Theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường, chuyên gia về hỗ trợ sinh sản, về kỹ thuật, việc sau khi người đó qua đời là hoàn toàn thực hiện được, dù nhiều người nghĩ đây là điều lạ lùng do tim, não, phổi... đều ngừng hoạt động, nhưng tinh trùng lại vẫn sống.
"Tinh trùng là loại tế bài được sinh ra để di chuyển bên ngoài cơ thể, nó có thể tự nuôi sống nó trong vài ngày và sau đó tự chết đi. Vì vậy, sau khi một người mất, 24-36h sau vẫn còn lấy được tinh trùng sống, không ảnh hưởng bởi nguyên nhân mất" - bác sĩ Tường cho biết.
Có tranh cãi về pháp lý
Việc gia đình gửi mẫu tinh trùng của thanh niên 28 tuổi qua đời hôm 5-1 vừa qua đang gây tranh cãi về pháp lý, bởi cùng thời điểm này có một gia đình có mẫu tinh trùng gửi tại Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM, người gửi mẫu đã qua đời, hiện mẹ đẻ và vợ của người gửi mẫu đang đề nghị được trả lại để sinh con nhưng không được chấp thuận.
Theo bác sĩ Tường, Bệnh viện Từ Dũ làm như vậy là đúng với các quy định pháp luật hiện có, cụ thể là Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 và Nghị định 10/2015 của Chính phủ.
Nghị định 10 đã quy định những người được gửi tinh trùng gồm người chồng/vợ trong gia đình đang điều trị vô sinh; Người có nguyện vọng lưu giữ cá nhân; Người tình nguyện hiến tặng tinh trùng. Như vậy, theo nghị định 10, người thân không được đề nghị lấy mẫu tinh trùng của người đã qua đời và gửi lưu trữ.
Ông Tường cũng cho rằng việc sử dụng tinh trùng sau khi người gửi mẫu mất đi cũng là không thể, theo Luật hiện hành.
"Nếu vợ/chồng hoặc cả hai người cùng lưu trữ tinh trùng, sau khi chồng mất thì vợ được tiếp tục lưu trữ, nhưng sau đó thì không thể sử dụng vì hôn nhân đã chấm dứt sau khi chồng chết" - ông Tường phân tích.
Hiện đang có nhiều bệnh viện ở VN có lưu mẫu tinh trùng của người đã qua đời (việc lưu trữ có thể tiến hành khi người đó còn sống, hoặc sau khi người đó qua đời, người thân đề nghị gửi mẫu).
Gần đây khi "đi bão" sau khi đội tuyển bóng đá thắng cuộc, một nam thanh niên ở Hà Nội cũng qua đời và người thân cũng đề nghị gửi mẫu tinh trùng. Đã có một gia đình sinh hai con trai sau khi chồng mất bốn năm, với tinh trùng lưu trữ sau khi người chồng mất...
Về mặt kỹ thuật và yếu tố nhân văn, đây là những câu chuyện đáng nói, nhưng về mặt pháp lý, ông Tường cho rằng không phù hợp với các quy định hiện hành.
Có thể coi đó là mẫu tinh trùng hiến tặng?
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho hay khi người gửi mẫu tinh trùng qua đời, cha, mẹ và vợ của người đó đều không có quyền nhận mẫu để sinh con, mà nên coi đó là tinh trùng hiến tặng, mã hóa mẫu đó và sử dụng cho những trường hợp pháp luật cho phép.
Ông Tường thì cho biết đây là vấn đề gây tranh luận ở nhiều nước, không chỉ có VN, bởi chuyện sinh sản của người đã chết liên quan đến nhiều rắc rối pháp lý và đạo đức.
Luật pháp VN hiện hành cũng chưa cho phép trữ lạnh tinh trùng sau khi người có mẫu tinh trùng đó đã qua đời, do còn liên quan đến đạo đức, quyền con người và tự do cá nhân.
"Có thể quy định luật pháp trong những vụ việc như thế này là chưa đầy đủ, nhưng trước hết phải thực hiện theo luật"- ông Tường chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận