03/09/2015 18:23 GMT+7

Tranh cãi việc đăng ảnh cậu bé di cư chết trên biển

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO -  Hình ảnh cậu bé Syria chết thảm trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ dẫn tới một cuộc tranh cãi dữ dội trong giới truyền thông.

Hình ảnh cậu bé Syria 3 tuổi Alyan Kurdi chết trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ gây đau đớn và phẫn nộ - Ảnh: Independent

Tranh cãi hình ảnh cậu bé xấu số

Theo báo New York Times, hiện các bức ảnh chụp Alyan Kurdi đang lan nhanh trên các trang mạng xã hội ở Thổ Nhĩ Kỳ và khắp thế giới.

Các nhà hoạt động vì nhân quyền và phóng viên cho rằng cần phải chia sẻ các bức ảnh đau lòng này để cộng đồng quốc tế hành động hỗ trợ người di cư và tìm cách chấm dứt cuộc chiến ở Syria. 

Những nhân vật nổi tiếng chia sẻ hình ảnh về nạn nhân nhỏ tuổi Alyan Kurdi có phóng viên Washington Post Liz Sly, Nadim Houry và Peter Boukaert của Tổ chức Giám sát nhân quyền, David Miliband - chủ tịch Ủy ban Giải cứu quốc tế…

Tuy nhiên nhiều tòa soạn báo khắp thế giới tỏ ra quan ngại, không muốn đăng tải hình ảnh này vì cho rằng chúng có thể khiến độc giả bị sốc nặng. Các biên tập viên đều theo quan điểm này, trong khi giới phóng viên muốn đăng tải hình ảnh cậu bé một cách rõ ràng. Các báo có sự tiếp cận khác nhau.

Ví dụ các báo Mỹ New York Times, Wall Street JournalBaltimore Sun đăng ảnh một cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bế cậu bé lên, mặt cậu bé không xuất hiện trong bức hình. Nhưng các báo như Los Angeles Times, Washington Post của Mỹ và Globe & Mail của Canada quyết định đăng hình cậu bé nằm úp mặt trên cát.

“Hình ảnh đó không đẫm máu, không kích động mà đơn giản là vô cùng đau lòng và phản ánh rõ ràng bi kịch nhân đạo đang diễn ra ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu. Chúng tôi đã viết nhiều bài báo về hàng trăm người di cư chết đuối trên biển, chết ngạt trong thùng xe, nhưng hình ảnh cậu bé trên bờ biển thật sự phản ánh rõ quy mô của cuộc khủng hoảng di cư này” - thư ký tòa soạn Kim Murphy của báo Los Angeles Times giải thích.

EU mâu thuẫn

Ngày 3-9, nhiều lãnh đạo châu Âu kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) mở rộng cửa với người nhập cư. Tuy nhiên Hungary phản ứng trái ngược.

Theo Reuters, Thủ tướng Pháp Manuel Valls khẳng định hình ảnh cậu bé Syria 3 tuổi chết đuối, nằm úp mặt trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy châu Âu cần khẩn cấp hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư. “Cả châu Âu cần hành động ngay lập tức” - ông Valls nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng tuyên bố các nước EU cần cam kết tiếp nhận ít nhất 100.000 người di cư từ Trung Đông và châu Phi. Ông cho rằng khu vực nên lập các trung tâm tiếp nhận người di cư bên ngoài lãnh thổ châu Âu, có thể là gần các vùng xung đột.

Alyan và anh trai Ghalib thiệt mạng khi tàu chở người di cư Syria đắm ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Independent

Trước đó các nước Ý, Pháp và Đức cũng đã kêu gọi EU xem xét lại các quy định tị nạn hiện tại và chia sẻ đồng đều gánh nặng tiếp nhận người di cư. Ngày 14-9, các bộ trưởng nội vụ EU sẽ nhóm họp ở Brussels (Bỉ) để thảo luận về vấn đề này.“Phân chia đồng đều 100.000 người di cư giữa các nước thành viên EU là điều chúng ta cần làm” - ông Tusk nhận định. Đến nay, các nước EU mới chỉ cam kết tiếp nhận đồng đều 32.000 người tị nạn đang ở Ý và Hi Lạp. Theo ông Tusk, các nước cũng phải cam kết hỗ trợ tài chính để giải quyết khủng hoảng di cư.

Tuy nhiên không phải quốc gia châu Âu nào cũng sẵn sàng đón nhận người di cư. Có mặt ở Brussels, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố người di cư không nên mạo hiểm tính mạng của bản thân và con em mình để đến châu Âu.

“Người Hungary chúng tôi đang vô cùng sợ hãi vì các nhà lãnh đạo châu Âu không thể kiểm soát được tình hình” - ông Orban khẳng định. Thủ tướng Hungary bác bỏ đề xuất các nước châu Âu chia sẻ đồng đều “hạn ngạch” người di cư và cho biết nước này sẽ thực thi các quy định tị nạn hiện có.

Ông Orban cũng gây tranh cãi khi tuyên bố dòng người di cư Hồi giáo từ Trung Đông và châu Phi “đe dọa gốc gác và văn hóa Thiên Chúa giáo” của châu Âu. “Chúng ta không nên quên rằng những người đang đến đã sinh ra và lớn lên trong một nền văn hóa và tôn giáo hoàn toàn khác biệt” - ông Orban cho biết.

Trong khi đó, từ Warsaw, Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopacz cho biết EU cần phải hỗ trợ người tị nạn trốn chiến tranh, nhưng phía Ba Lan không muốn chấp nhận mức “hạn ngạch” tự động. “Việc đưa ra các giải pháp không tính đến năng lực (tiếp nhận người di cư) của mỗi quốc gia sẽ là phản tác dụng” - Thủ tướng Kopacz nói.

Ước tính 2.500 người di cư thiệt mạng trong năm nay khi vượt Địa Trung Hải đến châu Âu.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp