12/06/2016 08:03 GMT+7

Tranh cãi về chuẩn phenol trong vụ cá nục nhiễm độc

QUỐC NAM (quocnam@tuoitre.com.vn)
QUỐC NAM ([email protected])

TTO - Ngành y tế Quảng Trị cho rằng phenol là chất cấm, không được phép có trong thực phẩm còn lãnh đạo ngành nông nghiệp lại nói chất này được phép tồn tại nếu có hàm lượng dưới ngưỡng cho phép.

Lãnh đạo các ngành y tế, nông nghiệp ở Quảng Trị kiểm tra lô cá nục bị nhiễm phenol chiều 11-6 - Ảnh: Quốc Nam
Lãnh đạo các ngành y tế, nông nghiệp ở Quảng Trị kiểm tra lô cá nục bị nhiễm phenol chiều 11-6 - Ảnh: Quốc Nam

Chiều 11-6, lãnh đạo Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng như Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị đã đến niêm phong lô 25 tấn bị nhiễm chất phenol tại cơ sở thu mua hải sản của bà Lê Thị Thuộc - thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh để chờ xử lý.

Trong cuộc họp nhanh tại đây, lãnh đạo hai ngành y tế và nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị vẫn chưa thống nhất được chất phenol là chất được phép hay không được phép có trong thực phẩm.

Ngành nông nghiệp không theo dõi tiêu chí phenol

Cuộc họp diễn ra ngay tại nhà bà Lê Thị Thuộc. Ông Võ Văn Hưng - giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị đưa ra quan điểm cho rằng chất phenol không có trong quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành nông nghiệp.

Theo ông Hưng, một số chất cực độc vẫn có trong thực phẩm nhưng ở trong hàm lượng cho phép, không thể thấy chất độc là “giật” ngay cực độc.

Ông Võ Văn Hưng cho biết khi phát hiện thông tin về việc có một lô hàng cá nục nhiễm chất phenol, Ban chỉ đạo khẩn cấp về xử lý cá chết bất thường của tỉnh cũng như đại diện các ngành y tế, tài nguyên môi trường, nông nghiệp và chính quyền địa phương đã khẩn cấp xác nhận lại thông tin cũng như với chủ hộ thu mua để nhằm có thông tin chính xác và có hướng giải quyết kịp thời.

Ông Hưng khẳng định rằng tất cả các mẫu cá từ ngày 5-5-2016 qua sự kiểm định của cơ quan chức năng của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đều ở trong ngưỡng an toàn cho phép và tiêu thụ.

Về kết quả kiểm tra, theo ngành y tế tỉnh Quảng Trị có một trong sáu mẫu cá nục tại kho đông lạnh của bà Lê Thị Thuộc có hàm lượng phenol mức 0,037mg/kg, ông Hưng nói theo quy định đối với ngành nông nghiệp và Chi cục Quản lý chất lượng thì không theo dõi về tiêu chí này.

Theo ông Hưng, trong điều kiện bình thường của tự nhiên trong nước biển cũng như trong quá trình sử dụng, cấp đông và chế biến hải sản thì cũng có thể phát sinh hàm lượng phenol.

“Chúng tôi đề nghị chúng ta phải thông tin chính xác và phản ánh đúng đối tượng, tránh tình trạng chúng ta đưa thông tin gây ảnh hưởng đến đời sống cũng như việc kinh doanh và việc đánh bắt của ngư dân trên địa bàn tỉnh” - ông Hưng nói.

Cơ quan chức năng Quảng Trị đã niêm phong lô cá nục đông lạnh bị nhiễm phenol - Ảnh: Quốc Nam
Cơ quan chức năng Quảng Trị đã niêm phong lô cá nục đông lạnh bị nhiễm phenol - Ảnh: Quốc Nam

Đã cấm thì khỏi nói “ngưỡng”

Ông Hồ Sĩ Biên, chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế Quảng Trị, nói chi cục đã lấy tổng cộng 105 mẫu và đều an toàn. Riêng mẫu cá nục lấy tại kho đông lạnh của bà Lê Thị Thuộc là mẫu cá bị nhiễm phenol.

Việc lấy mẫu này là theo yêu cầu của UBND huyện Vĩnh Linh khi kho hàng đông lạnh phải được kiểm nghiệm để cho lưu thông.

Theo ông Biên, có thể lô cá này đã được thu mua ngay sau thời điểm khi xảy ra hiện tượng cá chết nên nhiễm phenol. Nói về việc lô cá này nhiễm phenol hàm lượng thấp, ông Biên khẳng định ngành y tế đã quy định không được phép có hàm lượng chất này trong thực phẩm.

“Hiện tại nếu ăn vào nói ngộ độc không phải ngộ độc ngay, nhưng sẽ gây tiềm tàng về sau nên cần phải tiêu hủy lô hàng mà chúng tôi kiểm nghiệm, để bảo đảm sức khỏe cho người dân” - ông Biên cương quyết.

Trả lời về việc trên mạng Internet xuất hiện nhiều thông tin về ý kiến của một số chuyên gia nói rằng với hàm lượng phenol thấp như trong lô cá vừa rồi thì phải ăn 54 tấn cá nục này mới gây nguy hiểm cho người sử dụng, ông Biên nói: “Đây là chất cực độc và đã cấm dùng rồi thì ngưỡng gì mà ngưỡng”.

Nói về quy chuẩn hàm lượng phenol cho phép trong nước biển là 0,03mg/lít, ông Biên nói trong bao bì còn không được phép thì thực phẩm làm sao được phép được.

Ông Biên cũng nói hiện tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đang giám sát chặt chẽ các lô hàng về thủy hải sản, nên người dân yên tâm. Chi cục này cũng đang quay lại lô hàng cùng thời điểm với lô bị nhiễm phenol này để kiểm tra.

Cũng tại cuộc họp, ông Trần Văn Thành, giám đốc Sở Y tế Quảng Trị, nói đối với ngành y tế thì phenol là một chất độc không được phép có trong thực phẩm. Tỉ lệ cho phép trong thực phẩm qua kiểm nghiệm là 0,001mg/kg, còn đây xét nghiệm là 0,037mg/kg.

Ông Thành nói trước tiên là cấm sử dụng, còn việc giữa Sở Y tế và Sở NN&PTNT còn tranh cãi, tới đây sẽ có văn bản báo cáo tỉnh và Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế để có sự thống nhất chung.

“Bộ Y tế nên phối hợp với Bộ NN&PTNT để có tiêu chuẩn trong thực phẩm. Có được phép hay không để có sự thống nhất” - ông Thành nói.

Giấy chứng nhận an toàn rất “mỏng manh”

Việc chủ vựa nói lô cá nục có giấy chứng nhận an toàn của ngành nông nghiệp cấp, và lô cá nục này nhập vào từ khoảng 15 ngày sau khi xảy ra hiện tượng cá chết trong khi sở này bắt đầu cấp giấy chứng nhận từ ngày 3-5, ông Võ Văn Hưng - giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị - nói thời gian qua đã cấp 181 giấy chứng nhận an toàn cho 4.300 tấn cá.

Giấy xác nhận này chỉ mang tính chất chứng nhận khai thác xa bờ ngoài ranh giới 20 hải lý.

“Trong phân định dưới 20 hải lý cá có khả năng không an toàn. Vùng ngoài 20 hải lý thì có khả năng cá không bị ảnh hưởng. Đây chỉ mang tính tương đối và ranh giới này rất mỏng manh. Chứ muốn biết chính xác hải sản an toàn thì phải đưa đi xét nghiệm” - ông Hưng cho biết.

QUỐC NAM ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp