18/08/2015 10:28 GMT+7

​Trao quyền điều tra cho kiểm ngư

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình trao thẩm quyền điều tra cho cơ quan kiểm ngư.

Ngày 17-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề còn quan điểm khác nhau của dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự trước khi trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới.

“Trên biển mênh mông như vậy nhiều việc cần kiểm ngư phải làm ngay, không chỉ là thực thi pháp luật mà còn liên quan đến bảo vệ chủ quyền” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Cách đây ít ngày, khi trình bày dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng nói việc trao thẩm quyền điều tra cho lực lượng kiểm ngư rất cần thiết.

Là đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, ông Bình cho biết nhiều lần được ngư dân phản ảnh khi đi đánh cá trên biển họ vẫn bị lực lượng kiểm ngư Trung Quốc kiểm tra, bắt bớ.

Chính vì vậy, trao quyền điều tra cho kiểm ngư nước ta không chỉ giúp bảo đảm việc thực thi pháp luật trên biển của ngư dân VN mà còn đối với ngư dân nước khác, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Trong khi đó, đề nghị trao thẩm quyền điều tra cho các cơ quan thuế, chứng khoán đã bị bác bỏ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng “để nhiều cơ quan có quyền điều tra tức là nhiều cơ quan có quyền bắt người, sẽ rất phức tạp”.

Đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng công tác điều tra liên quan đến quyền con người, quyền công dân, đến các hoạt động kinh tế - xã hội, do đó lực lượng điều tra cần được tổ chức chuyên nghiệp, có chuyên môn nghiệp vụ về điều tra, đảm bảo quy trình tố tụng.

Bảo đảm quyền con người cũng là một vấn đề được đặt ra với dự án Luật tạm giữ, tạm giam, trong đó việc có hay không quy định cùm chân người bị tạm giữ, tạm giam là vấn đề còn tranh luận.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết một số ý kiến thành viên ủy ban này cho rằng người bị tạm giữ, tạm giam chưa bị coi là có tội, mới chỉ bị hạn chế một số quyền con người, do đó cần cân nhắc.

Thứ trưởng Bộ Công an, thượng tướng Lê Quý Vương cho biết: “Theo kinh nghiệm quốc tế, việc cùm chân không ảnh hưởng nhiều lắm đến quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, nhiều quốc gia hiện vẫn áp dụng quy định này.

Hơn nữa người bị cùm chân là những đối tượng hết sức nguy hiểm, cần cùm chân để tránh gây án, thậm chí chống trả lực lượng thi hành công vụ”.

Ông Vương còn nói trong một số trường hợp, cùm chân còn là biện pháp để bảo vệ tính mạng người bị giam giữ, không ít trường hợp nghi can có ý định tự sát, ví dụ như trường hợp Nguyễn Hải Dương trong vụ thảm sát ở Bình Phước.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp