29/03/2024 09:15 GMT+7

Tranh tường 3D triệu view của anh bộ đội

Tay cầm bàn xoa, tay còn lại thoăn thoắt dùng bay trát vữa lên tường. Theo từng nét vẽ được họa trước, những đóa mẫu đơn, vảy hạc dần hiện lên sống động trên tranh tường 3D.

Tạ Văn Tiếp tỉ mỉ tỉa từng chi tiết trong mỗi bức tranh đắp tường anh nhận làm - Ảnh: HÀ QUÂN

Tạ Văn Tiếp tỉ mỉ tỉa từng chi tiết trong mỗi bức tranh đắp tường anh nhận làm - Ảnh: HÀ QUÂN

Đó là những hình ảnh trên clip ngắn mà nhiều người vào TikTok những ngày gần đây xem thấy và chia sẻ nhiều. Hình ảnh anh bạn trong bộ quân phục bộ đội như múa trên những mảng tường và bức tranh độc đáo dần hiện ra, hút hồn người xem.

Anh chính là Tạ Văn Tiếp (30 tuổi, quê Bắc Giang). Tài khoản TikTok của anh có tên Tiếp Tục Tiến đến nay đã thu hút trên 41.000 lượt theo dõi, với khoảng gần 420.000 lượt like cho các clip chia sẻ cách đắp tranh tường 3D.

Mỗi công đoạn mình đều tỉ mỉ, cẩn thận như ngày trước tập gấp chăn màn, quét dọn, lau nhà trong quân đội vậy. Cả khi chủ nhà nhìn ưng nhưng mình thấy chưa hài hòa, hoàn hảo vẫn sẵn sàng đập bỏ làm lại.

TẠ VĂN TIẾP

Đam mê của anh bộ đội xuất ngũ

Trong một clip gần 2 triệu lượt xem, anh bộ đội xuất ngũ khá hài hước với màn xuất khẩu thành thơ: "Bức tranh cháu đã đắp xong, chẳng hay chú đã hài lòng hay chưa". Mà màn đối đáp của một bác lớn tuổi cũng hài không kém: "Có hỏi thì đây thưa, rằng con gái chú vẫn chưa lấy chồng" khiến nhiều người phì cười bảo "anh thanh niên đã chọn đúng bố vợ".

Tiếp kể anh em tranh thủ lúc nghỉ, thời gian rảnh quay clip rồi về cắt ghép, chỉnh sửa, chèn nhạc và đưa lên TikTok coi cho vui. Vậy mà lại được nhiều người ủng hộ nên chăm ra clip hơn.

"Có nhiều cô chú vào nhận làm con rể lắm, nhưng đến giờ mình vẫn chưa có bạn gái nào nhận làm chồng" - Tiếp vừa cười vừa tỉ mỉ hướng dẫn học viên cách pha vữa, lấy cốt tranh.

Xưởng dạy đắp tranh tường chừng vài trăm mét vuông, lọt thỏm trong con ngõ sâu lúc nào cũng vương vãi xi măng gần thị trấn Thắng (Hiệp Hòa, Bắc Giang). Trong màu áo lính quen thuộc, Tiếp kể hồi đầu chọn học nghề điện lạnh, nhưng làm chừng nửa tháng bỏ luôn, quyết định đi học vẽ và gắn bó với công việc đắp tranh tường từ đó.

Nói thì dễ chứ học mới gian nan. Hồi mới lên Hà Nội, Tiếp xin chân làm phụ để học việc. Khi đã nắm kỹ thuật, làm được sản phẩm nào bán xong lại để dành tiền mua học cụ. Cứ thấy ai đi làm lại tỉ tê xin đi cùng, không nề hà gì.

"Lần đầu tiên hoàn thành bức tranh đồng quê, mình được mọi người trong lớp và thầy đánh giá cao. Mình cảm nhận bản thân chọn đúng nghề, đúng đam mê" - Tiếp cười.

Có nghề, anh chàng quê Bắc Giang này bôn ba khắp nơi nhận việc, khi ở Hưng Yên, lúc qua Quảng Ninh, Nam Định, bất kể nắng mưa. Xuất thân bộ đội, Tiếp tự nhủ "quân ngũ rèn cho mình ý chí nắng mưa, gian khổ là điều bình thường" và coi thử thách lúc mới vào nghề như nhiệm vụ huấn luyện, đã làm là phải hoàn thành.

Dẫu vậy, cũng có khi khó quá, Tiếp muốn từ bỏ. Nhưng nhớ lời đại đội trưởng Lữ đoàn phòng hóa 86 từng nhắn "các đồng chí sau này ra quân cố gắng kiếm cho mình một nghề để gắn bó, phát triển dù có vất vả, khó khăn thế nào" để lại nỗ lực.

Chia sẻ nghề, tạo việc làm

Tranh thủ chưa làm dự án, Tiếp nhận 20 học viên, trong đó có người học vẽ lâu năm, có những bạn nông dân chưa từng cầm bay, bàn xoa, máy khoan bao giờ. Tiết trời miền Bắc những ngày mưa phùn, nồm ẩm, đất ướt cứ đi tới đâu dính giày đến đó, nhưng ai nấy cũng hồ hởi, vừa làm vừa chỉ nhau từng nét cánh hoa, từng đường gân trên lá.

Những bức tường vô tri qua bàn tay học viên lớp học của anh bộ đội như được thổi hồn sống động. Những chú công ít phút trước còn là nét vẽ mực đen bỗng chốc đã nổi khối như chực tung cánh.

Thầy giáo Tiếp cho hay, đắp tranh tường đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, cộng chút năng khiếu mỹ thuật, mắt thẩm mỹ để tạo hình chi tiết sống động nhất.

"Để đắp được các bức tranh đẹp, ai cũng phải học cơ bản, từ cách đảo vữa tới cắt khối, tỉa hoa, tỉa cành" - Tiếp vừa nói vừa hướng dẫn học viên cách dùng hai ngón tay đặt bay nghiêng 60 độ, cắt sợi vữa dứt khoát, nhọn hai đầu để tạo khối.

Bức tranh hoàn thiện và đẹp, theo Tiếp, phải có chiều sâu, bố cục hài hòa, chi tiết sắc nét, màu sắc tươi sáng và thể hiện được hồn của chủ đề.

Hỏi thăm thu nhập, anh tự hào khoe nhiều khách trả tới 8 triệu đồng/m2, trong khi tranh đắp bình thường anh chỉ lấy khoảng 3 - 5 triệu đồng/m2, có khi còn thấp hơn nếu khách ở gần. Mỗi tháng, anh và các thợ phụ có thể làm được chừng 30m2 nên thu nhập khá ổn.

Anh bảo rất thích mọi người gọi mình bằng cái tên Tiếp Tục Tiến. Anh vẫn đang học thêm kỹ thuật mới và sẽ mở rộng dạy nghề cho bạn nào có đam mê với nghề đắp tranh tường.

"Khi có vốn nhất định, mình sẽ nhận thêm những người anh em, có thể là bộ đội xuất ngũ chung đam mê nhưng hoàn cảnh khó khăn và dạy nghề miễn phí" - Tiếp nói về dự định sắp tới.

Truyền cảm hứng rèn luyện ý chí

Thượng tá Triệu Văn Thắng - chính trị viên Ban chỉ huy quân sự huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) - kể ông chính là người chia sẻ trang TikTok Tiếp Tục Tiến của Tạ Văn Tiếp để lan tỏa tinh thần người lính. Để thấy rằng dù kết thúc nghĩa vụ quân sự nhưng mỗi người lính vẫn giữ ý chí, nghị lực vượt khó khăn, lao động tốt và truyền năng lượng tích cực cho người xung quanh.

Theo ông Thắng, môi trường quân đội giúp Tiếp có tinh thần lao động lại tích cực dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho các bạn trẻ khác. "Tôi hy vọng có thêm nhiều bạn trẻ tiếp tục cống hiến, học tập, thực hiện nghĩa vụ quân sự để xây dựng bản lĩnh, ý chí và khi trở về địa phương sẽ phát huy tinh thần chiến sĩ, trở thành công dân tốt, đóng góp cho xã hội" - thượng tá Thắng bày tỏ.

Được khen thưởng, nữ điều dưỡng cứu du khách nói: ‘Tôi chỉ nghĩ đến ép tim và ép tim’Được khen thưởng, nữ điều dưỡng cứu du khách nói: ‘Tôi chỉ nghĩ đến ép tim và ép tim’

Tối 28-3, Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết đã có quyết định khen thưởng hành động cấp cứu du khách của nữ điều dưỡng Đặng Thị Hạ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp