Đối với giải pháp 1 và 5 tôi đã từng điều trị trong một thời gian dài, nhưng khi ngưng lại tái phát nặng hơn. Theo tôi, đó chỉ là giải pháp tốn tiền, gây đau đớn cơ thể, tốn thời gian và làm bệnh ngày càng trầm trọng.
Tôi nghĩ không lẽ khoa học lại bó tay với căn bệnh của tôi và bạn đọc trên sao? Đúng là vô lý quá vì bản thân tôi khi nói lên những lời này cũng rất đau khổ và đồng cảm với bạn đọc trên. Hiện tôi đang điều trị bằng thuốc bắc. Nếu cảm thấy không đồng ý với ý kiến đóng góp của tôi thì xin BS tranh luận lại
(Bạn đọc)
- Trả lời của phòng mạch online:
Cám ơn anh đã phản biện.
Đầu tiên chúng ta cần đả thông một điều rằng không có một phương pháp điều trị sẹo lồi nào cho kết quả triệt để cho đến nay. Từ đó chúng ta sẽ có thái độ đúng đắn hơn trong điều trị sẹo lồi là cần phải kiên nhẫn, hợp tác và theo dõi tại cơ sở chuyên khoa da liễu.
Việc quyết định điều trị sẹo theo phương pháp nào và hiệu quả của điều trị ra sao là tùy thuộc tính chất vết sẹo, cơ địa bệnh nhân, kinh nghiệm của bác sĩ và cách chăm sóc vết sẹo của bản thân.
Chúng ta không nên kỳ vọng rằng chỉ với động tác đến cơ sở để điều trị sẹo lồi theo một phương pháp nào đó là vết sẹo của chúng ta sẽ được “biến hóa” trở lại giống như vùng da lành xung quanh. Việc điều trị sẹo lồi dù bằng bất kỳ phương pháp nào đi nữa chỉ có thể giúp vùng da sẹo phẳng dần và bằng với bề mặt da lành sau một thời gian dài. Tuy nhiên ở một số cá nhân có cơ địa sẹo lồi hoặc chăm sóc da sau điều trị không đúng cách thì có thể vết sẹo sẽ lồi dần trở lại.
Cụ thể đối với trường hợp sẹo lồi hai bên hàm do mụn, việc điều trị sẽ liên quan đến những vấn đề sau đây:
- Phương pháp áp hoặc phun nitơ lỏng đối với trường hợp sẹo lan tỏa hoặc tiêm thuốc trong sẹo đối với trường hợp sẹo gom gọn hoặc phối hợp cả hai là những phương pháp chuẩn và thường được lựa chọn.
- Việc điều trị đòi hỏi một thời gian dài. Với phương pháp áp nitơ thì cần khoảng 30 tuần. Với phương pháp tiêm thuốc có thể đòi hỏi 2 – 4 tháng, bởi nếu tiêm quá mạnh tay để hòng giải quyết vết sẹo nhanh thì có thể gây teo nứt da vùng xung quanh do tác dụng phụ của thuốc. Tổn thương teo nứt da này có thể kéo dài 6 – 12 tháng và điều này không thể chấp nhận trên vùng da mặt. Do đó việc tiêm thuốc phải thận trọng, đúng cách và từ từ sau nhiều đợt cách nhau mỗi 1 – 2 tháng.
- Đối với các bạn bị sẹo sau mụn tức là hoặc bị mụn nặng mà đã không được điều trị đúng ngay từ đầu, hoặc có yếu tố gia đình về da bị tăng tiết bã và tạo cồi hay nang bã tại các lỗ nang lông rất nhiều cần chú ý: “Không được điều trị đúng” có thể là do đã không được điều trị đúng chuyên khoa sau một thời gian dài, hoặc đã thực hiện một số thao tác không đúng trong quá trình bị mụn như nặn, rạch, cào gãi mụn… Như vậy chúng ta cần đặt lại vấn đề là hiện tại làn da của mình đã hết mụn viêm chưa, đã khống chế được tình trạng tăng tiết bã nhờn chưa bởi vì đây là các yếu tố kích thích tạo sẹo lồi trở lại.
- Không nên có những động tác như chà xát mạnh vùng da sẹo khi rửa mặt, massage hoặc sờ nắn, hoặc bôi những thuốc không cần thiết trên vùng da sẹo, kể cả trước hoặc trong thời gian đang điều trị sẹo, vì các động tác này đều gây ảnh hưởng xấu cho vùng da sẹo và có thể kích thích làm mô sợi bên dưới tăng sinh mạnh hơn.
Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn cho những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe xin gửi về địa chỉ email: [email protected] Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Xin chân thành cảm ơn. B.CHÂU thực hiện |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận