Đó là việc UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tổ chức trao trả trên 5.134 hồ sơ, kỷ vật cho cán bộ đi B tỉnh Quảng Nam.
Phóng to |
Những kỷ vật cán bộ đi B |
Trong sự chứng kiến của nhiều người, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã trực tiếp trao bộ danh sách cán bộ đi B cho lãnh đạo 18 huyện, thành phố trong tỉnh; trao đại diện hồ sơ và kỷ vật cho 28 cán bộ đi B và thân nhân của họ.
35 năm sau ngày đất nước thống nhất, những chiến sĩ cách mạng đi B ngày nào giờ đều ở tuổi xế chiều. Không ai nghĩ đến một ngày nào đó họ có thể nhận lại được những kỷ vật của một thời máu lửa, những kỷ vật của cả giai đoạn đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của cách mạng miền Nam.
Ông Phan Thanh Bốn, người con của mảnh đất Bình Dương anh hùng 9 lần được phong tặng dũng sĩ (trong đó có 4 lần được phong tặng dũng sĩ diệt Mỹ) đã thật sự bất ngờ, xúc động khi thấy tên mình, những giấy tờ liên quan đến bản thân và bảng thành tích diệt Mỹ của mình ngày nào giờ vẫn còn nguyên vẹn.
Những câu thơ nhớ về giới tuyến, cuốn sổ nhật ký viết tay mực vẫn chưa nhòe, thẻ cán bộ, giấy điều động đi B, những tấm ảnh trắng đen vàng ố... Đó là kỷ vật của cán bộ đi B, giản đơn mà kỳ diệu.
Kỳ diệu bởi nó đã đi cùng với cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Kỳ diệu bởi phía sau mỗi kỷ vật là câu chuyện đong đầy khát vọng nước nhà độc lập của một lớp người quyết tử vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Kỳ diệu bởi phía sau kỷ vật là câu chuyện tình yêu thủy chung son sắt của mỗi một số phận, mỗi một gia đình.
Bà Nguyễn Thị Liễu cùng chồng là ông Phan Đình Đồi, quê huyện Núi Thành tuy tuổi đều ngoài 70 nhưng ríu ran dắt tay nhau chuyện trò như một đôi tình nhân khi bắt gặp lại những lá thư, tình yêu của thời vượt qua giới tuyến (ảnh).
Ông Bùi Công Ba - Con của cán bộ đi B khi nhận hồ sơ, kỷ vật của ba mình thì bật khóc. Ông thương cho ba mình sức khỏe đã quá yếu, trí nhớ không còn.
Phóng to |
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Liễu, ông Phan Đình Đồi trong ngày nhận kỷ vật cán bộ đi B |
Ông Trần Quốc Thắng, Phó cục trưởng Cục văn thư Lưu trữ Nhà nước Bộ Nội vụ, cho biết những người đi B được chia làm 2 khối: 1 khối quân đội, khối còn lại thuộc các ban Dân Chính Đảng tăng cường cho miền Nam theo đường bí mật. Những người thuộc khối Dân Chính Đảng đi B bắt buộc để lại toàn bộ giấy tờ, hồ sơ tại Ủy ban thống nhất Chính phủ.
Giờ đây những kỷ vật đó đã vượt ra khỏi mỗi cuộc đời, trở thành chứng nhân lịch sử.
Cũng theo ông Thắng, Quảng Nam là tỉnh thứ 5 của cả nước (sau Bạc Liêu, Bình Định, Gia Lai, Tây Ninh) được Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước trao trả hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B.
Hiện vẫn còn 1.665 hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B tỉnh Quảng Đà đang được cơ quan chức năng thẩm định, xác lập để trao trả cho cán bộ và thân nhân cán bộ đi B tỉnh Quảng Nam trong thời gian sớm nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận