Một số "hiện tượng cover" nổi bật thời gian gần đây, từ trái qua: Ngô Thành Dương, Trần Tuấn Đạt và Hương Ly
Đa số người dùng Việt Nam hiện nay chưa có thói quen trả tiền để nghe nhạc, trả tiền khi sử dụng tác phẩm âm nhạc của người khác. Rất nhiều người ú ớ về bản quyền và không chịu tìm hiểu.
Nhạc sĩ Tú Dưa
Lịch sử âm nhạc thế giới từng chứng kiến không ít trường hợp tác phẩm cover nổi tiếng và được nhiều người ưa thích hơn cả bản thu gốc. Ngày càng có nhiều người thích nghe những ca khúc được trình bày lại một cách sáng tạo.
Nhiều giọng cover có lượt xem "khủng"
Ở Việt Nam, vài năm trở lại đây, phong trào cover phát triển rất mạnh. Nhiều người nhờ cover mà trở nên nổi tiếng, tìm thấy cơ hội lấn sân sang con đường ca hát chuyên nghiệp như Quân AP, Hoa Vinh, Hương Ly, Ngô Lan Hương...
Hiện tượng cover Hương Ly nhận phải nhiều ý kiến trái chiều vì cover quá nhiều
Trào lưu này phát triển đến nỗi nhiều YouTuber chọn cover làm hướng phát triển riêng cho kênh thu lợi nhuận. Giới ca sĩ cũng hào hứng với phong trào này. Một số ca sĩ nổi tiếng như Mỹ Tâm, Đức Phúc, Orange... thường xuyên có các sản phẩm hát lại bài hát của đồng nghiệp.
Ca sĩ Hòa Minzy, Đàm Vĩnh Hưng, Bảo Anh... thì mạnh tay chi tiền tổ chức các cuộc thi cover. Đây là cách để họ truyền thông khi phát hành sản phẩm mới, cũng là một "chiêu" để tăng gắn kết giữa ca sĩ và fan.
Các nhạc sĩ cũng muốn hợp tác với các giọng ca cover. Mới đây, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung ra mắt bài hát Hôm nay anh rất mệt qua tiếng hát của Ngô Thành Dương - một cái tên khá nổi tiếng trong cộng đồng cover. Huy Vạc cũng ra mắt bài hát riêng sau một thời gian chỉ toàn cover.
Dù nhiều giọng cover từng thu lượt xem "khủng" trên YouTube nhưng tới khi ra mắt sản phẩm âm nhạc của riêng mình thì họ lại khá mờ nhạt. Nhiều giọng ca lạm dụng kỹ thuật phòng thu, đến khi hát live nhanh chóng khiến khán giả thất vọng.
Những clip hát cover của Mỹ Tâm luôn gây được sự chú lớn trên mạng xã hội
Cover là đụng đến bản quyền
Tuy vậy, việc nhiều người, nhiều nhà cover ca khúc khiến các đơn vị bảo vệ bản quyền đau đầu vì xử lý vi phạm. Cuối năm 2019, "hiện tượng cover" Hương Ly bị tố sử dụng ca khúc Bước qua đời nhau mà không xin phép tác giả là ca sĩ Khắc Việt.
Mới đây, MV parody triệu view Duyên mình lỡ (sáng tác: Tú Dưa) của Huỳnh Lập đột ngột "bốc hơi" khỏi YouTube. Hồng Ân Entertainment - đơn vị được nhạc sĩ Tú Dưa ủy quyền giám sát và truy thu bản quyền trên mạng Internet - đã yêu cầu YouTube gỡ MV. MV vừa xuất hiện trở lại vào ngày 17-7 vừa qua sau khi Huỳnh Lập hoàn tất thủ tục bản quyền, pháp lý với Hồng Ân Entertainment và nhạc sĩ Tú Dưa.
Trước đó, tại buổi họp báo của MV gốc, Huỳnh Lập đã từng xin phép ca sĩ Hương Tràm, nhạc sĩ Tú Dưa, đạo diễn Kawaii Tuấn Anh để làm MV parody và nhận được sự đồng ý nhưng không có bất kỳ văn bản nào xác nhận bản quyền được sử dụng ca khúc này.
Ngô Lan Hương, một trong những cô gái hot nhất cộng đồng cover, cho Tuổi Trẻ biết: "Những bài cover mà mình không xin phép tác giả sau một thời gian sẽ bị gỡ. Mình bị gỡ nhiều rồi".
Nhạc sĩ Tú Dưa
Nhiều kênh cover trên YouTube bị đánh sập
Trong khoảng vài tháng trở lại đây, khá nhiều kênh cover nhạc Việt trên YouTube bị đánh sập. Những người chơi piano, violon chuyên cover các ca khúc Việt "hot" như Nguyễn Thế Vinh, An Coong, Khánh Linh; nhiều kênh của những trung tâm dạy chơi nhạc cụ... đều bị Hồng Ân Entertainment dùng "gậy" (dấu hiệu cảnh báo của YouTube đối với các video vi phạm bản quyền).
Bội Ngọc - một YouTuber chuyên thực hiện video chơi piano cover - bức xúc cho biết Hồng Ân Entertainment đã đánh gậy bản quyền ba ngày liên tiếp (26 đến 28-6) trên ba video, khiến cho cả ba kênh YouTube của chị bị đánh sập hoàn toàn. Phương Dung Socola, một người chuyên làm các video dạy nhạc, sau khi bị dính "gậy" cũng bức xúc làm một video giãi bày trên YouTube.
Chủ sở hữu một số kênh chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng họ hiểu đã đến thời các YouTuber không còn được thoải mái hát như trước kia và họ sẵn sàng trả tiền bản quyền, tuy nhiên họ bức xúc vì kênh bị đánh sập mà không được báo trước, số tiền bản quyền được yêu cầu thanh toán cũng không biết căn cứ vào đâu?
Huỳnh Lập đã thông báo trên trang cá nhân việc đã hoàn tất thủ tục bản quyền, pháp lý với công ty Hồng Ân và nhạc sĩ Tú Dưa cho MV parody Duyên mình lỡ - Ảnh: Facebook
Người đánh sập kênh nói gì?
Bà Đặng Hồng Nga - người sáng lập Hồng Ân Entertainment - cho biết công ty này từng thực hiện cảnh báo tới các cá nhân, tổ chức vi phạm thì ngay lập tức những đối tượng vi phạm xóa kênh để khỏi trả tiền bản quyền. Đó là lý do công ty quyết làm mạnh tay.
"Hồng Ân từng thử cảnh cáo các kênh 1 "gậy" bản quyền nhưng không ăn thua, không ai chịu đóng tiền cả. Bắt đầu từ tháng 4-2020, Hồng Ân buộc đánh 3 gậy/kênh. Có nhiều chủ kênh hiểu vấn đề lập tức thanh toán phí bản quyền. Những kênh vi phạm nhiều năm thì tỏ ra khó chịu ra mặt khi phải đóng một khoản tiền" - bà Nga cho biết.
Giải thích về mức giá 1 triệu đồng/1 bài/1 năm, bà Nga cho biết: "Chúng tôi được các nhạc sĩ ủy quyền, thu mức giá nào là do nhạc sĩ quy định. Có nhạc sĩ muốn thu phí cao vì họ cho rằng như thế mới xứng đáng với công sức của họ. Có nhạc sĩ muốn phổ biến rộng rãi tác phẩm lại đề nghị mức thu thấp hơn".
"Để hoàn thiện một tác phẩm âm nhạc rất tốn công sức, tiền bạc, tại sao mọi người có thể tùy tiện dùng nó vào các mục đích cá nhân của mình mà không xin phép?
Có những người làm MV thu về triệu view, được nhận tiền từ YouTube, từ các nhãn hàng quảng cáo, nhưng đến khi bảo đóng cho nhạc sĩ 1 triệu đồng lại kêu ca. Anh sống "dựa" vào ý tưởng của tác giả, mà khi sử dụng tác phẩm của họ không xin phép, không trả tiền bản quyền, còn lên mạng kêu than thì thật vô lý" - bà Đặng Hồng Nga nhận xét.
Trò chuyện với Tuổi Trẻ, nhạc sĩ Tú Dưa nói: "Chúng tôi bị vi phạm bản quyền nhiều không đếm xuể. Chính tôi khi thử cài nhạc chờ cho điện thoại mới biết họ dùng bài hát của tôi, thuê người khác hát để lách luật không trả tiền bản quyền. Tôi muốn làm chặt về bản quyền không phải chỉ cho bản thân mà còn mong muốn môi trường ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn".
Luật sư Nguyễn Thị Phương Hảo (CIS Law Firm) cho biết Luật sở hữu trí tuệ quy định chủ sở hữu tác phẩm có quyền độc quyền tác phẩm của mình, toàn quyền tự sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng.
"Một người cover tác phẩm của người khác và đưa lên mạng xã hội, dù người đó hát cho vui hay hát để thu tiền thì họ vẫn phải xin phép tác giả, và phải trả tiền bản quyền nếu tác giả yêu cầu. Bài hát là một loại tài sản dân sự, việc định giá tùy vào thỏa thuận dân sự của người bán, người mua, Nhà nước không can thiệp".
N.DIỆP ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận