Các nghiên cứu trước đây chỉ ra những người mắc bệnh Alzheimer thường có mức độ thấp một chất dẫn truyền thần kinh được gọi là acetylcholine. Chất này rất cần thiết cho trí nhớ và các chức năng như học tập, chú ý, kích thích và cử động cơ không tự chủ.
Nghiên cứu cũng ghi nhận có mối liên quan giữa chế độ ăn uống không lành mạnh và bệnh Alzheimer.
Vậy những người trẻ tuổi ăn nhiều đường và chất béo, đặc biệt là trong thời niên thiếu, khi não của họ đang trải qua quá trình phát triển đáng kể, thì sao?
Để tìm hiểu, ông Scott Kanoski - giáo sư khoa học sinh học tại Trường cao đẳng Văn chương, Nghệ thuật và Khoa học, Đại học Nam California (USC) và nghiên cứu sinh sau tiến sĩ Anna Hayes đã theo dõi mức độ acetylcholine ở những con chuột thí nghiệm đang trong giai đoạn phát triển.
Họ chia chúng thành hai nhóm: nhóm chuột có chế độ ăn nhiều chất béo, đường và nhóm chuột đối chứng. Sau đó họ phân tích phản ứng não của chúng đối với một số nhiệm vụ nhất định được thiết kế để kiểm tra trí nhớ chúng.
Bài kiểm tra trí nhớ bao gồm cho chuột khám phá các vật thể mới ở những vị trí khác nhau. Vài ngày sau, các nhà nghiên cứu đưa chuột trở lại hiện trường gần giống hệt ngoại trừ việc bổ sung thêm một vật thể mới.
Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra não của chuột sau khi chết để tìm dấu hiệu nồng độ acetylcholine bị phá vỡ.
Kết quả cho thấy chuột được cho ăn nhiều đồ ăn nhanh có biểu hiện không thể nhớ được chúng đã nhìn thấy vật thể nào trước đó và ở đâu, trong khi những con chuột trong nhóm đối chứng tỏ ra quen thuộc.
"Kết quả của nghiên cứu cho thấy tín hiệu acetylcholine là một cơ chế giúp chúng mã hóa và ghi nhớ những sự kiện đó, tương tự như 'bộ nhớ từng giai đoạn' ở con người cho phép chúng ta ghi nhớ các sự kiện trong quá khứ. Tín hiệu đó dường như không xảy ra ở những động vật lớn lên với chế độ ăn nhiều đường và chất béo", tác giả Hayes giải thích, báo New York Post trích đăng.
"Những gì chúng tôi thấy không chỉ trong nghiên cứu này, mà còn trong một số nghiên cứu gần đây khác của chúng tôi, là nếu những con chuột này lớn lên với chế độ ăn nhiều đồ ăn vặt, thì chúng sẽ gặp phải những khiếm khuyết về trí nhớ không thể khắc phục được", ông Scott Kanoski bổ sung.
Trong một vòng nghiên cứu khác, nhóm đã kiểm tra xem liệu tổn thương trí nhớ ở chuột được nuôi bằng chế độ ăn đồ ăn vặt có thể được khắc phục bằng thuốc giúp giải phóng acetylcholine hay không. Họ đã sử dụng hai loại thuốc, PNU-282987 và carbachol, và phát hiện khả năng ghi nhớ của chuột đã được phục hồi.
Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Brain, Behavior, and Immunity số tháng 5.
Tuổi thiếu niên lưu ý chế độ ăn
Giáo sư Kanoski nhấn mạnh tuổi thiếu niên là giai đoạn rất nhạy cảm của não bộ khi có những thay đổi quan trọng trong quá trình phát triển. Thức ăn nhanh và thức ăn chứa nhiều đường và chất béo không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất mà còn có thể gây hại cho sự phát triển của não.
Thường xuyên ăn những thực phẩm này có thể làm giảm khả năng tập trung, ghi nhớ và ảnh hưởng đến khả năng học tập. Chính vì lẽ đó, việc duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của não là hết sức quan trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận