05/12/2012 07:42 GMT+7

Trao công hàm phản đối Trung Quốc

H.GIANG - SƠN HÀ - ĐÔNG PHƯƠNG
H.GIANG - SƠN HÀ - ĐÔNG PHƯƠNG

TT - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN cho biết đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối những hoạt động gây căng thẳng tình hình biển Đông của Trung Quốc gần đây.

BczxZJvB.jpgPhóng to
Tàu cá Trung Quốc đi vào vùng biển gần đảo đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi tháng 7-2012 - Ảnh tư liệu

Ngày 4-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã lên tiếng về những hoạt động gây căng thẳng tình hình biển Đông từ phía Trung Quốc những ngày gần đây.

Cụ thể ngày 27-11, tỉnh Hải Nam thông qua bản sửa đổi “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam”, trong đó đã đưa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam vào phạm vi áp dụng. Trước đó ngày 23-11, Trung Quốc cho xuất bản bản đồ “Tam Sa”, phạm vi bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Tiếp theo, sáng 30-11, trong khi tàu Bình Minh 02 của Việt Nam đang thăm dò địa chấn bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam và chỉ cách đảo Cồn Cỏ của Việt Nam khoảng 43 hải lý thì bị hai tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 16025 và 16028 cố tình cản trở và gây đứt cáp, bất chấp các lực lượng chức năng của Việt Nam đã phát tín hiệu cảnh báo.

“Trong tình huống lợi ích quốc gia của Ấn Độ bị ảnh hưởng, chúng tôi sẽ tới đó - đô đốc Joshi tuyên bố - Chúng tôi có sự chuẩn bị cho những tình huống như vậy không? Chúng tôi có các cuộc tập trận cho các tình huống đó không? Câu trả lời là có”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định những hành động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam; vi phạm thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10-2011; trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và Tuyên bố cấp cao kỷ niệm mười năm DOC, làm tình hình biển Đông thêm phức tạp.

Đồng thời, ông Nghị cho biết ngày 3-12, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm kiên quyết phản đối những việc làm nói trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt ngay những việc làm sai trái đó và không để tái diễn những hành động tương tự.

Trung Quốc đe đọa Philippines

Hành động của Trung Quốc vẫn đang tiếp tục bị cộng đồng quốc tế lên án. Theo báo Straits Times, ngày 3-12 Singapore đã bày tỏ quan ngại về kế hoạch “kiểm tra, bắt giữ, trục xuất tàu nước ngoài” của Trung Quốc trên biển Đông. “Singapore rất lo ngại về diễn biến này - Bộ Ngoại giao Singapore tuyên bố - Chúng tôi hối thúc các bên tranh chấp chủ quyền trên biển Đông không hành xử khiêu khích. Điều quan trọng là các bên phải tôn trọng những nguyên tắc quốc tế đã được chấp nhận và kiềm chế những hành động có thể làm leo thang căng thẳng”.

Bộ Ngoại giao Philippines cũng lên tiếng kêu gọi Trung Quốc “lắng nghe tiếng nói của cộng đồng quốc tế”. “Chúng tôi trông đợi Trung Quốc là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Do đó, chúng tôi hi vọng Trung Quốc sẽ giải thích rõ vấn đề này không chỉ với Philippines mà với cả cộng đồng quốc tế” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez nhấn mạnh.

Trung Quốc đã bộc lộ rõ ý đồ độc chiếm toàn bộ biển Đông bằng vũ lực. Bằng chứng, như Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nêu rõ, là Bắc Kinh vừa tuyên bố trắng trợn với Manila rằng hải quân Trung Quốc sẽ duy trì sự hiện diện thường trực ở bãi cạn Scarborough, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. “Họ đã nói rõ cho chúng tôi ý đồ của họ, chúng tôi chẳng cần đoán già đoán non gì” - báo South China Morning Post dẫn lời ông del Rosario.

Ông del Rosario cho biết phía Trung Quốc còn đe dọa Philippines không được “quốc tế hóa” vấn đề biển Đông, không được đưa vấn đề ra Liên Hiệp Quốc, thậm chí không được bày tỏ chính kiến, quan điểm trên các tờ báo, hãng tin lớn của thế giới.

do048WYe.jpgPhóng to
Tàu hải giám 84 của Trung Quốc tuần tra trên biển Đông - Ảnh: CTV

Hải quân Ấn Độ sẽ hành động

Tất nhiên, cộng đồng quốc tế sẽ không để Trung Quốc muốn làm gì thì làm khi ngang nhiên xâm phạm tự do hàng hải. Báo India Times mới đây dẫn lời đô đốc hải quân Ấn Độ D. K. Joshi khẳng định hải quân Ấn Độ sẵn sàng triển khai tàu chiến tới biển Đông để bảo vệ các lợi ích kinh tế của Ấn Độ trước nguy cơ bị Trung Quốc xâm phạm.

Khi được hỏi hải quân Ấn Độ sẽ phản ứng như thế nào nếu Trung Quốc chặn tàu thuyền Ấn Độ, đô đốc Joshi nêu rõ: “Các quy luật chiến tranh luôn là như vậy, không thay đổi. Nếu quyền tự vệ của chúng ta bị xâm hại, chúng ta có nhiều lựa chọn (để phản ứng)”. Tất nhiên, hải quân Ấn Độ sẽ phải cần sự cho phép của chính phủ để hành động. “Tôi đảm bảo rằng khi cần thiết, chúng tôi sẽ được chính phủ cho phép” - đô đốc Joshi quả quyết.

Theo đô đốc Joshi, tranh chấp trên biển Đông cần phải được giải quyết theo khuôn khổ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Nhà phân tích Brahma Chellaney thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách Ấn Độ cho biết biển Đông là một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới. Một phần lớn thương mại Ấn Độ lưu thông qua vùng biển này. Do đó, tự do hàng hải trên biển Đông là vấn đề tối quan trọng đối với Ấn Độ.

Thèm khát tài nguyên

Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục công bố các kế hoạch thâm độc nhằm độc chiếm biển Đông. Tại Diễn đàn hợp tác phát triển khu vực tam giác Châu Giang mở rộng lần thứ VIII (PPRD) diễn ra từ ngày 28-11 đến 2-12 tại Trung tâm triển lãm quốc tế Hải Nam, chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng tốc đầu tư tại cái gọi là “thành phố Tam Sa” để biến khu vực này thành “đầu cầu của cường quốc hàng hải”.

Theo Tân Hoa xã, gần 10.000 thành viên của PPRD bao gồm lãnh đạo Trung Quốc cùng các chủ doanh nghiệp thuộc chín tỉnh thành và hai đặc khu Hong Kong và Macau đã đồng ý ký vào thỏa thuận hợp tác phát triển Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông). Theo đó, ngư nghiệp sẽ là ưu tiên phát triển số 1 của ngành kinh tế biển. Trung Quốc cũng sẽ thành lập các đội tàu đánh cá chung và các cơ sở cung cấp thủy sản để đẩy mạnh phát triển kinh tế ở “thành phố Tam Sa”.

Cục phó Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc Vương Hoành cho biết PPRD sẽ đóng vai trò quan trọng để Trung Quốc “bảo vệ, khai phá” biển Đông và bảo đảm những quyền lợi trên biển của nước này. Bộ Tài nguyên đất đai Trung Quốc tuyên bố trữ lượng dầu tại biển Đông vào khoảng 23-30 tỉ tấn, còn trữ lượng khí gas lên đến 1.600 tỉ m3 và tất cả “đang chờ Trung Quốc khai thác”.

Tàu Bình Minh 02 vẫn hoạt động bình thường

Chiều 4-12, một lãnh đạo của Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ khảo sát và công trình ngầm (thuộc Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí) cho biết hiện tàu Bình Minh 02 vẫn đang hoạt động bình thường. Từ sau khi xảy ra sự cố vào rạng sáng 30-11 đến nay, tàu đã thực hiện thu nổ địa chấn với chiều dài hàng trăm cây số. Hiện các thủy thủ của tàu Bình Minh 02 từ Vũng Tàu đang chuẩn bị ra Đà Nẵng để thay ca cho kíp thủy thủ trước.

Theo tài liệu Tuổi Trẻ có được, trước khi bị hai tàu cá mang số hiệu 16025 và 16028 của Trung Quốc cố tình cản trở và gây đứt cáp, đã có nhiều tàu cá Trung Quốc lởn vởn quanh tàu Bình Minh 02. Cụ thể, vào lúc 0g ngày 30-11, tại khu vực gần vị trí tàu Bình Minh 02 đang thu nổ địa chấn xuất hiện tàu cá giã cào loại lớn của Trung Quốc. Đến 4g05 thì cáp thu tín hiệu bị tàu cá Trung Quốc làm đứt ở cách đuôi tàu Bình Minh khoảng 25m. Điều này chứng tỏ tàu cá Trung Quốc chạy rất sát bên tàu Bình Minh 02.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, tàu Bình Minh 02 đã thả xuồng cứu hộ cao tốc xuống biển để thu lại cáp tín hiệu và phao đuôi đã bị đứt. Đến khoảng 9g30 cùng ngày, việc thu hồi phần cáp thu tín hiệu bị đứt và phao đuôi được hoàn tất. Ngay sau khi đưa phần bị đứt về, tàu Bình Minh 02 đã sửa chữa, cân chỉnh lại thiết bị. Đến rạng sáng 1-12, tàu Bình Minh 02 đã đến địa điểm mới và tiếp tục thu nổ địa chấn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo của Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định việc tàu cá Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam đánh cá và gây hại phương tiện hoạt động hợp pháp trên vùng biển Việt Nam đã vi phạm pháp luật Việt Nam.

Trong khi đó, một kỹ sư trong ngành dầu khí cho biết một tàu khảo sát địa chấn có hai dụng cụ: súng phát tín hiệu và dây thu tín hiệu. Khi súng bắn tín hiệu xuống đáy biển thì sẽ có phản hồi, lúc này cáp thu tín hiệu sẽ thu phần phản hồi. Dữ liệu thu được sẽ được phân tích để biết được dưới đáy biển có gì. Cáp thu tín hiệu của tàu thường dài hàng chục cây số.

H.GIANG - SƠN HÀ - ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp