20/03/2018 14:42 GMT+7

Tranh chưa kịp giao ông Sáu đã đi rồi…

MAI HOA
MAI HOA

TTO - Họa sĩ Đoàn Việt Tiến hứa với ông Sáu Khải sẽ hoàn thành hai bức chân dung để ông đặt trong nhà thờ họ Phan, vậy mà hai năm qua, tranh vẫn để ở nhà ông Tiến...

Tranh chưa kịp giao ông Sáu đã đi rồi… - Ảnh 1.

Họa sĩ Đoàn Việt Tiến và tấm ảnh kỷ niệm khi đang vẽ chân dung bà ngoại ông Sáu Khải theo lời kể của ông Sáu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Họa sĩ Đoàn Việt Tiến đi từ nhà ở huyện Hóc Môn đến Hội trường Thống Nhất sáng nay 20-3 để chờ vào viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Luôn mang theo bức ảnh chụp chung với ông Sáu Khải, người họa sĩ không thể cầm nước mắt khi kể lại nhân duyên với vị nguyên Thủ tướng.

Cách đây hai năm, qua sự giới thiệu của các đoàn thể, người họa sĩ chuyên vẽ chân dung ngược trên mặt kính được mời đến nhà ông Sáu Khải ở huyện Củ Chi để vẽ chân dung bà ngoại ông Sáu qua lời kể của ông.

"Qua những lời kể, tôi cảm nhận được ông có rất nhiều tình cảm với bà ngoại đã mất. Tình cảm đó truyền sang tôi. Tôi vẽ chỉ chừng ba bốn chục phút là xong, ông rất vừa lòng", ông Tiến kể lại. 

Ông Sáu nhận bức tranh, liền hỏi: "Chú mày vẽ được tao không?"

Ông Tiến liền trả lời: "Cháu chuyên vẽ chân dung, nhưng ai cháu ngưỡng mộ thì cháu mới vẽ được. Cháu rất ngưỡng mộ chú".

Ba đêm sau, ông Tiến bắt tay vào vẽ. Qua mấy lần chỉnh sửa, bức chân dung cụ tổ họ Phan và chân dung ông Sáu Khải cuối cùng đã hoàn thành. Nhưng chưa kịp giao tranh tới ông thì họa sĩ nghe tin ông Sáu mệt, phải đi chữa bệnh ở nước ngoài.

Ngày 17-3, họa sĩ nghe tin ông Sáu mất, ông đã buồn bã, day dứt suốt nhiều ngày. Hai bức tranh vẫn chưa được giao cho người nhận vì ông không quen biết ai trong gia đình ông Sáu Khải, vẫn đang để ở nhà ông ở huyện Hóc Môn.

Tranh chưa kịp giao ông Sáu đã đi rồi… - Ảnh 2.

Hai năm qua họa sĩ Tiến vẫn chưa giao được tranh cho người nhận, hôm nay ông chỉ có thể gửi lời xin lỗi ông Sáu Khải qua cuốn sổ tang ở Hội trường Thống Nhất - Ảnh: QUỲNH HƯƠNG - MAI HOA

"Bức chân dung cụ tổ để thờ ở nhà thờ họ là tâm nguyện lớn nhất của chú Sáu. Chú từng nói với tôi như vậy. Bây giờ chú mất rồi, nghĩ lại mà thương mà hối hận", ông Tiến nghẹn ngào nói.

Hỏi vì sao một thời gian dài như vậy không mang bức tranh tới gửi ông Sáu, ông Tiến ngại ngùng kể, hồi đó được tới nhà ông Sáu vẽ chân dung bà ngoại là do sự giới thiệu của một số lãnh đạo.

Không nhanh như bức chân dung bà ngoại, hai bức vẽ ông Tiến nhận lời vẽ thêm ông để ở nhà, chỉnh sửa nhiều lần, từ ánh mắt, nụ cười... mãi mới ưng ý. Đến khi hoàn thành, ông lại không biết cách gì liên lạc với gia đình để gửi lại. Lần lữa cứ thế cho đến ngày nghe tin dữ về ông Sáu.

Đến trưa nay, ông Đoàn Việt Tiến đã được vào viếng để "thắp nhang tạ lỗi với chú Sáu". Nghẹn ngào, hai tay run rẩy, người có lẽ là họa sĩ cuối cùng vẽ chân dung nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải viết trong cuốn sổ tang: "Lời hứa của con khi tâm nguyện chú vẽ tổ tiên họ Phan để tôn kính đặt trong nhà thờ họ. Chưa thấy được hình ảnh đó thì chú đã mất. Bức vẽ vẫn còn ở nhà con chưa đem giao được. Con có lỗi với chú. Xin chú tha thứ".

Ông cũng gặp được người nhà của ông Sáu để gửi tâm nguyện tặng lại hai bức chân dung cho gia đình. "Vậy là tôi nhẹ lòng...", ông Tiến tâm sự khi rời Hội trường Thống Nhất.

Ông Tiến là họa sĩ nổi tiếng với tài vẽ chân dung ngược trên mặt kính, vẽ bằng mười đầu ngón tay... Ông đã vẽ chân dung nhiều vị lãnh đạo mà ông yêu kính, đặc biệt là chân dung Bác Hồ. Ông cũng từng vẽ chân dung tặng Chủ tịch Cuba Fidel Castro.
Tranh chưa kịp giao ông Sáu đã đi rồi… - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Ngọc Mai và tấm hình kỷ niệm chụp chung với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cách đây 5 năm - Ảnh: NGỌC KHẢI

Cũng mang theo bên người tấm hình kỷ niệm quý giá chụp chung với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, bà Nguyễn Ngọc Mai, 89 tuổi, đi xe ôm từ nhà ở quận Bình Thạnh đến Hội trường Thống Nhất để chờ vào viếng ông Sáu Khải.

"Tấm hình này tôi chụp chung với ông Phan Văn Khải vào năm 2013, vào ngày họp mặt truyền thống chiến khu An Phú Đông quận 12. Tôi biết ông vào năm 1947, ông rất giản dị và thương mẹ, chăm lo cho người dân", bà Mai kể.

Trong bức ảnh, bà Mai đội mũ trắng đừng cùng ông Phan Văn Khải đang tươi cười. Đó là hình ảnh ông Sáu Khải mà bà lưu giữ mãi trong tâm trí mình.

Tranh chưa kịp giao ông Sáu đã đi rồi… - Ảnh 5.

Bà Mai đội mũ trắng đứng cùng ông Sáu Khải đang tươi cười trong tấm hình mà bà mãi giữ bên mình - Ảnh: NGỌC KHẢI

Nhiều kỷ niệm được chia sẻ tại lễ viếng cố Thủ tướng Phan Văn Khải

TTO - Lễ viếng cố Thủ tướng Phan Văn Khải bắt đầu lúc 8h sáng 20-3 tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) và kéo dài hết ngày mai 21-3.

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp