21/10/2014 09:23 GMT+7

​Tránh xung đột trên biển Đông

LÊ KIÊN ghi
LÊ KIÊN ghi

TT - Vừa trở về từ chuyến thăm Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng PHÙNG QUANG THANH trả lời phỏng vấn nhanh báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội. Ông Thanh nói:

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh - Ảnh: V.Dũng
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh - Ảnh: V.Dũng

- Chúng tôi sang thăm và làm việc thì bạn đón tiếp rất nhiệt tình, trọng thị, chu đáo và rất hữu nghị. Mục đích của chuyến đi là hai bên bàn bạc với nhau để tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa quân đội của hai nước cũng như giữa đảng, nhà nước và nhân dân hai nước.

Hai bên thống nhất với nhau là tranh chấp phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình, còn quân đội phải kiểm soát được tình hình trên biển, hết sức tránh việc sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực, tránh không để xảy ra xung đột và va chạm vũ trang trên biển.

Hai bên thống nhất ký một bản ghi nhớ về kỹ thuật để thiết lập đường dây liên lạc thường xuyên trực tiếp giữa hai bộ trưởng quốc phòng để khi có tình huống, va chạm, vụ việc xảy ra trên biển thì hai bên có thể gọi nhau để trao đổi, kiểm soát cho được những diễn biến trên biển, tránh xung đột. Qua thảo luận cũng thống nhất phải kiểm soát tốt biên giới để xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển lâu dài, tạo điều kiện tối đa cho nhân dân hai nước đi lại, giao thương, làm ăn hợp pháp.

Trong cuộc làm việc, tôi cũng đề nghị phía Trung Quốc sớm dỡ bỏ cảnh báo về du lịch để nhân dân hai nước đi lại giao lưu bình thường. Hoạt động du lịch phát triển thì hoạt động hàng không cũng phát triển, như thế mới tăng cường hữu nghị và tăng cường sự tin cậy giữa hai bên.

* Thưa ông, trong các cuộc làm việc, hai bên có bàn về việc phía Trung Quốc đốc thúc nhiều hoạt động xây dựng trên khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng như chuyện giàn khoan đã xảy ra ít tháng trước không?

- Chúng tôi có trao đổi là bây giờ phải giữ nguyên hiện trạng trên biển Đông và phải thực hiện cho đầy đủ DOC. Tinh thần, quan điểm chung là không mở rộng tranh chấp, không cắm mới vào những nơi mà các bên chưa cắm. Khi trao đổi với bạn, nói chung bạn ghi nhận ý kiến của phía Việt Nam.

* Vậy Trung Quốc có đưa ra cam kết hay lời hứa nào về việc giữ nguyên hiện trạng không, thưa ông?

- Hứa thì bạn không hứa nhưng nói chung hai bên đều thống nhất phải thực hiện DOC - nghĩa là không mở rộng, làm phức tạp thêm tranh chấp. Còn hiện nay trên biển, nói thật là các bên đều có xây dựng. Đài Loan cũng xây dựng, Philippines cũng tiến hành xây dựng đường băng, Malaysia có xây dựng và Việt Nam cũng có hoạt động xây dựng. Đều là tôn tạo, nâng cấp, mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, cho các lực lượng đóng quân trên đảo để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, đảm bảo điều kiện sinh hoạt trên đảo.

* Nhiều chuyên gia nêu ý lo ngại hướng xây dựng của Trung Quốc là để hình hành một căn cứ quân sự tấn công. Điều đó đe dọa mối an ninh hàng hải trong khu vực. Cảnh báo đó có đáng suy nghĩ, lo ngại?

- Đó là các nhà nghiên cứu dự báo. Đương nhiên bên nào mà tiến hành xây dựng thì đó cũng là một căn cứ quân sự cả. Quan trọng là phải thống nhất với nhau giữ cho được môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, tránh dùng vũ lực.

* Theo ông, ghi nhận nào là quan trọng nhất trong các cuộc làm việc giữa hai bên?

- Quan trọng nhất là thỏa thuận hai bên phải hợp tác theo tinh thần hữu nghị của lãnh đạo hai đảng, nhà nước, giữ gìn môi trường ổn định, hòa bình và kiểm soát cho được hoạt động của lực lượng vũ trang hai nước trên biển, không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực và để xảy ra xung đột vũ trang ở trên biển.

* Đại  biểu Nguyễn Văn Rinh (thượng tướng, chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN):

Trung Quốc cơi nới đảo không vì mục đích kinh tế

Chúng ta đều biết Trung Quốc từng dùng vũ lực để cưỡng chiếm một số đảo, bãi đá chìm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bất chấp đạo lý và pháp luật quốc tế. Việc Trung Quốc tiến hành xây dựng trong thời gian qua là rất đáng quan tâm. Tôi chờ đợi Chính phủ báo cáo cụ thể xem Trung Quốc đã xây dựng những công trình gì, mục đích xây dựng những công trình đó, quy mô ra sao, sẽ ảnh hưởng gì đến hàng hải và hàng không quốc tế.

Theo tôi, việc Trung Quốc cơi nới các đảo, xây dựng các công trình ở Trường Sa vừa rồi không phải vì mục đích kinh tế, cũng không phải vì mục đích nhân đạo, mà họ phục vụ mục đích và ý đồ độc chiếm biển Đông.

* Đại biểu Dương Trung Quốc (tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam):

Lo ngại nhất là sự phân tâm

Vấn đề quan trọng nhất là phải làm thế nào để tụ tâm lại, tức là người dân Việt Nam tin vào Chính phủ trong ý thức và quyết tâm bảo vệ chủ quyền. Muốn vậy phải hình thành được các nguyên tắc lâu dài, như trong nhận thức thì phải hình thành một cách ứng xử thống nhất, tạo cái thế để chúng ta ứng xử như chúng ta phải bám sát luật pháp quốc tế, tranh thủ được sự ủng hộ của bạn bè trên thế giới.

Chúng ta cũng có trách nhiệm làm cho bạn bè hiểu rằng tôi bảo vệ chủ quyền của tôi trên biển Đông nhưng đấy không phải là lợi ích của riêng tôi, bởi sau tôi sẽ là những người khác. Điều tôi lo ngại nhất là sự phân tâm trong chúng ta.

LÊ KIÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp