Hại bị cáo Đỗ Văn Hà và Nguyễn Thị Hồng tại phiên tòa - Ảnh: THÂN HOÀNG
Ngày 25-12, Tòa án nhân dân quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án chống người thi hành công vụ xảy ra tại khu đất TH1, khu đô thị Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 1 hôm 2-8. Hai bị cáo bị đưa ra xét xử là ông Đỗ Văn Hà (65 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hồng (56 tuổi), là bảo vệ và tạp vụ của Công ty TDS.
Vụ "bắt giữ con tin" không có thật?
Theo cáo trạng, giữa bà Trần Kim Phương - chủ tịch HĐQT Công ty TDS - và bà Lê Thị Bích Dung - phó giám đốc Công ty TDS - có xảy ra tranh chấp hợp đồng kinh tế liên quan đến việc mua bán cơ sở vật chất của Trường tiểu học và trung học cơ sở Pascal tại lô TH1. Bà Phương đã cho người hàn kín cổng số 1, số 2 phía bên trường Pascal, chỉ để đi lại tại cổng số 3, số 4.
Bà Phương thuê ông Hà và bà Hồng làm nhiệm vụ bảo vệ, tạp vụ tại khu đất TH1 để kiểm soát không cho người của Trường Pascal mang tài sản ra ngoài.
Ngày 2-8, Công an phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm nhận được đơn tố giác của ông Lê Văn Vàng - ủy viên HĐQT Trường Pascal - về việc một số nhân viên nhà trường bị bắt cóc, giam giữ và hành hung tại lô đất TH 1.
Công an quận Bắc Từ Liêm tổ chức lực lượng đến hiện trường xác minh. Do không thuyết phục được bảo vệ mở cổng nên Công an quận chỉ đạo lực lượng phòng cháy chữa cháy cắt khóa cổng số 1.
Lúc này, bà Hồng đang ở phía trong đã bốc cát ném vào lực lượng công an, ông Hà đến chửi bới không cho phá cổng. Công an đã trấn áp, bắt giữ và phát hiện trong túi ông Hà có một con dao. Chị Nghiêm Nhật Anh (con gái bà Phương) dùng điện thoại quay lại vụ việc cũng bị công an tạm giữ.
Bà Hồng và ông Hà sau đó bị truy tố tội chống người thi hành công vụ, chị Nhật Anh bị xử phạt hành chính.
Quá trình điều tra cho thấy bà Phương cho rằng đã mua lại toàn bộ cơ sở vật chất tại lô TH1 của Trường Pascal nên chỉ đạo nhân viên hàn kín hai cổng số 1, số 2 để gây áp lực buộc một số nhân viên của trường "cố tình ở đây nhiều ngày" phải ra bên ngoài.
Trong khi đó, bà Dung cho rằng chưa bán cơ sở vật chất nên cử người ở lại trông coi. Do đó không có cơ sở xác định xảy ra việc bắt giữ người tại lô TH1.
"Công an không giải cứu con tin mà chỉ tập trung cắt khóa cổng"
Tại tòa, bị cáo Hồng và Hà đều khẳng định không nhận được thông báo về việc công an đến giải cứu con tin. Khi lực lượng chức năng đến hiện trường cũng không thuyết phục, yêu cầu mở cổng để làm nhiệm vụ. Do thấy nhiều người muốn cắt phá cổng số 1 nên hai bị cáo có hành vi ngăn cản.
Bị cáo Hồng cho biết với nhận thức của mình, thấy nhóm người không mặc cảnh phục đang cắt khóa cổng nên bốc cát ném về phía cổng.
"Khi tôi ra đã thấy họ đang cắt cổng. Tôi không thấy có thông báo giải cứu con tin, chúng tôi có bắt giữ con tin đâu mà giải cứu. Tôi thấy toàn người mặc quần áo dân sự nhảy vào cắt cổng nên ngăn cản. Nếu được thông báo là giải cứu con tin thì chúng tôi sẽ không ngăn cản", bị cáo Hồng khai.
Công an trấn áp những người được cho là chống người thi hành công vụ ngày 2-8 - Ảnh: GIANG LONG
Bị cáo Hà cho biết thêm do cổng số 3 đã mở nên công an có thể đi bằng đường này chứ không cần phải cắt phá cổng số 1, con dao trong túi là do bị cáo đang gọt mướp tiện tay đút vào túi.
Đến tòa với tư cách người làm chứng, chị Nghiêm Nhật Anh đưa ra nhiều hình ảnh, clip để chứng minh "việc bắt cóc không có thật". Theo hình ảnh được camera ghi lại, những nhân viên của Trường Pascal được cho là bị giam giữ thì suốt buổi sáng ngày 2-8 vẫn đi lại bình thường trong khu đất TH1. Một bảo vệ của trường vẫn ra ngoài đường mua thuốc lá.
Thời điểm công an đến hiện trường, những nhân viên của Trường Pascal vẫn đi lại ở khu vực cổng số 3.
Chị Nhật Anh cho biết thêm ba ngày trước khi xảy ra vụ việc, phía bà Phương đã liên hệ Công an quận Bắc Từ Liêm đề nghị đưa những nhân viên của Trường Pascal ra khỏi khu đất TH1 vì họ ăn ngủ ở đây mấy tháng nhưng bất thành.
"Khi công an đến thì cổng số 3 đang mở, tại sao họ không đi lối này mà chỉ chăm chăm phá cổng số 1? Mọi việc được camera ghi lại đầy đủ. Nếu thực sự muốn giải cứu con tin tại sao lại chọn cách phá cổng? Khi đã bắt nhân viên của công ty thì lực lượng công an vẫn tiếp tục phá cổng trong 20 phút nữa. Như vậy, việc phá cổng có phải thi hành công vụ?
Những bị cáo làm nhiệm vụ bảo vệ không được thông báo, không có văn bản nên họ không đồng ý cho người khác phá cổng. Họ không chống đối người thi hành công vụ", chị Nhật Anh đặt vấn đề.
Tòa cho đại diện Công an quận Bắc Từ Liêm đối chất, ông Dũng - đội phó đội điều tra tổng hợp, khẳng định cơ quan điều tra tiếp nhận tin báo, xử lý khách quan đúng quy định pháp luật chứ "không có chuyện dàn dựng".
Ông Dũng khẳng định khi công an đến hiện trường, tất cả các cổng đều khóa, việc vận động thuyết phục đã thực hiện nhưng không nhận được sự hợp tác. Chỉ huy Công an quận chỉ đạo cắt khóa và xảy ra việc chống người thi hành công vụ.
Trong khi đó, bà Trần Kim Phương khẳng định không nhận được thông báo từ phía Công an quận về việc giải cứu con tin. Việc phía Trường Pascal muốn phá cổng số 1 đã xảy ra nhiều lần. Bà Phương cho rằng mục đích của công an không phải giải cứu con tin nên không được gọi là thi hành công vụ.
Trong phần luận tội, đại diện viện kiểm sát cho rằng có đủ căn cứ xác định hai bị cáo phạm tội chống người thi hành công vụ. Khi tổ công tác Công an quận Bắc Từ Liêm đang thi hành công vụ thì hai bị cáo Hà, Hồng có hành vi ném cát, chửi bới đe dọa tổ công tác. Viện kiểm sát đề nghị bị cáo Hồng mức án 9-12 tháng tù cho hưởng án treo, bị cáo Hà mức án 6-9 tháng tù cho hưởng án treo.
Bào chữa cho hai bị cáo, luật sư nêu quan điểm chưa đủ căn cứ truy tố ông Hà và bà Hồng tội chống người thi hành công vụ. Theo luật sư, trong vụ án, người thi hành công vụ phải là người được lãnh đạo phân công nhiệm vụ "giải cứu con tin". Những người tham gia phá cổng số 1 và vào trong lô TH1 không phải là người thi hành công vụ theo phân công lực lượng giải quyết tin báo xảy ra tại Trường Pascal.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận