12/01/2020 10:02 GMT+7

Trao ân tình đến người quét rác

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Không còn khuôn mặt mệt nhọc, đôi tay lấm lem bên chiếc chổi tre hay những chiếc áo cam với tấm lưng ướt đẫm mồ hôi, những công nhân quét rác nở nụ cười hạnh phúc bên nhau dùng bữa cơm tất niên đặc biệt tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ hôm 11-1.

Trao ân tình đến người quét rác - Ảnh 1.

Đầu bếp đoạt giải Hoa hồi vàng Cao Văn Luận nấu và mang những tô phở ngon mời mẹ con chị công nhân vệ sinh - Ảnh: DUYÊN PHAN

Một đứa trẻ 10 tuổi khi được hỏi điều ước đêm giao thừa, cậu bé nói một ước nguyện khiến mẹ em và những người nghe rưng rưng nước mắt: các cô chú đừng xả rác nữa, cho cha em bớt cực và "trả cha con về nhà sớm một chút" trong đêm giao thừa. Em là Nguyễn Anh Toàn (học sinh lớp 5) và cả cha và mẹ em đều là công nhân quét rác ở TP.HCM.

Đón giao thừa giữa đường

Từ 4h sáng, nữ công nhân Trần Hoàng Phương Thủy (35 tuổi) đã đánh thức Nguyễn Anh Toàn đi từ huyện Nhà Bè lên quận 1 quét rác. Đây cũng là một ngày đặc biệt đối với Toàn khi lần đầu tiên em được mẹ cho theo chân đi làm cái nghề mà em từng hỏi "tại sao cha mẹ không bỏ nghề?" khi bị bạn bè trêu chọc.

Lúc biết nhận thức, Toàn đã hỏi mẹ "tại sao cha đi làm lại mặc áo màu cam?". "Tại vì cha làm công nhân quét rác", chị Thủy đáp. Thấy con vẫn mù mờ về công việc của cha, chị Thủy chở con đến tận nơi xem cha quét rác. 

Có lần bị bạn bè trêu ghẹo, Toàn đã phản ứng khi nói "cha mình quét rác dơ nhưng kiếm những đồng tiền sạch", khiến cô giáo giật mình về nói lại với gia đình dù vẫn chưa hiểu ý của trẻ thơ. Giờ ngẫm lại, chị Thủy thấy lời con trẻ ngô nghê nhưng lại rất đúng với nghề mà hai vợ chồng đã chọn.

Điều khiến người mẹ này chạnh lòng là đã mấy cái tết rồi chồng chị phải trắng đêm quét rác ở những điểm có bắn pháo hoa. Hoàn cảnh gia đình như vậy nên khi được ban tổ chức hỏi điều ước của mình, con trai chị đã bộc bạch nên những suy nghĩ rất trẻ con nhưng cũng là nỗi lòng chung của những công nhân quét rác.

Hơn 20 cái giao thừa đã qua đều đón giao thừa ở ngoài đường, nữ công nhân Trần Thị Mỹ Hạnh (45 tuổi, ngụ Hóc Môn) đã không giấu được nước mắt khi xem lại những thước phim kể về nỗi cơ cực của nghề quét dọn vệ sinh đường phố. 

Lắm lúc chị cũng chạnh lòng trong thời khắc các gia đình quây quần bên nhau cúng giao thừa, còn mình lại lủi thủi ngoài đường bên chiếc chổi tre xào xạc. 

Nhưng "riết rồi cũng quen", chị Hạnh kể rằng phải gạt đi những hờn tủi đó để mà gắn bó với nghề. "Năm nào cũng hết rác mình mới được về, tới nhà là đã rạng sáng mùng 1 rồi", chị Hạnh nói.

Tấm lòng, lời cảm ơn, sự trân trọng

Hôm qua 11-1, như một sự tri ân đến những gia đình công nhân thầm lặng quét rác, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tập đoàn Sen Group và Công ty Môi trường đô thị TP.HCM tổ chức chương trình "Vui xuân cùng gia đình công nhân môi trường đô thị". 

Đây là năm thứ 2 báo Tuổi Trẻ cùng với Sen Group tổ chức chương trình tết cho công nhân làm những công việc bình dị. Năm ngoái, bữa cơm tất niên được gửi trao đến các công nhân "chui cống" của Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM.

Trong căn phòng ấm cúng chiều cuối năm, những công nhân quét rác vẫn mặc nguyên bộ đồng phục màu cam, nắm tay con cùng hoạt náo với những chú hề vui nhộn. 

Những nụ cười tươi rói vào chiều cuối năm dường như đã gạt phăng những mệt nhọc của nghề mà quanh năm phải gắn liền với rác và đường sá bụi bặm. 

Với nhiều công nhân, đây là cái tết đầu tiên họ được xã hội sẻ chia và tổ chức riêng một chương trình đón xuân bên ngoài công ty.

Ông Cao Văn Tuấn - trưởng phòng kiểm tra chất lượng và công nghệ môi trường (Công ty Môi trường đô thị TP.HCM) - cho biết rất xúc động với cách làm của Tuổi Trẻ khi nghĩ đến những người thầm lặng quét rác trong ngày tết. 

Xuất thân từ công nhân, ông Tuấn xúc động khi kể rằng người quét rác không những đối mặt với các hiểm nguy dọc đường sá đêm hôm, mà lắm lúc còn bị không ít người coi thường. 

Thông qua báo Tuổi Trẻ, ông Tuấn mong rằng người dân hãy có cái nhìn trân trọng hơn với những người quét rác, và ông Tuấn cũng kêu gọi người dân bớt xả rác, bắt đầu từ đêm giao thừa, để công nhân "đỡ cực một chút, được về nhà sớm một chút".

Ông Lê Quốc Thạch - giám đốc nhân sự Sen Group - kể rằng rất nhiều công nhân quét rác đã chịu cực, chịu khổ với đồng lương ít ỏi để nuôi con ăn học lên đến thạc sĩ, tiến sĩ nên doanh nghiệp này sẵn sàng đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ để giúp các gia đình bớt đi một phần gánh nặng và nhân thêm niềm vui trong ngày tết.

Kể rằng tiếp tục tổ chức bữa cơm tất niên này là giữ lời hứa với các công nhân như lần tổ chức năm ngoái, nhà báo Đỗ Văn Dũng - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - chia sẻ rằng những món quà đặc biệt của chương trình như những tô phở ngon, những hạt gạo ngon nhất dành tặng các công nhân chính là tấm lòng, lời cảm ơn và sự trân trọng của những người làm báo và xã hội đối với công việc của những người thầm lặng hằng ngày làm đẹp phố phường.

Món quà của những tấm lòng

Khi biết báo Tuổi Trẻ dự định tổ chức chương trình "Vui xuân cùng gia đình công nhân môi trường đô thị", rất nhiều tấm lòng đã sẵn sàng góp sức để mang đến cho gia đình các công nhân thêm những phần quà.

Bên cạnh 2 triệu đồng kèm quà tặng của ban tổ chức, 40 gia đình còn nhận được những phần quà rất đặc biệt từ sự sẻ chia của xã hội. Đầu bếp đoạt giải Hoa hồi vàng Cao Văn Luận (cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon 2019" do báo Tuổi Trẻ tổ chức) ngày 12-1 phải bay về Úc song vẫn có mặt để nấu 200 tô phở (bánh phở do tiệm phở Hai Thiền tặng), bưng tận tay đãi các công nhân và gia đình như một sự tri ân. Ngoài ra, anh Luận còn vận động thêm Hãng sữa Anchor gửi tặng 13 phần quà.

Tương tự, thương hiệu Võng xếp Duy Lợi đã gửi tặng 5 phần quà, siêu thị điện máy Tự Do gửi tặng 10 phần quà là những nồi cơm điện, Công ty NutiFood gửi tặng 20 thùng sữa cho các gia đình. Anh hùng lao động Hồ Quang Cua đã hỗ trợ báo Tuổi Trẻ gom những hạt gạo ST25 chính hiệu để các gia đình công nhân trong bữa cơm ngày tết được thưởng thức gạo ngon nhất thế giới do người Việt vun trồng.

600 phần quà xuân đến học trò nghèo Tây Nguyên

Chiều 11-1, 300 phần quà của báo Tuổi Trẻ đã kịp đến với học trò xã Nam Ka, huyện Lắk, Đắk Lắk. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình "Tết sẻ chia với học trò vùng bão lũ và hạn mặn năm 2020", do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn Đắk Lắk và Huyện đoàn Lắk tổ chức.

Tổng giá trị quà xuân cho trẻ em vùng sâu huyện Lắk là 210 triệu đồng, do bạn đọc báo Tuổi Trẻ tài trợ. Mỗi phần quà có giá trị 700.000 đồng, gồm kẹo bánh, hạt dưa, nước ngọt và 400.000 đồng tiền mặt.

Ngày 9-1, báo Tuổi Trẻ và Tỉnh đoàn Đắk Nông cũng đã trao 300 phần quà và tiền mặt cho các trẻ em nghèo tại xã vùng sâu Đắk Ha, huyện Đắk Glong, Đắk Nông.

TRUNG TÂN

40 gia đình công nhân vệ sinh được cao thủ nấu phở số 1 bưng phở tận bàn 40 gia đình công nhân vệ sinh được cao thủ nấu phở số 1 bưng phở tận bàn

TTO - Chiều 11-1, 40 gia đình công nhân vệ sinh đã có mặt ở một hội trường nhỏ dự buổi lễ tất niên đặc biệt mà với nhiều người cũng là lần đầu tiên trong đời: ăn phở của người nấu phở ngon nhất năm 2019 và nhận gạo ngon nhất thế giới ST25 về ăn tết.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Tết người quét rác
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp