Tranh sơn mài thuộc series Ao sen (họa sĩ Bùi Trọng Dư) bị xâm phạm bản quyền, bị nhiều công ty áo dài tự ý in lên mẫu áo chào bán
Đó là cả quãng đường dài, nhiều mồ hôi và nước mắt, đánh đổi cả về sức khỏe nữa. Nhưng chỉ bằng mấy giây gõ google là các cửa hàng ăn, các hãng thời trang, các hãng in... đã có thể lấy luôn và đem in ấn bừa bãi thành hàng trăm bộ áo dài với mục đích kinh doanh. Đó là một thực trạng rất buồn nhất là với một họa sĩ trẻ đang khẳng định tên tuổi như tôi. Bởi vậy tôi mong muốn các đơn vị vi phạm cần phải có một sự xin lỗi công khai, dừng lại hành động sử dụng tác phẩm hội họa của các họa sĩ vào việc kinh doanh một cách vô ý thức.
Họa sĩ Nguyễn Thu Huyền
Cũng theo họa sĩ Nguyễn Thu Huyền, ngoài việc việc nhận lỗi, các công ty áo dài phải có trách nhiệm thu hồi toàn bộ các sản phẩm có sử dụng tranh của các họa sĩ.
Cô nhấn mạnh: "Việc này có thể sẽ phải nhờ tới sự can thiệp của pháp luật. Tôi cũng đang cố gắng cùng các họa sĩ khác đòi lại sự công bằng cho tác phẩm của mình. Cần có sự đền bù thiệt hại cho những hành động đó. Nếu không có sự thiện ý và nhận lỗi, việc kiện tụng hoàn toàn có thể xảy ra.".
Cắt dán tranh lên vải = thiết kế áo dài?
Mấy ngày qua, nhiều họa sĩ ở Hà Nội và Huế đồng loạt tố cáo nhiều công ty áo dài như Công ty in vải kỹ thuật số L.A, Công ty in vải kỹ thuật số P.T, Công ty TNHH in ấn dệt may P.M, Vải may áo dài L.H… đã sử dụng trái phép các tác phẩm tranh của họ, dùng bừa bãi lên mẫu áo dài, chào bán rộng rãi trên mạng xã hội.
Với hàng trăm mẫu áo dài được tung ra trên mạng, nhiều họa sĩ đã nhận ra những đứa con tinh thần của mình như họa sĩ Bùi Trọng Dư, Lâm Đức Mạnh, Ngụy Đình Hà), Nguyễn Thu Huyền, Nguyễn Đăng Sơn, Lê Phan Quốc, Phan Linh Bảo Hạnh… và còn nhiều mẫu thiết kế chưa xác nhận được tranh của họa sĩ nào do quá nhiều.
Một số mẫu áo dài chép trái phép tranh của họa sĩ
Phần lớn các họa sĩ "nạn nhân" đều rất phẫn nộ vì ngoài việc không được xin phép sử dụng, không được trả tác quyền đã đành, mà họ còn đau xót khi thấy những đứa con tinh thần của mình bị cắt ghép thô thiển, khiên cưỡng lên tà áo dài.
Thậm chí có những mẫu áo dài sử dụng bức tranh này làm nền cho một bức tranh khác chồng lên, như tranh cô gái của họa sĩ Nguyễn Thu Huyền bị chồng lên tranh sơn mài Ao sen của họa sĩ Bùi Trọng Dư bởi mẫu thiết kế của Công ty L.A…
Và như thế đơn vị này đã cùng lúc xâm phạm bản quyền hai tác phẩm tranh của hai họa sĩ.
Những họa sĩ có tác phẩm bị "đạo lên áo dài" đều kịch liệt phản đối việc thiết kế tùy tiện trên của các công ty áo dài. Họ cho rằng tranh có ngôn ngữ của tranh, áo dài đòi hỏi thiết kế theo ngôn ngữ khác. Việc sử dụng cắt ghép tranh lên áo dài là một việc làm ấu trĩ, thô thiển, không có gu thẩm mỹ.
Các mẫu áo dài đạo tranh
Tức nước vỡ bờ
Trao đổi với họa sĩ Bùi Trọng Dư vào chiều ngày 5-5 được biết, cá nhân anh từng bị đạo tranh lên các sản phẩm tiêu dùng nhiều lần, nên lần này với quy mô nhiều họa sĩ đều bị thiệt hại với số lượng lớn: "Các họa sĩ vốn không thích kiện tụng, chỉ muốn yên ả để tập trung sáng tác nhưng lần này thì tức nước vỡ bờ, không thể cho qua được nữa".
Nhóm các họa sĩ bị "đạo tranh" lên áo dài đã quyết tâm kết nối với nhau chặt chẽ, và đang tìm luật sư để xin tư vấn pháp luật, nhằm thảo đơn kiện gửi tới các đơn vị vi phạm.
"Luật sư đang giúp chúng tôi soạn thư để gửi đến các công ty áo dài. Nếu họ không có phản hồi tích cực thì chúng tôi khởi kiện", họa sĩ Bùi Trọng Dư khẳng định.
Đây được coi là động thái rất mạnh mẽ và quyết liệt của các họa sĩ, cương quyết nói "Không" với nạn xâm phạm bản quyền.
Ngoài ra nhóm các họa sĩ cũng liên tục sử dụng mạng xã hội cá nhân, đăng tải lại các hình ảnh mẫu áo dài vi phạm bản quyền tranh, tố cáo mạnh mẽ hơn nữa đối với cộng đồng mạng với mong muốn cộng đồng nhận thức được việc thế nào là xâm phạm bản quyền tác phẩm nghệ thuật và cần chấm dứt chúng.
Đoạn chat giữa công ty L.A với họa sĩ Bùi Trọng Dư cho thấy công ty này không nhận thức được việc mình xâm phạm bản quyền tranh
Sau khi ồn ào trên truyền thông thì mới xin lỗi
Các công ty áo dài né trách nhiệm
Ngay sau khi phát hiện ra tranh mình bị xâm phạm, họa sĩ Bùi Trọng Dư đã liên hệ với các công ty áo dài để đòi lại "công bằng", tuy nhiên anh đều không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Chỉ sau khi sự việc ồn ào trên truyền thông, vào trưa Công ty in vải LA mới chịu nhắn tin xin lỗi họa sĩ Bùi Trọng Dư và cam kết sẽ xóa bỏ những mẫu thiết kế vi phạm bản quyền tranh và mong họa sĩ bỏ qua việc này.
Công ty này thanh minh rằng họ là công ty nhỏ lẻ, không hiểu rõ về vấn đề tác quyền và đã gỡ bỏ những hình ảnh mẫu áo dài sử dụng tranh của các họa sĩ.
Một số mẫu áo dài chép trái phép tranh của các họa sĩ
Tuy nhiên trước đó, khi họa sĩ Bùi Trọng Dư liên hệ tới và báo chí chưa đăng tải sự việc, công ty này đã trả lời rất qua quýt rằng họ chỉ in theo mẫu thiết kế của khách đặt in áo dài và cho rằng "tranh của họa sĩ tràn lan trên mạng, công ty này không dùng thì công ty khác cũng dùng để làm mẫu áo dài".
Câu trả lời ráo hoảnh, không hề có thành ý xin lỗi này đã khiến họa sĩ Bùi Trọng Dư rất bức xúc và đau lòng. Liên hệ với nhiều đơn vị áo dài xâm phạm bản quyền tranh khác, họ đều né tránh bằng cách nói chỉ là nhân viên, sẽ báo lại cho cấp lãnh đạo và phản hồi sau.
Nhiều họa sĩ bức xúc cho rằng nếu cứ xâm phạm bản quyền, bắt được thì xin lỗi và bỏ qua thì mọi chuyện quá dễ dàng và dễ tiếp tục bị xâm phạm. Đã đến lúc không thể bỏ qua lỗi xâm phạm bản quyền các tác phẩm sở hữu trí tuệ nói chung và các tác phẩm nghệ thuật nói riêng một cách nhẹ nhàng như vậy được.
Tranh sơn dầu của họa sĩ Phan Linh Bảo Hạnh
Và mẫu áo dài ngang nhiên chép tranh
Tranh sơn dầu Hai chị em (họa sĩ Ngụy Đình Hà)
Và mẫu áo dài ngang nhiên xâm phạm bản quyền
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận