Người dân ở làng Kon Sơ Lăh (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) tham gia vây bắt gỗ trái phép khai thác từ rừng giao cho địa phương quản lý - Ảnh: B.D. |
Thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý bảo vệ rừng khu vực Bắc Trung bộ, vừa được Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức tại Vinh ngày 30-11-2016, cho thấy trên địa bàn các tỉnh từ Ninh Bình đến Quảng Nam, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 268 vụ phá rừng, tăng 47 vụ so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá mức độ trách nhiệm quản lý bảo vệ tài nguyên rừng hiện nay, ngoài trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất rừng của chính quyền địa phương, trách nhiệm thực thi pháp luật của lực lượng kiểm lâm, trách nhiệm lớn nhất vẫn là chủ rừng - tổ chức được Nhà nước giao quyền quản lý, bảo vệ và sử dụng tài nguyên rừng.
Tuy nhiên, một thực trạng ai cũng nhìn thấy, nếu không có sự phối hợp, hỗ trợ của lực lượng kiểm lâm, quân đội, công an thì các chủ rừng khó lòng làm tròn trách nhiệm của mình.
Bởi các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng gần như không có đủ nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực (lực lượng bảo vệ rừng) đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ giữ gìn tài nguyên quý giá mà Nhà nước giao trách nhiệm cho họ.
Trước bối cảnh này, ngày 19-10-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 44 (có hiệu lực thi hành từ ngày 5-12-2016) về lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng, trong đó quy định về tổ chức lực lượng, nhiệm vụ, quyền hạn, đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ và chế độ đối với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng.
Quyết định này áp dụng cho các ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ (không có tổ chức kiểm lâm) và các doanh nghiệp, tổ chức không thuộc lực lượng vũ trang được Nhà nước giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp.
Điểm mới trong quyết định là các chủ rừng được quyền thành lập và trực tiếp quản lý lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.
Lực lượng này có nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng, chịu sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ về quản lý bảo vệ rừng của cơ quan kiểm lâm sở tại, có trang phục thống nhất trong toàn quốc, được trang bị phương tiện kỹ thuật đầy đủ, được đào tạo tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành, được trang bị và trao quyền sử dụng các loại công cụ hỗ trợ như lực lượng kiểm lâm hiện nay, đủ sức để ngăn chặn hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức xâm hại đến tài nguyên rừng mà họ được giao quản lý.
Ngoài ra, tại quyết định này cũng đã xác định nguồn kinh phí ổn định, đảm bảo duy trì thường xuyên hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng cũng như cơ chế phối hợp với các bên liên quan khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Nói như phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, kiêm cục trưởng Cục Kiểm lâm Nguyễn Quốc Trị, tại hội nghị ngày 30-11 vừa qua, quyết định 44 mang tính pháp lý cao nhất đối với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, là “cây gậy” để chủ rừng có thể thực hiện trách nhiệm của mình.
Hi vọng rằng từ cơ hội này, các chủ rừng tự chủ hơn trong việc tuyển chọn và thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách có chất lượng, được đào tạo bài bản, đủ năng lực và đạo đức để có thể giúp cho các chủ rừng quản lý, bảo vệ có hiệu quả lâm phần được Nhà nước trao quyền quản lý.
Ông Võ Ngộ (giám đốc Công ty lâm nghiệp Krông Pa, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai): Giải quyết một phần khó khăn cho chủ rừng Lâu nay, câu chuyện giữ rừng ở các công ty lâm nghiệp (lâm trường) và các chủ rừng không có lực lượng kiểm lâm chính quy đang hết sức gian nan. Ở góc độ hành lang pháp lý, dù gọi là lực lượng quản lý bảo vệ rừng nhưng hoàn toàn khác xa với kiểm lâm, các chủ rừng chỉ đơn thuần là một doanh nghiệp được Nhà nước thuê để bảo vệ rừng, quyền hạn cũng như công cụ hỗ trợ gần như rất ít. Trong hoàn cảnh ấy, dưới áp lực lấn chiếm đất đai làm đất sản xuất, tình trạng di dân tự do, lâm tặc tràn vào phá rừng bất chấp truy cản... thì lực lượng quản lý bảo vệ rừng của các công ty lâm nghiệp đứng ra đương đầu là vô cùng khó khăn, lâm tặc sẵn sàng đối đầu vì “không sợ” cán bộ quản lý bảo vệ rừng. Từ nhiều năm nay huyện K’Bang (tỉnh Gia Lai) là một trong số các điểm nóng phá rừng. Tại đây việc bảo vệ rừng của Công ty lâm nghiệp Krông Pa cũng hết sức căng thẳng. Hiện công ty chỉ có 16 nhân lực và một số người hợp đồng để bảo vệ tới 8,5 ngàn hecta rừng nằm trên địa bàn ba xã của huyện K’Bang. Lực lượng kiểm lâm chính quy mỗi xã được bố trí một người. Rừng mênh mông như thế để đi hết đã rất khó chứ chưa nói việc giữ rừng. Chúng tôi nói vui mà thật là mình đi giữ rừng mà không khác gì ông nông dân, trang phục không có, lương thì thấp, áp lực thì lớn, trong khi đó công cụ hỗ trợ chỉ có bình xịt hơi cay, gậy tự chế... Với việc ban hành quyết định 44, dù chưa giải quyết hết những thiệt thòi của các công ty lâm nghiệp, các chủ rừng nhưng đã có nhiều tín hiệu mừng, hỗ trợ một phần để chủ rừng có quyền hạn hơn trong việc giữ rừng. Tôi thấy cái hợp lý nhất là khi quyết định 44 có hiệu lực thì chủ rừng - như chúng tôi - được quyền lập biên bản hành vi vi phạm, đây là nội dung có tính răn đe với lâm tặc nhiều hơn Quyết định cũng nêu rõ các chủ rừng được tập huấn sử dụng công cụ hỗ trợ, được cấp trang phục riêng cũng là nội dung rất cần thiết và hợp lý để anh em có chỗ dựa khi đi làm nhiệm vụ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận