13/04/2024 11:56 GMT+7

Tranh luận về vàng: Để lên xuống như chứng khoán hay cần bình ổn?

Việc có nên "hạ nhiệt" giá vàng hay mặc nó "nổi sóng" là những quan điểm khác nhau trong bối cảnh giá vàng tăng chóng mặt thời gian qua.

Giá vàng tăng cao, nhiều người mang bán chốt lời - Ảnh: B.K.

Giá vàng tăng cao, nhiều người mang bán chốt lời - Ảnh: B.K.

Cần bình ổn giá vàng

Một chuyên gia về tài chính cho rằng ở Việt Nam, vàng vừa là một kênh đầu tư an toàn, bảo toàn tài sản của số đông, lại cũng là một kênh lướt sóng kiếm lời của một bộ phận nhỏ hơn.

Biến động giá phản ánh quan hệ đầu tư/đầu cơ. Do vậy nếu như giá chứng khoán không cần bình ổn, vì sao cần đặt ra vấn đề bình ổn giá vàng. Bởi người dân là nhà đầu tư, họ tự quyết định nên làm gì.

Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Nhật Minh - chuyên gia phân tích Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng) - cho rằng cần bình ổn và quản lý chặt chẽ thị trường vàng.

Thứ nhất, thị trường vàng ổn định là một yếu tố quan trọng để duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính và kinh tế nói chung.

"Khi giá vàng dao động mạnh hoặc không ổn định, nó có thể gây ra rủi ro và không đoán trước được cho các nhà đầu tư, nhà sản xuất và các doanh nghiệp khác", ông Minh nói. Giá vàng tăng quá sốc có thể dẫn đến sự mất cân đối trong hệ thống tài chính và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, theo ông Minh, vàng thường được coi là một tài sản giữ giá trị trong thời gian dài. Khi thị trường vàng ổn định, nó có thể đóng vai trò như một cơ chế bảo vệ giá trị đồng tiền của một quốc gia.

"Khi xảy ra sự biến động lớn trong tiền tệ hoặc các yếu tố kinh tế, nhà đầu tư có thể tìm đến vàng như một tài sản an toàn để bảo vệ giá trị của tài sản của họ. Việc bình ổn thị trường vàng giúp bảo vệ tiền tệ", ông Minh phân tích.

Có thể ảnh hưởng đến tỉ giá, ổn định vĩ mô

Cũng theo ông Minh, việc bình ổn thị trường vàng giúp thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Từ đó hạn chế được tình trạng đầu cơ, đẩy giá hay nhập lậu vàng nhằm kiếm lợi bất chính, gây ra rủi ro tiềm ẩn cho thị trường vàng trong nước nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Chuyên gia phân tích Maybank IBG cũng chỉ ra chênh lệch giữa giá vàng toàn cầu và trong nước ngày càng gia tăng là yếu tố giải thích cho áp lực lên tỉ giá USD/VND trên thị trường chợ đen.

"Chênh lệch giá vàng ngày càng gia tăng khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu vàng, thậm chí thông qua việc buôn lậu kiếm lợi nhuận chênh lệch ngắn hạn, làm tăng nhu cầu USD và do đó đẩy giá USD lên cao", chuyên gia giải thích.

Đội ngũ phân tích Maybank IBG cũng cho rằng để giảm bớt một phần áp lực cho VND, Ngân hàng Nhà nước đang tìm kiếm các giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giá vàng hiện tại bằng cách cải thiện nguồn cung trong nước thông qua các kênh chính thức.

Hôm qua, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tăng nguồn cung để rút ngắn chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới. Một số chuyên gia nhận định đây là giải pháp có hiệu quả nhanh, đúng mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

Vậy giá vàng tăng có ảnh hưởng đến giá các hàng hóa khác?

Trả lời, chuyên gia Nguyễn Nhật Minh cho rằng giá vàng tăng mạnh trong thời gian qua và kể cả trong giai đoạn cuối năm 2023 không ảnh hưởng quá nhiều đến lạm phát hay giá của các hàng hóa khác.

Giá vàng trong nước tăng mạnh theo giá thế giới, kết hợp với nguồn cung trong nước hạn chế và lãi suất tiết kiệm giảm sâu nên người dân lựa chọn vàng trở thành một kênh đầu tư, chứ không phải giá vàng tăng do lạm phát.

Bằng chứng cho thấy các chỉ tiêu về lạm phát tại Việt Nam vẫn được duy trì tốt trong những năm gần đây, theo ông Minh.

Cụ thể, năm 2023, lạm phát bình quân của Việt Nam tăng 3,25%, đạt mục tiêu do Quốc hội đề ra là kiểm soát lạm phát ở mức 4,5%, mặc dù giá vàng năm 2023 tăng hơn 10% và tăng rất mạnh tháng cuối năm.

Ông Minh cho biết đây là năm thứ 12 liên tiếp Việt Nam duy trì được mức lạm phát một con số kể từ sau khi lạm phát tăng cao năm 2011.

Bước sang năm 2024, kết thúc tháng 3 năm 2024, giá vàng trong nước tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng chỉ số giá tiêu dùng quý 1 năm 2024 chỉ tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2023. So với tháng 2-2024, giá vàng tăng 2,3% trong khi CPI tháng 3-2024 giảm 0,23%.

Do vậy, dựa trên số liệu được công bố, vị chuyên gia cho rằng việc giá vàng tăng mạnh trong thời gian qua không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát.

Thủ tướng: Xử lý ngay và luôn tình trạng chênh lệch giá vàng quá caoThủ tướng: Xử lý ngay và luôn tình trạng chênh lệch giá vàng quá cao

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp