Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3:
Phóng to |
Chị Võ Thị Thắng (bìa phải) cùng các bạn nữ tù chính trị trong đợt trao trả tù binh tại Lộc Ninh tháng 4-1974 - Ảnh tư liệu |
Nội dung quan trọng của Hiệp định Paris là trao trả tù binh và Mỹ rút quân. Đây là đợt trao trả 27 tù binh Mỹ đầu tiên ở Lộc Ninh...
Tướng Trà và Woodward
“Đề nghị ông giữ bình tĩnh. Thông tin có thể trục trặc. Hãy để sĩ quan trợ lý của tôi ra Lộc Ninh xem xét”. Tướng Trà khéo léo “hạ hỏa” viên tướng Mỹ. Lúc ấy, tướng Trà đang làm trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN. Tướng Lê Quang Hòa làm trưởng đoàn VN dân chủ cộng hòa. Cả hai đoàn cùng ở và làm việc tại trại Davis. Hai đoàn còn lại trong ban liên hợp quân sự bốn bên là đoàn Mỹ do thiếu tướng Woodward làm trưởng đoàn, và trung tướng Ngô Du dẫn đầu đoàn VN cộng hòa (sau thay bằng tướng tư lệnh dù Dư Quốc Đống).
Tướng Mỹ lệnh điều trực thăng UH1 ngay cho đại tá Vân. Đây là máy bay tác chiến, nhưng nó đã được dỡ hỏa lực khi bay thực thi Hiệp định Paris. Chuyến bay bám sát quốc lộ 13, hành lang bay an toàn từ Sài Gòn ra Lộc Ninh. Đại tá Vân đăm chiêu nhìn xuống các vạt rừng bị bom đạn chiến tranh quật tung. Đến nơi, ông gặp ngay đại diện quân giải phóng để nắm tình hình. Nguyên nhân chậm trả tù binh Mỹ do phía Sài Gòn trả tù binh trễ kế hoạch. Sự trao đổi không có, nên phía quân giải phóng chưa giao 27 tù binh Mỹ.
Đại tá Vân bay về, báo cáo tướng Trà. Tướng Mỹ cũng gọi điện thoại xác nhận tình hình. Nở nụ cười nhẹ nhàng, tướng Trà làm dịu không khí căng thẳng. Ông yêu cầu đại tá Vân thực hiện ngay chuyến bay nữa ra Lộc Ninh, truyền đạt chỉ thị anh em tỏ thiện chí trước. Việc trao đổi tù binh hai bên chắc chắn sẽ được thực hiện. Hãy mềm dẻo để phía Mỹ nhận người của họ và rút quân khỏi VN.
Đại tá Vân lại lên UH1 bay ra Lộc Ninh. Quân giải phóng thực hiện đúng chỉ thị của tướng Trà. Tướng Mỹ nhận đủ 27 người của mình, chuyển từ nóng nảy sang vui vẻ. Tối đó, tướng Trà cũng tổ chức họp trong trại Davis. Ông nói đại cuộc là quan trọng, để Mỹ nhanh rút quân về nước. Nguyên tắc trao trả tù binh hai phía phải được trao đổi trong cùng ngày. Anh em thực hiện nhiệm vụ trao trả tù binh cũng cần mềm dẻo, còn việc đấu tranh giờ giấc, sai phạm, cách thức này nọ để trưởng đoàn lo.
Phóng to |
Lính Mỹ xách vali về nước (ảnh chụp tháng 3-1973 tại Tân Sơn Nhất) - Ảnh: AP |
Nhân chứng lịch sử
Suốt tháng 2 và tháng 3-1973, việc giám sát trao trả tù binh là nhiệm vụ chủ yếu của các sĩ quan trong trại Davis. VN dân chủ cộng hòa trao trả 426 phi công Mỹ tại sân bay Gia Lâm đúng như danh sách đã báo ở Paris. Phía Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN trả 127 tù binh Mỹ ở Lộc Ninh, sau bổ sung thêm một người còn sót lại ở Trà Vinh. Các cuộc trao đổi tù binh hai phía người Việt được tổ chức nhiều nơi như Lộc Ninh (Bình Phước), Bồng Sơn (Bình Định), Thiện Ngôn (Tây Ninh), Tam Kỳ (Quảng Nam), Đức Nghiệp (Gia Lai)... Quân giải phóng nhận lại 26.492 quân nhân, 5.075 nhân viên dân sự, và trả lại cho phía Sài Gòn 6.063 người.
Nhiều cuộc trao trả tù binh phía Nam trục trặc do nằm ở vùng giải phóng, máy bay lạc tọa độ, hoặc trong vùng “xôi đậu” giữa hai phía bị chiến sự. Có những vụ nghiêm trọng dẫn đến phải hủy bỏ trao trả như ở Đức Phổ, Quảng Ngãi... Cựu đại sứ VN tại Liên Hiệp Quốc Nguyễn Ngọc Dung, từng tham gia trại Davis với quân hàm thiếu tá ban trao trả, kể có lần bay trên trực thăng Sài Gòn đến Minh Hòa, Bình Long. Phi công lái UH1 đến tọa độ đã hẹn nhưng không tìm thấy bãi đáp. Chẳng dấu hiệu gì ngoài khói đốt rơm rạ mù mịt. Bà bảo phi công bay thêm ra vùng giải phóng, nhưng họ quyết liệt phản đối vì “đi nữa là chết”. Tưởng bế tắc, thì may nhìn xuống có anh em chạy ra. Bà kêu hạ cánh, hỏi người dưới mặt đất thì nghe trả lời: “Trời đất ơi. Người ta đã rút đi mấy ngày hôm nay rồi. Đây đang đánh nhau thì làm gì có trao trả!”.
Ngoài thực hiện trao trả tù binh, các sĩ quan trong trại Davis còn giám sát việc rút quân Mỹ. Đại tá Vũ Nam Bình kể lễ hạ cờ Bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở VN cũng có quân nhạc, nhưng không khí trầm buồn, kết thúc nhanh chóng. 10 giờ sáng 29-3-1973, Mỹ tuyên bố hệ thống điện thoại quân sự Mỹ chấm dứt hoạt động ở miền Nam VN. Và cũng ngày lịch sử này, các sĩ quan giám sát ở trại Davis đã đứng bên đường băng Tân Sơn Nhất chứng kiến quân nhân Mỹ cuối cùng rút khỏi VN.
2.501 lính Mỹ cất súng, lặng bước qua đối phương đang đứng giám sát. Chuyến bay cuối cùng của chiếc DC9 lăn bánh sẽ rời đường băng vào 16g25. Một thượng sĩ Mỹ lên máy bay sau cùng, nhưng bất ngờ cửa lại mở. Đại tá Mỹ David O’Dell bước xuống, khui chai champagne uống với các sĩ quan Sài Gòn đang đứng tiễn. Không hiểu có sắp đặt hay ngẫu hứng, sĩ quan Mỹ này lại trở thành quân nhân cuối cùng rút khỏi VN ngày 29-3-1973. Ly rượu chia tay cũng trở thành ly rượu “đắng” kết thúc những ngày cùng một chiến hào của quân đội Mỹ và Sài Gòn. Lặng nhìn chuyến bay Mỹ hôm ấy còn có đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng quân lực VN cộng hòa. Ánh mắt ông ta đắm chìm suy tư cho một hồi kết đang đến.
Đại tá Vũ Nam Bình, trưởng ban bảo vệ nội bộ trại Davis, kể: “Nhiều lần quân giải phóng lại trở thành người đưa thư cho quân Sài Gòn”. Những lần tiếp xúc với phía bên kia, anh em trại Davis tìm hiểu họ có người thân ở miền Bắc và chủ động liên lạc giúp. Như trường hợp trung tá Vỵ của quân đội Sài Gòn. Ông ấy còn cha ở phố Hàng Đào, Hà Nội và một người anh đang đi kháng chiến. Sĩ quan quân giải phóng trại Davis chủ động nói cho Vỵ biết vừa gặp một ông cụ tên X ở Hà Nội. Trung tá Vỵ thần người, nói đó chính là cha mình và nhờ tìm hiểu thêm tình hình mẹ thế nào. Chỉ nửa tháng sau, Vỵ nhận thư từ và cả hình ảnh cha mẹ gửi vào từ Hà Nội. Lá thư được sĩ quan quân giải phóng trại Davis bí mật trao cho trung tá Vỵ trong giờ giải lao một cuộc họp ở Tân Sơn Nhất. Viên trung tá rất xúc động, viết thư lại cho cha mẹ và tiếp tục nhờ “kênh” này gửi ra quê... |
______________________
Tháng 4-1975 cũng là lúc trại Davis trở nên căng thẳng. Có kế hoạch đặc công đột nhập đưa họ ra vùng giải phóng. Nhưng họ đã chọn ở lại và sẵn sàng chiến đấu...
Kỳ tới: Thành lũy tháng 4
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận