẻ mắc tay chân miệng nặng mới nhập viện. Trung bình mỗi ngày có 5-6 trẻ đặt nội khí quản.
Các trẻ thường nằm viện tại khoa 7-10 ngày, trong đó đặt nội khí quản 3 ngày, hồi sức 4-5 ngày.
Tại khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1, PGS Phạm Văn Quang - trưởng khoa - cho biết khoa đang điều trị 11 trẻ mắc bệnh tay chân miệng nặng, trong đó 5 bé thở máy. Bên cạnh đó, khoa còn đang điều trị 2 trẻ bị sốc sốt xuất huyết Dengue.
Về thuốc hỗ trợ, điều trị bệnh tay chân miệng tại khoa, PGS Nguyên cho hay hiện khoa vẫn còn thuốc Phenobarbital dạng uống, còn Phenobarbital dạng truyền tĩnh mạch đã hết từ lâu. Với thuốc Immunoglobulin (IVIG) vẫn đủ dùng cho bệnh nhi đến cuối tháng này.
Ông Nguyên cho biết thêm số lượng ca bệnh chưa quá tải, nhưng nếu tăng hơn thì "sẽ rất căng". Dựa vào tình hình dịch bệnh tay chân miệng khoảng một tháng nay, ca nhiễm và bệnh nặng đang cao điểm, chưa có khuynh hướng giảm.
Đặc biệt đặc điểm năm nay là có nhiều trẻ không sốt cao nhưng vẫn diễn tiến nặng, rối loạn trung tâm hô hấp như ngưng thở, phải đặt nội khí quản nhiều hơn so với những năm trước. "Những năm trước, trẻ sốt cao thì thường diễn tiến nặng. Năm 2011 (đại dịch tay chân miệng gây khoảng 150 trẻ tử vong - PV) cũng không có nhiều trẻ đặt nội khí quản như vậy", ông Nguyên nói.
Trước tình hình gia tăng trẻ mắc tay chân miệng với nhiều trẻ nặng, ông khuyến cáo phụ huynh và nhà trường chủ động phòng ngừa, vệ sinh, rửa tay cho trẻ; cách ly khi trẻ đã bệnh. Tại các trung tâm y tế quận, huyện cần đánh giá, sàng lọc tốt.
"Phụ huynh không nên quá lo vì không phải bệnh tay chân miệng nào cũng nặng và không phải ca nào cũng diễn tiến xấu. Nhưng cũng không nên chủ quan quá, không theo dõi cũng không tốt", PGS Nguyên nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận