17/04/2021 15:00 GMT+7

Tranh lụa đậm đà tính nữ của Hoàng Minh Hằng

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Không khai thác những gì to tát, đa chiều đa diện của cuộc đời, tranh của Hoàng Minh Hằng chăm chú lắng nghe tiếng thầm thì của thiên nhiên kể chuyện với mình, rồi kể lại với đời một cách thành thật.

Tranh lụa đậm đà tính nữ của Hoàng Minh Hằng - Ảnh 1.

Vo gạo - tranh lụa khổ 81 x 176cm của họa sĩ Hoàng Minh Hằng - Ảnh: H.M.H.

Triển lãm cá nhân ở tuổi 75 với một họa sĩ không phải chuyện lạ, nhưng với một trong những họa sĩ tranh lụa hàng đầu của Việt Nam hiện nay như chị Hoàng Minh Hằng, nó thực sự là một câu chuyện đầy cảm hứng.

Một chặng đường mới

Mấy chục năm theo đuổi tranh lụa nhưng chỉ mãi tới gần đây họa sĩ Hoàng Minh Hằng mới có thêm một triển lãm cá nhân tại TP.HCM. Chị từng có triển lãm cá nhân đầu tiên tại TP.HCM năm 1989, lần thứ hai năm 1994, lần này là lần thứ ba cũng là triển lãm cá nhân thứ tư trong sự nghiệp tranh lụa của chị.

Chị chia sẻ khoảng thời gian chị thực sự được làm việc trọn vẹn nhất, sung sướng nhất chính là khoảng 2-3 năm trở lại đây, sau khi quyết định chọn cho mình một không gian sống tĩnh lặng, phóng khoáng ở khu Bãi Dâu, ven biển Vũng Tàu. 

"Nếu không có những khoảng thời gian rộng rãi, biệt lập cho làm việc và sáng tạo sẽ không thể vẽ được những bức tranh mất cả tháng liên tục để hoàn thành thế này. Cũng sẽ không thể có được tâm thế tĩnh tại như mình muốn thể hiện trong bức vẽ", chị nói.

"Là người sáng tác, điều đầu tiên phải là sự chân thực, chân thực với chính mình, sau đó mới nói tới kỹ thuật, tư tưởng", chị chia sẻ. Bởi vậy, có thể hiểu vì sao có những khoảng thời gian trước chị vẽ nhiều, hay nói cách khác, chỉ có thể vẽ được nhiều tranh phấn màu trên giấy màu và tranh tempera trên giấy dó mà không thể vẽ lụa.

Vẽ trên giấy như chị nói là việc có thể tranh thủ làm được trong những khoảng thời gian rảnh rỗi vô cùng eo hẹp lúc còn nặng gánh lo toan, hết cho các con lại tới các cháu. 

"Mà giờ hết rồi, đứa cháu ngoại đã đi du học, các cháu nội ở riêng cùng bố mẹ, tôi đã có thể toàn tâm dành thời gian cho vẽ", chị nói về cuộc sống hiện nay và những niềm vui sáng tác tại không gian riêng ở ven biển Vũng Tàu.

Người nghệ sĩ phải có tâm hồn rộng rãi

Ở triển lãm cá nhân vừa kết thúc ngày 5-4 tại TP.HCM, họa sĩ Hoàng Minh Hằng giới thiệu khoảng 15 bức tranh lụa khổ lớn, đa số là các bức có bề ngang từ 1m tới hơn 2m và dọc từ 70cm tới hơn 1m.

Chưa nói tới phương diện tài hoa, theo nhiều người trong giới, vẽ tranh lụa, đặc biệt là tranh lụa khổ lớn, trước hết là thách thức không nhỏ về kỹ thuật. "Khi vẽ lớn, những cái thuộc về khiếm khuyết, khuyết điểm của mình cũng dễ bộc lộ hơn", chị chia sẻ.

Các họa sĩ đồng nghiệp hoàn toàn đồng ý với điều này. Với họ, không chỉ trong vẽ lụa, khi sáng tạo trên một khuôn khổ lớn, khả năng quản lý bố cục tác phẩm sao cho hài hòa, nhuần nhuyễn luôn là bài "test" đầu tiên. Đã có người thừa nhận họ vẽ nhỏ thì được mà vẽ lớn thì chưa thực tự tin.

Tranh lụa còn một thách thức nữa là rất khó "sửa sai". Bởi vậy có cảm giác dòng tranh này phù hợp với phụ nữ hơn vì chỉ những đòi hỏi tỉ mỉ và kỹ lưỡng về kỹ thuật thôi cũng đã "đậm đà tính nữ".

Mấy chục năm vẽ lụa, chị Hằng tự đúc rút được nhiều bài học độc đáo về kỹ thuật mà sau này nhiều lứa sinh viên của ĐH Mỹ thuật TP.HCM được "hưởng lợi". Nhiều học trò của chị đã thành những họa sĩ tranh lụa thành danh. 

Một trong những đúc rút quan trọng là kỹ thuật vẽ không rửa lụa như chỉ dẫn trong kỹ thuật vẽ lụa truyền thống. Nhận ra khi rửa nhiều lần, lụa sẽ mất đi độ bóng vốn rất cần cho nền màu trong và êm của tranh nên chị tìm ra cách dùng cọ lớn để xử lý khi vẽ và "không bao giờ phải rửa lụa".

Chị luôn sẵn lòng chia sẻ những cái được coi là "bí quyết nhà nghề" như thế, bởi với chị, kỹ thuật là cái ai cũng có thể học được và dạy được. Nhưng kỹ thuật dù có điêu luyện đến mấy cũng không thể thay được sự tìm tòi, sáng tạo vốn là bản sắc riêng của mỗi người.

"Người nghệ sĩ phải có tâm hồn rộng rãi, khoáng đạt, phải thành thực, dung dị thì mới có thể sáng tạo nên những tác phẩm lay động được cảm xúc của người khác", chị nói thêm về tâm niệm nghệ thuật của mình.

"Đắc đạo" với nghề

tranh

Họa sĩ Hoàng Minh Hằng trò chuyện với hai người bạn, họa sĩ Lê Đàn (trái), họa sĩ - nhà điêu khắc Trần Luân Tín tại phòng triển lãm Eight Gallery ở TP.HCM ngày 24-3 - Ảnh: D.K.T.

Khi có đông người chộn rộn, tranh của chị lặng im. Khi không gian yên lặng, những mảng màu rộng rãi và đơn giản của chị mới lên tiếng. Kỷ niệm của mỗi đời người rất riêng tư sẽ chộn rộn hiện lên. Những bức tranh lụa này là dành cho cảm thụ một mình, cảm thụ sung sướng, nhẹ nhõm và sâu lắng.

Những mảng màu im lặng, rất im lặng đặt bên nhau một cách cẩn trọng, sự cẩn trọng của mỹ cảm tự nhiên và cảm xúc mạnh. Ranh giới của những mảng màu tối giản ấy, khi chúng áp vào nhau, tạo nên nhịp điệu riêng của tác giả, dứt khoát mà lại nhẹ nhõm giống như thơ thiền vậy.

Nội lực mạnh thường không ồn ào. Tưởng chừng như lặng lẽ, nhưng là cả một không gian ẩn dụ, đủ cho cái riêng tư của người xem tranh dâng lên xao xuyến. Và bạn là ai, vừa trải qua những phiền muộn gì, bỗng dưng như được trang trải.

Chị là người vẽ tranh lụa khai thác đầy đủ tiếng nói riêng của chất liệu lụa. Vừa là mềm mại, nhẹ nhõm, lại mạnh mẽ và sâu lắng. Thật đúng là một đời "tu hành đắc đạo" với nghề.

Cảm Truyện Kiều qua tranh lụa Cảm Truyện Kiều qua tranh lụa

TTO - Hai mươi tám tranh lụa do họa sĩ Ngọc Mai sáng tác lấy cảm hứng từ kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã mang đến cho người xem nhiều rung cảm trước cuộc đời lắm truân chuyên của nàng Kiều.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp