20/02/2020 17:29 GMT+7

Tranh luận quanh kiến nghị của TP.HCM cho học sinh nghỉ học hết tháng 3

N.T
N.T

TTO - Kiến nghị của TP.HCM về việc cho học sinh nghỉ học hết tháng 3 để phòng dịch COVID-19 thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc Tuổi Trẻ Online. Nhiều bạn đọc bày tỏ không đồng tình, nhưng số ý kiến ủng hộ chiếm tỉ lệ áp đảo.

Tranh luận quanh kiến nghị của TP.HCM cho học sinh nghỉ học hết tháng 3 - Ảnh 1.

Ý kiến bình chọn của bạn đọc Tuổi Trẻ Online về kiến nghị của UBND TP.HCM

Khảo sát trên Tuổi Trẻ Online từ 10h15 đến 17h ngày 20-2, có hơn 18.000 bạn đọc cho ý kiến về kiến nghị của TP.HCM. Trong đó, có 4.734 ý kiến không đồng tình với kiến nghị cho học sinh cả nước nghỉ học đến hết tháng 3. Trong khi đó, số bạn đọc đồng tình với kiến nghị của TP lên tới 13.059 người, cao gấp gần 3 lần.

Sao phải nghỉ dài như thế?

Đây là thắc mắc của những bạn đọc không đồng tình với kiến nghị của UBND TP.HCM.

Một số bạn đọc cho rằng theo thông tin trên báo chí, cơ quan chức năng đã khẳng định kiểm soát được tình hình, những ngày gần đây không còn tình trạng virus corona lây lan trong cộng đồng nên việc kéo dài thời gian nghỉ của học sinh là không cần thiết.

Bạn đọc Mạnh Cường bình luận trên Tuổi Trẻ Online: "Không đồng tình. Giữa hai học kỳ mà nghỉ 3 tháng học sinh sẽ quên hết kiến thức học kỳ 1. Sau này ép các em học bù học dồn thì các em còn nhỏ, trí não các em không đủ khả năng hấp thu hết lượng kiến thức quá lớn dẫn đến quá tải, ức chế tâm lý, gây tiêu cực đến tâm thần các em. TP.HCM dám chọn giải pháp cho học sinh đến trường ngay ngày 1-3-2020 thì mới đáng khen, còn chọn giải pháp đóng cửa trường học đến đầu tháng 4 thì ai làm chả được. Hãy hỏi chính các em học sinh là các em muốn đi học hay muốn ở nhà?".

Tương tự, một bạn đọc tên Thu dứt khoát: "Tôi không đồng tình. Dịch bệnh đã được kiểm soát thì nên cho học sinh học trở lại. Không nên quá cầu toàn như vậy".

Ngoài lý do lo con em mình nghỉ học quá dài sẽ quên bài, phần lớn những người không đồng tình cho rằng việc con em không đến trường khiến cha mẹ phải ở nhà trông nom, ảnh hưởng tới công việc. "Tôi không đồng tình, không cần nghỉ nhiều quá. Vợ chồng cứ thay nhau ở nhà trông con sắp bị thất nghiệp hết rồi..." - bạn đọc Đức Cường bình luận.

Bạn đọc Ngọc Lan nêu trường hợp của mình: "Tôi cũng muốn con mình an toàn nhưng tôi có 2 đứa con nhỏ đang học tiểu học, 2 vợ chồng phải đi làm, giờ nghỉ dài như thế này không có người trông nom biết làm sao đây? Trong khi đó theo dõi qua báo đài thì TP kiểm soát rất tốt, cũng không phải là vùng dịch nên lãnh đạo TP cần phải xem xét kỹ tình hình".

Nghỉ hè thì ai trông con?

Tuy nhiên, những lý do đó không thuyết phục được những bạn đọc ở "phe" ủng hộ kiến nghị của UBND TP.HCM. Bạn đọc tên Ly Hương cho biết mình có 2 con đang tuổi đi học, đành rằng nếu phải nghỉ 2 tháng ở nhà thì phải lo cơm áo gạo tiền đủ thứ, nhưng sẽ ra sao nếu chẳng may con đi học rồi bị nhiễm bệnh.

Tranh luận quanh kiến nghị của TP.HCM cho học sinh nghỉ học hết tháng 3 - Ảnh 2.

Tự học dựa vào Internet, con sẽ có cơ hội được học từ nhiều thầy cô khác nhau - Ảnh: H.NG.

Ghi rõ là "gửi những phụ huynh không đồng tình", bạn đọc Quỳnh Phương bình luận: "Đi làm thì đi cả đời, học thì cũng học cả đời, tiền nhiều tiền ít cho đến lúc này không quan trọng bằng tính mạng. Ví dụ con bạn mắc phải bệnh nguy hiểm này phải bị cách ly cả gia đình thì lúc đó chắc công việc kiếm tiền, với tính mạng những người trong gia đình, lúc đó bạn thấy cái nào quan trọng hơn?".

Nhiều bạn đọc cho rằng tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt là nhờ thời gian qua đã thực hiện tốt các biện pháp ngăn chặn nguồn lây nhiễm, trong đó có cả việc ngưng cho học sinh đến trường. Trong bối cảnh dịch bệnh ở Trung Quốc chưa được dập tắt, nguồn lây nhiễm vẫn còn phức tạp, việc lùi thời gian học là cần thiết.

Một bạn đọc bình luận: "Thầy cô giáo cũng có gia đình, con nhỏ. Nếu dịch bệnh chưa kiểm soát được, chẳng may có em học sinh nào ủ bệnh, ai đền con cho họ? Rồi một lớp sẽ lan ra bao nhiêu gia đình? Bao gia đình sẽ là bao nhiêu cơ quan? Lùi thời gian kết thúc năm học là quá hợp lý. Đừng vì mình không sắp xếp việc con cái rồi đòi đi học khi chưa chắc chắn dịch bệnh đã hết".

Thậm chí có bạn đọc cho rằng lý do con nghỉ học không có người trông là không hợp lý. "Không phải tự nhiên mà TP.HCM cho nghỉ dài hạn như vậy. Nghỉ để phòng tránh dịch bệnh. Nhiều phụ huynh cứ lên tiếng oán trách cho con nghỉ nhiều, ở nhà không ai trông nên phải nghỉ làm. Hóa ra nhiều người nghĩ giáo viên họ là người trông trẻ à? Vậy thời gian hè, học sinh nghỉ thì ai trông?" - bạn đọc Lucas viết.

Những bạn đọc đồng tình với kiến nghị của TP.HCM vì "nếu như tình hình dịch phức tạp, lây nhanh trong lúc cho đi học trở lại làm tăng số ca mắc trong trường học thì khi đó nghỉ còn dài hơn chứ đừng nói là một tháng 3. Đợi hết tháng 3 cho dịch được kiểm soát và lắng xuống là tốt nhất. Hi sinh nghỉ tháng 3, để đảm bảo an toàn cho hàng tháng sau!".

"Mặc dù hơi vất vả trông con và sẽ thiệt hại cho các trường nhiều lắm, nhưng tất cả hãy cố gắng vì lợi ích an toàn chung của chúng ta. Đừng chủ quan quá, cẩn thận một xíu không bao giờ thừa cả. Dịch bệnh chỉ mới kiểm soát được thôi chứ chưa chặn đứng hết hoàn toàn. Các thầy cô giáo, các trường và phụ huynh hãy chung tay cố gắng thêm, rồi tất cả sẽ ổn lại. Hãy chung tay vì sức khỏe chính chúng ta trước và sau đó là vì cộng đồng!" - bạn đọc Thu Nhan kêu gọi.

Ủng hộ đề xuất của TP.HCM

Là một giáo viên, tôi đồng ý với đề xuất của UBND TP.HCM, bởi đến thời điểm này diễn biến dịch COVID-19 vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn.

Theo tôi, Bộ GD-ĐT nên đề xuất Chính phủ đồng ý phương án của TP.HCM là năm học 2019-2020 của cả nước kéo dài đến hết tháng 7. Vì nếu giao việc quyết định thời gian nghỉ học cho UBND từng tỉnh, thành phố sẽ xảy ra mỗi tỉnh thành có khung thời gian năm học khác nhau. Nếu có tỉnh cho bắt đầu học lại từ đầu tháng 3 trong khi TP.HCM kéo dài đến đầu tháng 4 thì cũng phải chờ TP.HCM kết thúc năm học rồi mới tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Đồng thời, theo tôi, năm học 2020-2021 nên bắt đầu từ đầu tháng 9 như trước đây. Khi đó cả nước khai giảng xong rồi mới bắt đầu học như ý nghĩa của từ "khai giảng".

Bên cạnh đó, bộ và các sở GD-ĐT nên nghiên cứu các hình thức dạy học trực tuyến như một số tỉnh thành đang áp dụng trong thời gian nghỉ vừa qua. Theo đó những môn có nhiều tiết như ngữ văn, toán, tiếng Anh… có nhiều tiết nên giảm dạy trên lớp 1-2 tiết, còn lại sẽ phát trên kênh truyền hình hay mạng xã hội. Các tiết thực hành của các môn lý, hóa, sinh... cũng có thể áp dụng hình thức này.

Việc thực hiện học trực tuyến sẽ giúp học sinh sẽ chủ động trong việc nghiên cứu môn học, tiết học… đó cũng là đổi mới phương pháp. Học sinh bây giờ rất năng động, chỉ cần giáo viên biết khơi gợi, các em sẽ làm rất tốt.

Thay vào đó, thời gian của những tiết dạy trực tuyến là các hoạt động như ngày đọc sách, ngày trồng cây, dạy kỹ năng… Ngành giáo dục đang chuẩn bị thay đổi sách giáo khoa với định hướng khả năng tự học, tự nghiên cứu thì việc biến cái khó lúc này thành điều kiện để thay đổi cái cũ là điều nên làm.

NGUYỄN DUY KHÁNH (GV Trường THPT An Thới, Phú Quốc, Kiên Giang)

TP.HCM chính thức kiến nghị cho học sinh nghỉ hết tháng 3 TP.HCM chính thức kiến nghị cho học sinh nghỉ hết tháng 3

TTO - Ngày 20-2, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký văn bản kiến nghị kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên đến hết tháng 3 và điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020.

N.T
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp