15/08/2016 12:08 GMT+7

Trào lưu “dự án xanh”

KHÁNH NGÂN
KHÁNH NGÂN

TTO - Liên tiếp trong thời gian qua, nhiều chủ đầu tư đang tiến tới những “dự án xanh” – một khái niệm “thời thượng” của thị trường bất động sản (BĐS) trong năm 2016.

Khoảng xanh được đề cao tại dự án Diamond Lotus Riverside. Ảnh: ĐÌNH DÂN

Từ những lối kiến trúc mới toanh như vườn treo, tường xanh… chủ đầu tư đang tối đa hóa khoảng xanh để kéo khách, những người đang ngày càng yêu cầu cao khi lựa chọn không gian sống.

Điểm mặt “dự án xanh”

Chủ trương không bê tông hóa công trình, nhiều dự án lớn tại TP.HCM đã tiên phong cho chiến lược dự án xanh. Có thế kế đến như Vingroup xây dựng khu đô thị Vinhomes Central Park ở TP.HCM với mật độ xây dựng chỉ 15,7%.

Mới đây, chủ đầu tư này đã khai trương công viên bờ sông với quy mô 14ha và tổng vốn đầu tư 500 tỉ đồng cạnh bờ sông Sài Gòn (khu Tân Cảng cũ). Công viên Vinhomes Central Park có hơn 40 hạng mục, trong đó không gian xanh chiếm vị trí chủ đạo với hệ thống cảnh quan vườn phong phú gồm vườn ven sông Sài Gòn, vườn Nhật Bản, vườn cây cảnh, vườn hoa.

Tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, Công ty Đại Quang Minh cũng phủ xanh nhiều tuyến đường nội bộ dự án. Đặc biệt, chủ đầu tư này thiết kế hồ cảnh quan và công viên cây xanh rộng 5.000m2 trong dự án và một công viên bờ sông bên ngoài dự án với 9ha...

Chấp nhận mức chi phí đầu tư tăng lên ít nhất 10%, chủ đầu tư Phúc Khang cũng đang tiến hành dự án Dimond Lotus Riverside (quận 8, TP.HCM) với tiêu chuẩn “tòa nhà xanh” theo hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh  (LEED - Leadership in Energy and Environmental Design).

Theo đó, chủ đầu tư phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn về mảng công viên cây xanh, đặc biệt mật độ xây dựng chỉ 19%, tổng diện tích đầu tư cho mảng xanh lên đến 8.000 m2.

“Tính sơ sơ tốn thêm 10% chi phí xây dựng (khoảng 120 tỉ đồng với dự án này) nhưng bù lại sự khác biệt này sẽ thu hút khách hàng và tiết kiệm được chi phí vận hành”, đại diện chủ đầu tư này phân tích. Được biết, Dimond Lotus Riverside có quy mô hơn 1,6 ha với mức đầu tư hơn 1.200 tỉ đồng, khi hoàn thiện sẽ cung cấp ra thị trường 720 căn hộ xanh theo tiêu chuẩn LEED.

Xu hướng xanh hóa căn hộ

Theo công bố của Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC), tính đến thời điểm hiện tại, số công trình tại Việt Nam đạt được chứng chỉ LEED còn rất khiêm tốn, trong đó chủ yếu là các nhà máy sản xuất, toà nhà văn phòng của các tập đoàn nước ngoài.

Riêng căn hộ, tại Việt Nam hiện chỉ có 2 dự án thuộc dòng căn hộ xanh Diamond Lotus của Phúc Khang là Diamond Lotus Riverside và Diamond Lotus Lakeview được phát triển theo tiêu chuẩn này.

Khách hàng tìm hiểu một dự án theo tiêu chuẩn xanh tại quận 8, TP.HCM . Ảnh ĐÌNH DÂN


Không khó để lý giải cho sự hiếm hoi của những dự án được phát triển theo tiêu chuẩn LEED tại Việt Nam khi chứng chỉ này đặt ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe, đòi hỏi chủ đầu tư dự án phải có một tiềm lực đủ lớn, một tâm huyết đủ mạnh, một sự kiên trì để theo đuổi.

Theo VGBC, trở ngại lớn nhất khi phát triển công trình xanh, mà đặc biệt là các công trình được phát triển theo tiêu chuẩn LEED đối với các chủ đầu tư là vấn đề chi phí. Thường thì tổng giá trị đầu tư ban đầu của công trình sẽ phải tăng khoảng 10%, ngoài ra chủ đầu tư cũng phải hi sinh một diện tích rất lớn để phát triển không gian xanh, không gian công cộng theo yêu cầu của LEED.

Ông Trương Anh Tú, GĐ Phát triển Kinh doanh của Phúc Khang cho biết khi phát triển dự án Diamond Lotus Riverside đã phải chi thêm một khoảng chi phí khá lớn để vận hành theo tiêu chuẩn LEED. Ngoài ra, để đáp ứng được các tiêu chí nghiêm ngặt của hệ tiêu chuẩn này, chủ đầu tư này cũng bắt buộc phải hi sinh một phần lợi nhuận, cụ thể phải “hi sinh” hơn 80% diện tích dự án (khoảng 13.000 m2) để phát triển mảnh xanh và các tiện ích cho cư dân.

Ông Tú cho biết ngay đến cả trên đỉnh các toà nhà, bình thường sẽ được các chủ đầu tư sử dụng để phát triển hàng chục căn penthouse thu về hàng trăm tỷ đồng, nhưng ở đây chủ đầu tư sử dụng toàn bộ khoảng không trên tầng thượng để làm vườn thiền trên không Sky Park rộng 5.000 m2. “Khi phát triển dự án, chúng tôi luôn phải đảm bảo nguyên tắc giảm thiểu bê tông hoá dự án, chúng tôi lấy bao nhiêu đất để làm dự án, sẽ bù lại bấy nhiêu diện tích cây xanh trên đỉnh toà nhà và trả lại không gian xanh cho mặt đất”, ông Tú chia sẻ.

“Tính sơ sơ tốn thêm 10% chi phí xây dựng (khoảng 120 tỉ đồng với dự án này) nhưng bù lại sự khác biệt này sẽ thu hút khách hàng và tiết kiệm được chi phí vận hành”

Đại diện Phúc Khang - chủ đầu tư dự án theo tiêu chuẩn xanh quốc tế Dimond Lotus Riverside

Ngoài yếu tố chi phí, chủ đầu tư các dự án phát triển theo tiêu chuẩn LEED còn phải nỗ lực để công trình đáp ứng được những hệ tiêu chuẩn khắt khe như: phải chọn địa điểm xây dựng bền vững, kiến trúc công trình phải hài hoà với cảnh quan khu vực, giảm thiểu tác động tiêu cực tới hệ sinh thái nguyên thuỷ.

Mặt khác, dự án khi thi công phải đảm bảo tiêu chí công trường xanh: trước khi thi công phải có đánh giá tác động tới môi trường xung quanh, phải giảm thiểu tiếng ồn cũng như khói bụi để tránh tác động tiêu cực tới các khu vực phụ cận, công trường phải luôn xanh, sạch cũng như không gian làm việc của nguồn nhân lực phục vụ cho công trường phải được đảm bảo theo tiêu chuẩn LEED.

Một yếu tố then chốt khác của dự án được phát triển theo tiêu chuẩn LEED là mỗi căn hộ phải được thiết kế tối ưu cũng như sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất  để có thể cân bằng nhiệt độ nhằm tiết kiệm năng lượng. Tất cả căn hộ phải được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, gió tự nhiên từ đó sẽ tiết kiệm điện và nước tiêu thụ, hạn chế ở mức tối thiểu lượng rác thải cũng như lượng khí CO2 thải ra môi trường.

Ngoài yếu tố thiết kế, vật liệu được sử dụng để xây dựng dự án cũng phải là vật liệu xanh mang tính bền vững, thân thiện với môi trường, đảm bảo không tác động xấu tới sức khoẻ của cư dân.

Theo LEED, công trình xanh còn là công trình nhân văn, đòi hỏi sự kiên định và tâm huyết đối với cộng đồng của chủ đầu tư. Mặt khác, dự án phát triển theo chuẩn này không chỉ phù hợp với người bình thường, mà còn phải ưu tiên để phù hợp với người khuyết tật và thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho trẻ em.

Nếu như vòng đời của một dự án thông thường sẽ là “Thi công – hoàn thiện – bàn giao – vận hành”, thì vòng đời của một dự án theo tiêu chuẩn LEED sẽ không có điểm kết thúc. Vì từ quá trình thi công, hoàn thiện, vận hành đến sử dụng, bảo trì chủ đầu tư cũng như cư dân sẽ phải nỗ lực để hoàn thiện các tiêu chí theo từng đợt tái đánh giá chu kỳ của Hội đồng công trình xanh US.GBC (Mỹ).

Khái niệm xanh

Theo các chuyên gia, khái niệm về công trình xanh được biết đến lần đầu tiên tại Việt Nam sau khi Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) được thành lập năm 2007.

Theo đó, công trình xanh được hiểu là công trình xây dựng mà trong cả vòng đời, từ giai đoạn lựa chọn địa điểm xây dựng, thiết kế, thi công, sử dụng, vận hành, cho đến sửa chữa, nâng cấp, tái sử dụng đều đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, tài nguyên nước, vật liệu; hạn chế tối thiểu chất thải ô nhiễm môi trường và tạo điều kiện sống tốt nhất cho người sử dụng.

Hiện tại trên thế giới, có nhiều hệ thống đánh giá tiêu chuẩn công trình xanh đang được áp dụng như LEED, EDGE, GREEN MARK. Theo Công ty Tài chính quốc tế (IFC), thế giới hiện có 1 tỉ m2 công trình xanh có chứng nhận trên thế giới. Trong đó, hơn 36.000 dự án thương mại và 38.000 công trình nhà riêng được cấp chứng nhận LEED.

KHÁNH NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp