Chất lượng cuộc sống kém khi quá tiết kiệm
Mới đây trên mạng xã hội , bài đăng của một cô gái được chia sẻ khi viết về khác biệt giữa quan điểm chi tiêu của mình và người bạn thân.
Cô gái kể mình năm nay 20 tuổi, lương 30 triệu/tháng nhưng chỉ tiêu vặt 2 triệu. Trong khi người bạn thân là nam, 23 tuổi, lương chưa đến 10 triệu nhưng tiêu lặt vặt khoảng 4 triệu mỗi tháng. "Anh ấy nói mình không có tư duy về tiền, và không bao giờ hạnh phúc được", cô nói.
Cho rằng cô gái phải "cắm đầu" làm nhiều hơn mình, chàng trai bảo cô gái thực chất là đang trả nợ cho những thứ mình chưa vay, tiết kiệm từng đồng chỉ để trả giá cho một tương lai chưa chắc chắn.
"Nhìn lại xem. Tự thấy ai sướng hơn ai liền. Quan điểm cứng (của anh - PV) là phải vay để trả, còn hơn không vay mà vẫn cắm đầu làm để trả nợ cho sự yên tâm trong tương lai. Thế có khác gì là đang nợ đâu", anh này nhắn.
Anh nói thêm rằng thế thì dù cô gái có kiếm 10 triệu hay 100 triệu, chất lượng cuộc sống cũng chẳng khác gì nhau.
Thu nhập thấp hay cao, vẫn nên tiết kiệm?
Nhìn qua, đa số đều cảm nhận rằng cô gái này còn trẻ nhưng biết quản lý tài chính, tiết kiệm là rất tốt, quan trọng là thấy hạnh phúc với nhu cầu chi tiêu của bản thân và không cần để ý tới lời người khác, bởi mỗi người một cuộc sống.
Theo chị Kim Thương, cô gái không phải đang trả nợ cho thứ mình chưa vay, mà là cố gắng tiết kiệm tiền để chi cho những thứ mình thích, mình cần hơn là phải đi vay để tiêu xài rồi trả nợ, cuộc sống quanh quẩn vay tiền rồi đi làm trả nợ.
Anh Hoàng Nghĩa (27 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) nhìn nhận cô gái có tính tiết kiệm là rất đáng quý, quan trọng thấy thoải mái là được.
"Thu nhập cao hay thấp vẫn nên tiết kiệm để phòng ngừa rủi ro trong tương lai như bệnh tật, thất nghiệp, hoặc chuẩn bị cho kế hoạch dài hạn nào đó. Kể cả chưa biết làm gì thì có một số tiền bên cạnh làm quỹ tài chính khẩn cấp vẫn tốt hơn là có bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu", anh cho biết.
"Tiết kiệm để phòng thân, để khi người nhà hay chính bản thân mình nếu gặp biến cố thì cũng có tiền để giải quyết. Hơn nữa khi có tiền, cơ hội đến bạn cũng sẵn sàng xuống tiền đầu tư, hơn là chẳng có đồng nào, vuột mất cơ hội", một tài khoản nữ trên ứng dụng Threads bình luận.
Đồng quan điểm, chị Như Tâm nói rằng không quan trọng kiếm được bao nhiêu, mà là tiết kiệm được bao nhiêu. So sánh giữa người làm được 10 triệu mà tiết kiệm 5 triệu, với người kiếm 30 triệu mà chỉ để dành được 3 triệu thì người dư 5 triệu vẫn ok hơn.
"Mình mỗi tháng làm không được nhiều tiền, nhưng nhờ tích lũy dần nên khi đi du học, mình tiêu khoảng 50 triệu từ tiền tiết kiệm. Còn chị mình mỗi tháng kiếm 20 triệu nhưng tiêu hết, đến khi du học lại đi vay, giờ vẫn đang làm trả nợ", chị Tâm nói. Cô cho rằng người trẻ nên sống trên tinh thần "tiết kiệm được gì thì cứ làm", và hãy đầu tư vào những gì chính đáng.
Với nhiều người, chi tiêu chỉ 10% thu nhập là rất đáng ngưỡng mộ trong xã hội hiện nay, khi mà một số bạn trẻ cổ vũ lối sống YOLO, kiếm thật nhiều và tiêu tẹt ga.
Hưởng thụ cuộc sống cũng không có gì sai
Bên cạnh vài ý kiến cho rằng chàng trai thu nhập thấp mà còn không biết tiết kiệm, áp đặt quan điểm cá nhân lên người khác thì một số cư dân mạng nhận định anh này cũng chẳng sai khi có nhu cầu chi tiêu để hưởng thụ cuộc sống.
"Một người quá tiết kiệm, một người quá phung phí. 49 gặp 50!", một bạn nam bày tỏ.
"Người ta làm ra nhiều hay ít, tiêu bao nhiêu là quyền của người ta. Tiết kiệm càng nhiều thì càng có của để dành cho nhiều việc lớn trong tương lai. Không phải cứ tiêu thật nhiều thì mới là trân trọng bản thân. Đến lúc cần tiền gấp thì mới thấy hậu quả của thói quen tiêu dùng hưởng thụ", bạn Minh Châu nêu suy nghĩ.
Theo ông Nguyễn Hà Phương - một người ở tuổi 50, những người thích tiêu xài không lo lắng cho tương lai hay biện minh cho hành động của mình như chàng trai kia.
"Lối sống "paycheck to paycheck" đầy người phản biện rồi. Nhưng bạn tiêu 1-2 triệu thì đúng là ít thật. Lâu lâu phải thả bản thân một tí để có động lực kiếm tiền nhiều hơn", ông Phương cho hay.
Trong khi đó, cô gái có nickname Mèo Xù nhận định hai bạn trong câu chuyện có quan điểm, suy nghĩ khác nhau. Người thích tận hưởng từng giây, người thì nghĩ hạnh phúc ở tương lai.
"Không ai sai, chỉ là quan điểm không hợp nên tốt nhất nước sông không phạm nước giếng cho nhẹ đầu".
Nên bỏ thêm tiền học kỹ năng, đầu tư nhỏ
Có người khuyên cô gái nên bỏ ra thêm 1 - 2 triệu/tháng học một kỹ năng mới, hay sở thích mới để nâng cấp bản thân, hơn là chỉ có mỗi việc tiết kiệm, vì "chỉ tiết kiệm cũng không giàu lên được".
Chị Trần Ngọc Trang (nhân viên ngân hàng ở quận 7, TP.HCM) cho rằng nếu đã tiết kiệm được một khoản kha khá như vậy, thay vì để tiền nằm im trong tài khoản thì có thể tìm hiểu, tham khảo một số cách để tiền sinh lời như gửi tiết kiệm ngân hàng, mua vàng, trái phiếu, chứng khoán, chứng chỉ quỹ… tùy vào khả năng tài chính và sự hiểu biết về mô hình đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận