Phóng to |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nghe ý kiến của các cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài và trong nước. Đây là VBF lần đầu có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ - Ảnh: H.Giang |
Đó là ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) khai mạc sáng 5-6 tại Hà Nội.
Theo ông Lộc, Việt Nam nên đặc biệt chú trọng đàm phán các cơ chế tiếp cận thị trường cho nông sản, nhằm đa dạng hóa thị trường đối với sản phẩm nhạy cảm và hiện đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.
Ông cũng đề xuất cần có phương án đàm phán tích cực và mạnh dạn hơn trong mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa như máy móc, thiết bị, công nghệ, nguyên vật liệu, phương tiện và các sản phẩm khác mà Việt Nam đã bảo hộ lâu nay nhưng không đạt hiệu quả, hoặc hiện đang phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ các nước không tham gia đàm phán.
Ông Lộc cho biết việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, nếu không được ngăn chặn sẽ ảnh hưởng lớn tới quan hệ kinh tế thương mại Việt – Trung trên tất cả các phương diện: tín dụng, đầu tư, thương mại… mà Trung Quốc đang là một đối tác quan trọng bậc nhất của nền kinh tế Việt Nam.
“Điều này đặt ra yêu cầu Việt Nam phải có phương án đối phó, vừa phải duy trì ổn định quan hệ kinh tế - thương mại với Trung Quốc, vừa tránh lệ thuộc vào thị trường này thông qua việc đa dạng hóa thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam” - ông Lộc nói.
Tuy nhiên, bà Virginia Foote - đồng chủ tịch VBF, lưu ý bản thân các FTA không phải là phép mầu đối với cả công ty Việt Nam lẫn nước ngoài: “Nếu chúng ta làm việc không tốt thì cơ hội sẽ chuyển đi nơi khác”.
Phóng to |
Đại diện của tất cả các cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan đại diện ngoại giao đều có mặt tại VBF - Ảnh: H.Giang |
Về việc khắc phục các hậu quả do những cuộc gây rối gần đây ở Bình Dương, Hà Tĩnh, Đồng Nai gây ra, ông Simon Andrews, giám đốc khu vực của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới) nhận định Chính phủ đã hành động đúng đắn khi cam kết với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài rằng họ được chào đón và đầu tư của họ được bảo đảm an toàn. Thay mặt các doanh nghiệp có mặt, ông Andrews đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh các doanh nghiệp chịu tổn thất.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết về phần mình, Chính phủ rất cảm kích vì nhiều doanh nghiệp dù chịu tổn thất vẫn chia sẻ, cảm thông, cam kết tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Thay mặt cho VBF, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất một số biện pháp để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp này: “Chúng tôi đề nghị các địa phương thiết lập ngay cơ chế một cửa: một ban chỉ đạo thống nhất và một cơ quan đầu mối có khả năng giải thích, hướng dẫn và giải quyết tất cả các vấn đề trợ giúp các doanh nghiệp bị hại, đặc biệt quan tâm tới việc bảo đảm tiền lương và công ăn việc làm cho người lao động”.
Ông Lộc cũng đề xuất các địa phương cần ban hành ngay văn bản cụ thể hóa việc triển khai các biện pháp trợ giúp trong đó nêu rõ những vấn đề cần giải quyết, địa chỉ giải quyết, người chịu trách nhiệm và thời gian biểu giải quyết. Đồng thời văn bản này cần công bố bằng cả ba thứ tiếng, tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung, tới các nhà đầu tư, tránh tình trạng diễn dịch và hiểu khác nhau gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận