Các hộ nông dân tiêu biểu giao lưu tại lễ trao vốn Tiếp sức nhà nông - Ảnh: VŨ TUẤN
Mỗi hộ dân được hỗ trợ 20 triệu đồng không lãi suất trong vòng 2 năm. Ngoài số vốn 20 triệu đồng, chương trình còn hỗ trợ mỗi hộ dân 3 triệu đồng tiền thức ăn.
Đây là số vốn của chương trình "Tiếp sức nhà nông" do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự tài trợ của Công ty cổ phần GREENFEED Việt Nam.
40 hộ nông dân của huyện Như Xuân, Thanh Hóa được trao vốn lần này là những hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng có quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững, có con em vượt khó, học giỏi.
Bên cạnh trao vốn cho các hộ nông dân, chương trình còn trao thưởng cho 40 học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi là con các hộ nông dân tham gia chương trình. Tổng giá trị các phần thưởng này trên 40 triệu đồng.
Tại lễ trao vốn, đại diện GREENFEED đã tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà cho các hộ nông dân. Đơn vị này khuyến cáo bà con nuôi giống gà Lạc Thủy (Hòa Bình). Đây là giống gà cho chất lượng thịt thơm, ngon, giá trị cao, lại phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở vùng Như Xuân, Thanh Hóa. Đặc biệt, giống gà này phù hợp với quy mô chăn nuôi vừa phải của các hộ dân tham gia chương trình.
Đại diện Công ty GREENFEED hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ nông dân tham gia chương trình - Ảnh: VŨ TUẤN
Anh Mai Văn Tính, ở xã Hòa Quỳ, huyện Như Xuân, cho hay hiện tại gia đình anh chăn nuôi gà nhưng quy mô nhỏ để tận dụng thức ăn có sẵn của gia đình. Điều anh lo nhất trước đây là dịch bệnh. Nông dân chỉ chăn nuôi theo kinh nghiệm nhưng không chú ý đến phòng dịch.
Qua lớp tập huấn này, lại có ngay đồng vốn, anh Tính dự kiến sẽ bắt tay ngay vào sửa khu chuồng trại, nuôi khoảng vài trăm con gà.
"Tôi cũng muốn nuôi nhiều hơn nhưng các cháu đi học, sức khỏe tôi lại yếu nên chỉ chăn nuôi vừa phải, đúng kỹ thuật. Sau lứa chăn nuôi này nếu thành công sẽ nuôi nhiều hơn" - anh Mai Văn Tính nói.
Chia sẻ tại lễ trao vốn, anh Lê Văn Lý, ở xã Xuân Hòa (Như Xuân), cho hay anh dự tính sẽ mua một đôi bò giống. Theo anh Lý, ở khu nhà anh thiếu nước, đất đai lại không rộng nên không thể nuôi được nhiều gà.
Kinh tế của gia đình anh Lý hiện tại chỉ trông vào 5 sào sắn, mỗi năm chỉ thu được khoảng 13 triệu đồng chưa trừ chi phí. Để có tiền nuôi con ăn học, vợ chồng anh Lý đi làm thuê nhưng thu nhập chẳng được là bao. Anh muốn nuôi bò từ lâu nhưng tích cóp mấy năm không đủ tiền mua giống.
"Có vốn mua một đôi bò là thỏa ước mơ của tôi rồi! Lần này tôi quyết tâm chăn nuôi thật tốt để có tiền nuôi con ăn học".
Chị Hà Thị Thương, ở xã Hóa Quỳ, lại mong muốn có đồng vốn để chăn nuôi gia cầm. Chị Thương là nạn nhân chất độc da cam, chân trái bị rút cơ không thể đi lại như người bình thường. Vài ngày một lần, chị Thương đi xe máy gần 20 cây số vào rừng để chặt chuối làm thức ăn cho lợn và đàn ngan của gia đình.
"Chân tôi đau mà mỗi lần chở 4, 5 cây chuối bằng xe máy cực lắm! Vì thế mà tôi không thể chăn nuôi được nhiều hơn vì không có thức ăn. Lần này được hỗ trợ vốn, tôi sẽ sửa chuồng trại để nuôi gia cầm" - chị Thương vui mừng chia sẻ.
Nông dân trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi - Ảnh: VŨ TUẤN
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường - giám đốc điều hành GREENFEED Hà Nam - thời gian qua là thời gian rất khó khăn đối với bà con nông dân vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên phía công ty và đại diện báo Tuổi Trẻ tiếp tục thực hiện chương trình trao vốn cho bà con nông dân để hỗ trợ bà con nông dân đẩy lùi dịch bệnh, từng bước ổn định sinh kế vượt qua giai đoạn khó khăn này.
"Từ những hỗ trợ này, tôi tin rằng chính quyền và hộ nông dân của tỉnh sẽ có thêm một "chiếc cần câu", một nguồn động lực mới để cùng vượt qua giai đoạn dịch bệnh, phấn đấu phát triển sản xuất, chủ động kinh tế để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình mình. Chúng tôi hy vọng rằng chương trình năm nay sẽ là một bước đệm để "Tiếp sức nhà nông", GREENFEED Việt Nam và Tuổi Trẻ sẽ tiếp tục có thêm nhiều đóng góp cho tỉnh nhà trong những năm tiếp theo" - ông Cường nói.
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi Trẻ, giám đốc điều hành GREENFEED Hà Nam cho hay nếu bà con nông dân tham gia chương trình "Tiếp sức nhà nông" mà đầu tư chăn nuôi gà theo khuyến cáo của buổi tập huấn hôm nay mà khó khăn về đầu ra, phía GREENFEED sẵn sàng kết nối để hỗ trợ bà con, thu mua lại theo giá thị trường.
Ông Trần Bình Quân - chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa - cho hay Hội Nông dân sẽ tiếp tục phối hợp, theo dõi, hướng dẫn, động viên và tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện tốt nhất về chủ trương, chính sách cho các hộ nông dân phát triển kinh tế.
"Chúng tôi mong rằng sau 2 năm thực hiện chương trình, nhiều gia đình nông dân ở Như Xuân sẽ thoát nghèo nhờ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình, con cái chăm chỉ học tập, nỗ lực vươn lên để hiện thực hóa ước mơ, tạo lập cuộc sống" - ông Quân nói.
Đây là năm thứ 12 chương trình Tiếp sức nhà nông được tổ chức. Chương trình đầu tiên được tổ chức năm 2010, tiếp nối là chương trình Tiếp sức nhà nông cho con đến trường do báo Tuổi Trẻ và GREENFEED tổ chức đã giúp 2.140 hộ nông dân tại 16 tỉnh, thành trên cả nước cải thiện sinh kế.
Tổng kinh phí của chương trình đến nay là 60 tỉ đồng, tỉ lệ thu hồi vốn đạt 93%.
Trong năm 2021, chương trình trao vốn cho 280 hộ nông dân tại các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Tây Ninh, Bình Thuận, Đồng Tháp, Trà Vinh và Đắk Lắk với tổng kinh phí hơn 6,44 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận