Nhà báo Lê Xuân Trung và bà Dương Hằng trao giải cho tác giả đoạt giải nhất, Trần Ngọc Ẩn - bút danh Bảy Miệt Vườn. Tác giả Trần Ngọc Ẩn cảm ơn báo Tuổi Trẻ vì đã tạo một sân chơi xứng đáng để bạn đọc bày tỏ nỗi niềm của mình với Tết và gia đình. Anh hy vọng nhiều năm nữa, các thế hệ bạn đọc Tuổi Trẻ vẫn đọc những bài viết này vì món ăn có thể thay đổi, nhưng hương vị tình thân của ngày Tết không bao giờ thay đổi.
Tại sự kiện, ban tổ chức vinh danh các bạn đọc đoạt giải và dự thi Món Tết quê nhà, cuộc thi nhận được 1.000 bài dự thi đều giản dị và giàu cảm xúc.
Sự kiện cũng có sự góp mặt của các nghệ sĩ: NSND Kim Cương, Hạnh Thúy, Lê Công Hoàng, Quang Tuấn, Linh Phi, Võ Minh Lâm, người mẫu Lê Sim, tam ca Phù Sa, nhạc sĩ Nguyễn Thái Dương, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, Lê Bình Giang...
Cuộc thi Món Tết quê nhà có 3 bài viết lần lượt đoạt giải nhất, nhì, ba và 10 bài viết đoạt giải khuyến khích. Ban giám khảo gồm nhà báo Nguyễn Trường Uy - phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, nhà báo Lê Thị Thái Hòa - biên tập viên báo Tuổi Trẻ, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh.
Nhà báo Nguyễn Trường Uy, phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, chia sẻ: “Cuộc thi không chỉ là câu chuyện ẩm thực mà còn là câu chuyện tình thân. Cái Tết này không chỉ là cái Tết của ngày nay mà còn là của ngày mai và cả trăm năm sau. Giá trị của cuộc thi sẽ còn rất lâu dài. Cảm ơn hơn 1.000 tác giả đã tham gia cuộc thi để cùng viết nên câu chuyện tình thân”.
Tác giả Trần Ngọc Ẩn - bút danh Bảy Miệt Vườn - là người đoạt giải nhất Món Tết quê nhà với bài viết Lòng tôi có món thịt kho tàu bà Ba. Anh giải thích bút danh Bảy Miệt Vườn là sự kết hợp giữa "Bảy" là thứ tự trong gia đình, và Miệt Vườn là cái tên rất miền Tây. Nhà báo Lê Thị Thái Hòa, biên tập viên tòa soạn báo Tuổi Trẻ, cho biết bài viết thực sự xuất sắc, như một truyện ngắn chứ không phải một bài dự thi.
Tác giả Bảy Miệt Vườn xúc động khi hội ngộ NSND Kim Cương và nghệ sĩ cải lương Võ Minh Lâm mà cả gia đình anh ái mộ. Anh chia sẻ: "Chúng ta đang sống trong một thời đại rất chộn rộn. Chúng ta giao tiếp với nhau bằng các biểu tượng. Trong thời đại ấy, có một cuộc thi viết về Món Tết quê nhà. Ngày nào tôi cũng đọc mục Văn hóa của báo Tuổi Trẻ để xem, bài viết nào cũng ngồn ngộn cảm xúc, hình ảnh rất mộc mạc nhưng có rất nhiều tương tác và đồng cảm. Chúc mừng báo Tuổi Trẻ vì đã làm được một chuyện là khơi dậy lại những tâm tư chìm sâu của tất cả chúng ta. Cuộc thi khiến chúng ta hiểu rằng mình vẫn thích viết, thích đọc và viết rất đẹp".
Nhà báo Nguyễn Trường Uy và bà Đinh Thị Thanh Thủy (trái) - giám đốc, tổng biên tập NXB Tổng hợp TP.HCM - trao giải nhì và giải ba cho hai tác giả Lương Bích Vân và Phùng Hạo. Chị Lương Bích Vân - tác giả đoạt giải nhì trong cuộc thi với bài viết Má lên lịch gói bánh làm cả nhà mừng rơn - cùng mẹ là bà Võ Thị Phụng đến nhận giải.
Chị Lương Bích Vân chia sẻ rằng ngày 27 Tết năm nay, gia đình lại tiếp tục sum họp cùng nhau gói bánh như mọi năm. Người mẹ (bà Võ Thị Phụng) sẽ tự tay gói hàng chục chiếc bánh tét và bánh ú để chia đều cho 14 đứa cháu. Bà Phụng cũng khoe năm sau đã có cháu cố. Chị Vân nói: "Tình cảm gia đình là một tình cảm rất thiêng liêng. Gia đình tôi sống theo ba thế hệ, đầy đủ ông bà, bố mẹ và con cháu. Ngày Tết, gia đình tôi lúc nào cũng sum vầy. Khi viết bài dự thi, tôi nghĩ đến má vì má luôn là nguồn động viên cho tôi trong cuộc sống".- Ảnh: HỮU HẠNH
Phùng Hạo - tác giả đoạt giải ba với bài viết Chừng nào con về nấu lẩu cù lao với ngoại? - nói về quá trình viết bài dự thi: "Ban đầu, tôi chỉ viết về món lẩu cù lao thôi. Nhưng sau đó, tôi xóa đi viết lại. Vì tôi hiểu cuộc thi muốn nói về tình thân. Mà vấn đề lớn nhất đối với những người trẻ như tôi là khoảng cách thế hệ với người thân của mình. Thông qua bài viết, tôi muốn thu hẹp những khoảng cách, đưa các thế hệ đến gần với nhau hơn".
Nhà báo Nguyễn Trường Uy cho biết ban tổ chức đã mời các tác giả dự thi cùng người thân của họ vì đây là cuộc thi tôn vinh tình thân. Tác giả Phùng Hạo cũng cho biết sau khi bài viết được đăng trên Tuổi Trẻ Online, nhiều bạn bè nói với anh rằng họ rất đồng cảm với câu chuyện về khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ, ông bà và con cháu. Họ cho rằng cách tốt nhất là hãy thu xếp thời gian về thăm nhà sớm hơn mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Nghệ sĩ Võ Minh Lâm trao giải cho các tác giả đoạt giải khuyến khích và chia sẻ về niềm yêu thích của anh với các món Tết quê nhà.
Nghệ sĩ Võ Minh Lâm và nhà báo Lê Thị Thái Hòa - biên tập viên Tòa soạn báo Tuổi Trẻ - cùng trao giải cho các tác giả đoạt giải khuyến khích. Nhà báo Lê Thị Thái Hòa cũng là một trong ba giám khảo của cuộc thi. Chị đã lọc 1.000 bài dự thi để chọn ra những bài hay nhất vào vòng chấm giải.
Các nghệ sĩ tham dự chương trình chụp ảnh lưu niệm cùng ban tổ chức. Trong chương trình, bên cạnh trao giải Món Tết quê nhà, ban tổ chức còn ra mắt giai phẩm Tuổi Trẻ Xuân Quý Mão với nhiều bài viết đậm đà phong vị Xuân.
Kết quả cuộc thi Món Tết quê nhà
Giải nhất: Lòng tôi có món thịt kho tàu bà Ba - tác giả Bảy Miệt Vườn (tên thật Trần Ngọc Ẩn)
Giải nhì: Má lên lịch gói bánh làm cả nhà mừng rơn - Lương Bích Vân
Giải ba: Chừng nào con về nấu lẩu cù lao với ngoại? - Phùng Hạo
10 giải khuyến khích:
Cá rô kho gừng quá chừng nhớ thương - Ny An
Nhớ những bữa mì Quảng cuối năm - Tiên Sa
Tôi nhớ chái bếp quê chiều cuối năm rừng rực lửa, nhớ nồi chả đùm tỏa mùi thơm - Hoàng Anh Linh
Bánh ít thơm mùi ký ức- Nghĩa Hành
Nhìn ba cặm cụi gói nem mà nghe trong gió xuân cái gì đó rất bình yên, vững chãi- Vương Thị Bé
Hành kho một thuở Tết nghèo - Mai Nguyên
Má lột từng củ hành nhỏ, ký ức ấm áp và hạnh phúc nhất của tôi- Lý An Nhiên
Nồi thịt kho măng khổng lồ - Nguyễn Ngọc Phụng
Nhớ thương vị cà dầm tương ngày Tết - Đinh Luyện
Tết nhớ niêu cá trắm đen ủ trấu nếp - Trần Thủy (từ Giessen- CHLB Đức)
Bài: MI LY - Ảnh: HỮU HẠNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận