21/05/2021 05:12 GMT+7

Tranh luận 'khán giả nuôi nghệ sĩ': Đừng hiểu chữ 'nuôi' một cách nhọc nhằn, nặng nề

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Nói tiếp về những tranh cãi chuyện 'khán giả nuôi nghệ sĩ' gây ồn ào thời gian qua, ông Huỳnh Anh Tuấn - giám đốc sân khấu Idecaf, người có 38 năm ở vị trí nhà sản xuất - thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ.

Tranh luận khán giả nuôi nghệ sĩ: Đừng hiểu chữ nuôi một cách nhọc nhằn, nặng nề - Ảnh 1.

Tiên Nga - vở nhạc kịch của sân khấu Idecaf được công chúng và người làm nghề đánh giá cao - Ảnh: DUYÊN PHAN

* Ông nghĩ như thế nào về chữ "nuôi" gây tranh cãi thời gian qua?

- Thật ra tôi nghĩ chữ "nuôi" không có gì là xấu cả, chẳng qua là do cách nhìn, ứng xử của mình về chữ "nuôi" đó thôi. Mối quan hệ người bán - người mua là quan hệ tồn tại hàng ngàn năm nay trong xã hội loài người. Và từ "nuôi" hiểu nôm na là bên A (bên nuôi) cung cấp phương tiện vật chất/tinh thần cho bên B (được nuôi) hoạt động.

"Bên nuôi" có nhu cầu và tự nguyện "nuôi". "Bên được nuôi" cũng ứng xử cực kỳ tinh tế và văn hóa với "người nuôi" bằng nhiều hình thức.

Chuyện "người được nuôi" mang ơn, tri ân "người nuôi" cực kỳ bình thường và là đạo lý đúng đắn ở đời, đặc biệt là với người Á Đông. Không dưng mà người ta có câu nói "Khách hàng là thượng đế".

Ở rất nhiều nước và ở một số nơi ở ta, khi khách hàng/khán giả bước ra khỏi cửa hàng hay nhà hát đều có lãnh đạo hay nhân viên đứng cúi đầu tiễn khách rất trân trọng. Rồi những đợt tri ân khách hàng/khán giả. Đó chẳng phải là sự quý trọng, biết ơn từng sản phẩm, từng tấm vé mà công chúng bỏ tiền ra để mua hay sao?

Chữ "nuôi" gây tranh cãi là do chúng ta hiểu về nó một cách nhọc nhằn, nặng nề và hơi ích kỷ. Với tôi, tôi trân trọng chữ "nuôi". Nhờ "nuôi" và "được nuôi" mà chúng ta tồn tại, là động lực cho sự phát triển.

* Với vị trí là một nhà sản xuất, người làm bầu sân khấu trong 38 năm như ông, vai trò khán giả quan trọng như thế nào trong hoạt động nghệ thuật?

- Có một số nghệ sĩ nghĩ rằng tôi làm cho chương trình/sân khấu đó là ông bầu trả tiền cho tôi chứ đâu phải khán giả. Điều đó là sai. Có lẽ họ không phải như tôi, chứng kiến từng khán giả xếp hàng để mua vé. Từ tiền vé của khán giả, bầu mới có tiền trả cho nghệ sĩ.

Cũng có một số bạn bây giờ cho rằng tôi đâu có lấy tiền khán giả, tôi lấy tiền từ các chương trình trên mạng, game show. Cũng sai luôn. Không có lượt xem của khán giả lấy gì những người quản lý nền tảng đó có tiền trả cho bạn. Trong hoạt động nghệ thuật, mối quan hệ khán giả - nghệ sĩ cực kỳ quan trọng.

Ai dám nói tôi không cần khán giả, xin mời bước vào "câu lạc bộ không cần khán giả" đi, sẽ biết đá biết vàng liền! Một trong những lý do mà sân khấu chúng tôi hoạt động được đến hôm nay là luôn tôn trọng khán giả.

Tìm kiếm những gì hay, đáp ứng nhu cầu khán giả để phục vụ. Khi có những thắc mắc, phàn nàn từ khán giả, chúng tôi luôn ưu tiên giải quyết nhanh theo hướng thuận lợi nhất cho khách hàng của mình.

Nghệ sĩ đừng ảo tưởng vị trí của mình trong lòng khán giả. Có những nghệ sĩ có tay nghề hoặc không có tay nghề, chỉ cần buông lỏng, với những hành vi, lời nói sai trái thì sớm muộn sẽ mất hình ảnh đẹp trong mắt công chúng, bị công chúng từ bỏ.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, giám đốc sân khấu Idecaf

* Vẫn còn tình trạng một số nghệ sĩ khi có được tiếng tăm đã có những hành động, lời nói không đúng chuẩn mực, coi thường khán giả?

- Với tình hình hoạt động nghệ thuật khá bát nháo thời gian qua, không ít nghệ sĩ chỉ qua một game show cũng có thể trở thành "ngôi sao". Hào quang đến với họ quá nhanh và không trải qua những khó khăn, nhọc nhằn, rèn luyện với nghề nên họ trở nên tự mãn, không ý thức được những giá trị ảo vì vậy họ cũng không biết trân trọng cái nghề, trân trọng khán giả.

Nghệ sĩ đừng ảo tưởng vị trí của mình trong lòng khán giả. Có những nghệ sĩ có tay nghề hoặc không có tay nghề, chỉ cần buông lỏng, với những hành vi, lời nói sai trái thì sớm muộn sẽ mất hình ảnh đẹp trong mắt công chúng, bị công chúng từ bỏ.

Tranh luận khán giả nuôi nghệ sĩ: Đừng hiểu chữ nuôi một cách nhọc nhằn, nặng nề - Ảnh 3.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, giám đốc sân khấu Idecaf - Ảnh: GIA TIẾN

* Ông đã nói nhiều về sự trân trọng của nghệ sĩ/nhà sản xuất nghệ thuật với khán giả. Thế nghệ sĩ như thế nào sẽ được khán giả trân trọng?

- Trong xã hội có nhiều thành phần, tùy theo gu, sở thích mà người ta sẽ có sự yêu mến với phong cách của từng nghệ sĩ. Theo tôi, nghệ sĩ muốn được khán giả trân trọng, bản thân họ phải có lòng tự trọng, biết trân trọng cái nghề của mình.

Tại sao những bậc tiền bối như Năm Châu, Phùng Há, Bảy Nam, Kim Cương… khi bước ra sân khấu khán giả đều cảm thấy yêu quý và đến mấy chục năm sau vẫn còn yêu quý, nhắc nhớ. Vai diễn của họ, dù giàu sang hay nghèo khổ đều toát lên vẻ đẹp của những nhân vật. Có được điều đó là sự khổ công rèn luyện, sự cẩn trọng trong từng trang phục, nét diễn, lời thoại.

Vượt ra khỏi khuôn khổ sàn diễn, khi đi ra ngoài đời họ cũng giữ sự chuẩn mực trong hành động, lời nói. Những nghệ sĩ đó khiến khán giả tôn trọng tài năng và nhân cách của họ.

Còn một số nghệ sĩ không có lòng tự trọng, mượn tiếng để quảng cáo bậy bạ, sử dụng chiêu trò, phát ngôn hồ đồ, cẩu thả trong nghề nghiệp, để khán giả khinh thì ráng chịu!

Chuyện Chuyện 'khán giả nuôi nghệ sĩ': Nghệ sĩ Hữu Châu, Ái Như, Thanh Lam nói gì?

TTO - Thời gian gần đây, trên mạng ồn ào về mối quan hệ giữa khán giả và nghệ sĩ, khởi đi từ sự việc một YouTuber chỉ trích nhiều nghệ sĩ và cho rằng "khán giả nuôi nghệ sĩ".

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp