28/11/2024 08:05 GMT+7

Trào ngược dạ dày thực quản, cần biết cách phòng tránh biến chứng nguy hiểm

Trào ngược dạ dày thực quản là căn bệnh rất thường gặp, tỉ lệ phát hiện bệnh ngày càng nhiều, nếu không chữa trị dứt điểm làm cho bệnh diễn tiến nhanh, kéo dài, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, cần biết cách phòng tránh.

Thay đổi lối sống tránh trào ngược dạ dày thực quản ban đêm, phòng biến chứng  - Ảnh 1.

TS.BS Dương Trọng Hiền đang thăm khám và tư vấn cho bệnh nhân - Ảnh: BVCC

Trào ngược dạ dày dễ hẹp thực quản

Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, cho biết dạ dày luôn chứa axit, ngay cả khi nhịn ăn. 

Trào ngược axit hoặc ợ nóng là cảm giác đau đớn, nóng rát xảy ra khi axit di chuyển từ dạ dày lên thực quản. Một số người bị trào ngược dạ dày thực quản khiến van nối giữa thực quản và dạ dày yếu đi. Điều này cho phép chất lỏng chứa axit tiêu hóa và enzyme rò rỉ ngược vào thực quản.

Niêm mạc thực quản tiếp xúc lâu dài với những chất lỏng này có khả năng bị kích thích, tạo ra cảm giác nóng rát như ợ chua. Trào ngược mức độ nặng khiến axit hoặc chất trong dạ dày tràn vào phổi, có thể dẫn đến ho, hen suyễn, viêm phổi...

TS.BS Dương Trọng Hiền, trưởng khoa phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết trào ngược dạ dày - thực quản là một căn bệnh rất thường gặp, tỉ lệ phát hiện bệnh ngày càng nhiều, nếu không chữa trị dứt điểm làm cho bệnh diễn tiến nhanh, kéo dài, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

- Viêm loét, chảy máu thực quản: Dịch dạ dày trào ngược lên thực quản thường xuyên làm tổn thương niêm mạc thực quản, gây viêm loét. 

Có thể làm người bệnh gặp các triệu chứng như khó nuốt, nuốt đau, đau ngực. Đặc biệt, đau phía sau xương ức khi ăn uống, buồn nôn, ói mửa, mất cảm giác thèm ăn.

- Viêm đường hô hấp: Khi các thành phẩm trong dạ dày trào ngược lên thực quản vào đường hô hấp gây ra tình trạng viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phế quản, viêm phổi, ho kéo dài dẫn đến hen mãn tính và các bệnh lý đường hô hấp khác.

Người bệnh bị ho, khò khè kéo dài nhưng không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với các phương pháp điều trị thông thường. Một số bị khàn tiếng do dây thanh quản trong cổ họng bị dày lên. Ngoài ra, người bị bệnh trào ngược có thể bị mòn răng, viêm tai, viêm tuyến giáp…

- Barett thực quản (tiền ung thư thực quản): Đây là tình trạng các tế bào lót ở vùng thấp thực quản bị biến đổi màu sắc, do sự tiếp xúc lặp đi lặp lại với axit dạ dày. Chỉ có một tỉ lệ phần trăm nhỏ những người bị trào ngược dạ dày thực quản phát triển thành Barett thực quản.

- Ung thư thực quản: Trào ngược dạ dày dẫn đến Barett thực quản và gây ra ung thư thực quản là biến chứng hiếm gặp, nghiêm trọng. 

Các triệu chứng thường gặp như nuốt nghẹn, trớ, đau sau xương ức, cảm giác đau dai dẳng, khàn tiếng, ho khạc liên miên, đau ngực, hội chứng nhiễm trùng nổi bật. Đôi khi sờ thấy hạch to ở hố thượng đòn bên trái hoặc cả 2 bên.

Sau một thời gian mắc bệnh, toàn thân bệnh nhân gầy sút, trong vòng 1 tháng có thể sút hơn 5kg do nuốt nghẹn, suy dinh dưỡng, da sạm, khô, các nếp nhăn nổi rõ, mặt và hai bàn tay có nhiều nếp nhăn nổi rõ và dễ nhận thấy nhất.

"Trào ngược dạ dày - thực quản sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm nên cần nội soi thực quản dạ dày định kỳ, hoặc soi dạ dày thực quản khi có một trong các dấu hiệu nêu trên. Khi phát hiện ra bệnh cần điều trị sớm và triệt để, điều trị càng sớm hiệu quả càng cao và người bệnh càng ít bị biến chứng" - TS Hiền nhấn mạnh.

Trào ngược dạ dày thực quản, cần biết cách phòng tránh biến chứng nguy hiểm - Ảnh 2.

Nội soi dạ dày thực quản cho bệnh nhân tại Bệnh viện K - Ảnh: BVCC

Thay đổi lối sống để có giấc ngủ ngon

Bác sĩ Trần Anh Tuấn cho biết các triệu chứng trào ngược có thể tăng lên trong lúc ngủ. Nguyên nhân có thể do ăn quá muộn, gần giờ đi ngủ. 

Ở tư thế nằm, trọng lực cơ thể tạo điều kiện cho các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản dễ dàng hơn. Khẩu phần và thức ăn nạp vào cũng có thể là yếu tố kích hoạt.

Một số thay đổi lối sống có thể giúp người bệnh giảm trào ngược, duy trì giấc ngủ ngon hơn vào ban đêm:

- Tránh ăn tối muộn: Người gặp tình trạng này không nên ăn tối quá muộn hay đi ngủ ngay sau khi ăn, đứng hoặc đi lại nhẹ nhàng ít nhất 3-4 giờ sau bữa ăn hoặc bữa đêm nhẹ. Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì một bữa lớn vào buổi tối cũng có thể giúp ích.

- Ngủ nghiêng bên trái: Tư thế này hỗ trợ giảm các triệu chứng ợ chua vào ban đêm. Nó cũng cho phép trọng lực thúc đẩy quá trình di chuyển chất thải qua ruột già thuận lợi hơn. Đặt một chiếc gối giữa hai đầu gối để cố định cột sống, tránh đau nhức.

- Kê cao đầu khi ngủ: Để axit không bị đẩy lên trên thực quản trong tư thế nằm, kê cao gối ngủ là cách đơn giản nhất. Kê gối ngủ thêm khoảng 10-15cm, dùng gối chuyên dụng hoặc kê nhiều gối mỏng ở dưới để có sự thoải mái.

- Cân nhắc dùng thuốc: Một số thuốc giảm đau không kê đơn có thể giúp giảm tình trạng này. Người đang dùng một số loại chống viêm không steroid cũng nên trao đổi với bác sĩ khi tình trạng trào ngược axit càng thêm nặng.

- Kiểm soát thực phẩm ăn vào: Ngoài ăn các bữa nhỏ hơn, hãy tránh thực phẩm có thể gây ra vấn đề trào ngược gần giờ đi ngủ. Chúng bao gồm uống rượu, đồ uống chứa caffeine, có gas, trái cây hay rau có hàm lượng axit cao như dứa, cam, quýt, chanh và cà chua.

- Các cách thay đổi lối sống khác: Những người béo phì, hút thuốc cũng có nguy cơ trào ngược axit dạ dày cao. Do đó, để giảm triệu chứng, người bệnh cần bỏ thuốc lá, giảm cân bằng cách tập thể dục và ăn uống lành mạnh.

Trào ngược axit ảnh hưởng lâu dài đến giấc ngủ cũng cần kiểm tra sớm. Thức dậy liên tục vào ban đêm do ợ chua cũng có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Tình trạng này không được điều trị có thể dẫn đến loét, sẹo, cuối cùng là ung thư thực quản.

Để điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản cần thay đổi lối sống, điều trị nội khoa, điều trị ngoại khoa và các thủ thuật khác.

Trong cuộc sống hằng ngày cần:

- Lựa chọn thực phẩm có tính kiềm, có khả năng trung hòa axit: thực phẩm từ tinh bột như bánh mì hay bột yến mạch, hay đạm dễ tiêu… vì các thực phẩm này giúp tránh sự bào mòn lớp nhầy trong dạ dày của axit, hạn chế các nhịp cơ thắt thực quản có axit trào lên.

- Hạn chế thực phẩm kích thích tăng tiết axit hay kích thích cơ thắt dưới thực quản: hoa quả, hàm lượng axit cao (chanh, cam, dứa…), nước có gas, thức ăn cay, nóng, chocolate…

- Cần kiêng rượu bia, cà phê, thuốc lá. Không mặc quần áo quá chật, không ăn quá no, không ăn muộn vào buổi tối, không cúi quá lâu, không nằm trong 2 giờ sau khi ăn, không uống quá nhiều nước trong khi ăn. Ngủ nằm đầu cao 15cm so với chân.

- Giảm cân nếu thừa cân, béo phì.

Thay đổi lối sống tránh trào ngược dạ dày thực quản ban đêm, phòng biến chứng  - Ảnh 3.Bác sĩ mách cách xử lý ban đầu tại nhà khi bị trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Làm sao để cải thiện tình trạng này để bớt khó chịu và hạn chế bệnh chuyển biến nặng hơn?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp