Đoạn trích bài thơ Thương ông (Tú Mỡ) trong sách Tiếng Việt lớp 2, tập 1 đang gây xôn xao dư luận |
Bản thảo mà học sinh lớp 2 hiện đang học khoác một “diện mạo” khác xa với bài thơ Thương ông đầy vần điệu mà nhiều thế hệ học sinh trước đây vẫn còn thuộc.
Cụ thể, nhiều câu thơ trong đoạn trích này bị cắt, đoạn cuối cũng hoàn toàn mới đối với những người đã tiếp xúc và thuộc đoạn trích bài thơ Thương ông được sử dụng trong sách giáo khoa (SGK) cũ.
Nếu đối chiếu với bản gốc bài thơ Thương ông thì SGK cũ trích nửa đoạn đầu (từ “Ông bị đau chân” đến “Vì nó thương ông”), SGK hiện hành lại lược bỏ một số câu, đoạn thơ nằm giữa bài (tổng cộng bảy câu), giữ nguyên khúc đầu và khúc cuối bài thơ.
Nhiều ý kiến cho rằng sự mộc mạc, dễ gần, dễ cảm của đoạn trích cũ rõ ràng mang lại hiệu quả tiếp nhận cao hơn, nhất là đối với trẻ nhỏ. Trên mạng xã hội, nhiều người phản ứng cách cắt ghép này vì cho rằng SGK đã không tôn trọng tác giả bài thơ.
Bài thơ không còn rành mạch về ngữ nghĩa và ngữ điệu khi bị lược bỏ tùy tiện một số câu như vậy. Tuy nhiên, một số giáo viên lại cho rằng do dung lượng SGK có hạn nên không thể in nguyên văn bài thơ mà chỉ có thể trích ra những đoạn dễ hiểu để trẻ lớp 2 có thể đọc hiểu.
Cô L.N. - giáo viên dạy lớp 2 tại Q.7, TP.HCM - cho biết: “Nhiều năm nay SGK đã sử dụng bản thảo mới này. Bài thơ có phần lời dễ thương, dễ thuộc.
Tuy nhiên, trong phân phối chương trình thì bài thơ này thuộc phần nội dung giảm tải. Giáo viên vẫn khuyến khích học sinh đọc bài thơ này vì nằm trong chủ điểm về giáo dục tình cảm của trẻ đối với ông bà.
Đúng là khi đi học, có những bài thơ ta thuộc nằm lòng và nhớ mãi không quên, bởi gây ấn tượng sâu sắc cho chúng ta, vì vậy khi bắt gặp một bản thảo khác dễ gây hụt hẫng. Cá nhân tôi cũng chưa được tiếp xúc trọn vẹn bài thơ Thương ông của nhà thơ Tú Mỡ mà chỉ giảng dạy đoạn trích, vì vậy không nắm được tại sao SGK lại cắt ghép trong đoạn trích này”.
Đúng như lời cô L.N., nhiều thế hệ học sinh cũ vẫn còn thuộc nằm lòng đoạn trích của bài thơ Thương ông trong chương trình tiểu học trước đây với những lời thơ hết sức chân phương và gần gũi.
Đây không phải lần đầu tiên dư luận quan tâm đến những đoạn thơ, văn được cắt ghép hoặc thay đổi trong SGK hiện hành.
Thương ông (bản quen thuộc lâu nay) “Ông bị đau chân Nó sưng nó tấy Đi phải chống gậy Khập khiễng khập khà Bước lên thềm nhà Nhấc chân quá khó Thấy ông nhăn nhó Việt chơi ngoài sân Lon ton lại gần Âu yếm, nhanh nhảu: Ông vịn vai cháu Cháu đỡ ông lên...” Ông bước lên thềm Trong lòng vui sướng Quẳng gậy cúi xuống Quên cả đớn đau Ôm cháu xoa đầu: “Hoan hô thằng bé Bé thế mà khỏe Vì nó thương ông”. |
_________________________
GS Nguyễn Minh Thuyết:
“Chúng tôi không hề tùy tiện”
Xung quanh việc có hai bản trích dẫn bài thơ Thương ông của Tú Mỡ trong SGK Tiếng Việt bậc tiểu học, trong đó bản trích ở SGK Tiếng Việt lớp 2 hiện hành được dư luận cho rằng không hay bằng bản trích trước, GS Nguyễn Minh Thuyết - chủ biên SGK Tiếng Việt lớp 2 - đã trao đổi lại với Tuổi Trẻ:
- Bài thơ Thương ông được chọn để đưa vào SGK lớp 2, chủ đề ông bà, nhằm giáo dục tình cảm của học sinh đối với người thân, trong đó có ông bà. Bài thơ Thương ông là bài thơ hay, bản thân nhà thơ viết cho chính cháu mình nên gần gũi, giàu tình cảm. Ở bộ SGK trước đây, bài thơ được đưa vào SGK lớp 4. Nhưng ở bộ SGK hiện hành, nhóm biên soạn quyết định đưa vào SGK lớp 2. Nguyên bản bài thơ này (trong tuyển tập thơ Tú Mỡ) dài 42 dòng, theo thể thơ 4 chữ. Toàn bài thơ gồm 168 chữ. Nhưng theo nguyên tắc lựa chọn đoạn trích cho học sinh lớp 2, chúng tôi chỉ đưa vào những đoạn trích dài tối đa 120-150 chữ. Các câu hỏi kèm theo đoạn trích chỉ tối đa ba câu, mỗi câu hỏi tối đa 10 chữ. Vì thế chúng tôi không thể đưa nguyên vẹn bài thơ mà chỉ đưa đoạn trích đã được lược bớt.
* Nhưng vì sao nhóm tác giả không chọn đoạn trích từng đưa vào SGK lớp 4 vốn được khen rất hay?
- Ở đoạn đầu bài thơ, đúng là rất hay. Nhưng khi lựa chọn cho học sinh lớp 2, ngoài tiêu chí chọn nội dung hay, chúng tôi phải quan tâm tới những yếu tố khác. Đoạn đầu bài thơ có câu “Đi phải chống gậy/ Khập khiễng khập khà”. Từ “khập khà” là cách viết của nhà thơ để gieo vần, nó hợp lý khi nằm trong chỉnh thể bài thơ. Nhưng xét ở mục đích dạy tiếng Việt cho học sinh thì đó là từ không chuẩn và khó hiểu với học sinh lớp 2. Ngoài ra theo quan điểm của nhóm biên soạn, ở phần đầu có một số câu nôm na, không “thơ” bằng phần sau. Đặc biệt ở phần sau khi đứa cháu bảo ông nói “Không đau! Không đau!”, người ông làm theo... là phần rất thú vị, thể hiện tình cảm trong sáng, cách nghĩ hồn nhiên rất trẻ con của người cháu. Theo tôi, cái thần của bài thơ nằm ở đây. Đó là lý do chúng tôi chọn đoạn trích sau.
Tôi cũng rất chia sẻ với các độc giả từng học hoặc biết SGK lớp 4 trước đây đã quá quen thuộc với đoạn trích Thương ông nên có ý kiến không đồng tình với cách lựa chọn đoạn trích sau, nhưng cũng mong độc giả hiểu cho chúng tôi không hề tùy tiện mà phải nghiên cứu kỹ khi có quyết định như thế. Vì chọn đoạn trích cho học sinh lớp 2 không phải việc dễ.
* Với những lý do trên, tại sao nhóm biên soạn không chọn một tác phẩm khác có độ dài vừa phải để không phải cắt xén?
- Chúng tôi chọn vì Thương ông là một bài thơ rất hay của một nhà thơ lớn của VN. Cũng trong SGK Tiếng Việt chủ đề ông bà, chúng tôi đưa vào một bài thơ khác Ông và cháu khá hay, nhưng bài thơ này lại quá ngắn, không thể sử dụng để “tập đọc” mà chỉ đưa vào ở phần yêu cầu “viết chính tả”. Nói đến việc lựa chọn đoạn trích cho sách tiếng Việt cho trẻ em ở lớp 1, lớp 2, chúng tôi mất rất nhiều thời gian. Ngoài việc có bản gốc chính xác của tác phẩm, phải lựa chọn kỹ để đoạn trích đủ về số lượng chữ theo yêu cầu, lại vẫn đưa được nội dung chính, thể hiện được phong cách của các nhà thơ, nhà văn. Từng có những tác phẩm văn xuôi dài 10 trang, chúng tôi phải cắt chỉ còn 250 chữ nhưng vẫn đảm bảo tất cả các yêu cầu trên. Ở bài thơ Thương ông chúng tôi chỉ lược bớt chứ không thêm nội dung, sửa chữa câu chữ.
* Theo quy định, việc đưa không toàn vẹn một tác phẩm thì ở đoạn đầu và cuối đoạn trích cần có dấu ba chấm trong ngoặc đơn để người đọc biết, nhưng ở các đoạn trích nói chung và đoạn trích bài Thương ông trong SGK Tiếng Việt lớp 2 không làm như vậy?
- Đúng là cần phải để ba chấm ở những đoạn không liền mạch so với bản gốc. Nhưng đó là trích dẫn cho người lớn đọc. Còn đối với trẻ em, nhất là học sinh lớp 2, việc đưa vào ba chấm đó thì giáo viên lại phải giải thích, trẻ em cũng không hiểu. Ngoài ra, trong các đoạn trích, chúng tôi thường ghi rõ trích theo tác phẩm nào đó rồi.
VĨNH HÀ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận