28/10/2005 06:54 GMT+7

"Trang trại"... phim trường

HOÀI NAM
HOÀI NAM

TT - Làn sóng phim Hàn Quốc tràn vào VN, những cốt truyện đơn giản, quanh đi quẩn lại vẫn là những chuyện tình tay ba, tay tư, những mảnh đời nghiệt ngã... nhưng vẫn khiến khán giả xứ mình chờ đợi hằng đêm?

BkzC9eLc.jpgPhóng to
Bối cảnh phim trường bộ phim Chihwaseon trông giống một khu làng cổ xưa. Các nhà làm phim có thể đặt nhiều góc máy để một lúc có thể lấy được hình ảnh từ mọi góc độ mà không sợ “dính” những bối cảnh khác - Ảnh: Lữ Đắc Long

Công nghệ phim Hàn Quốc có khác gì so với công nghệ làm phim VN mà sao “người ăn không hết kẻ lần không ra”? Phóng viên Tuổi Trẻ đã có mặt ở xứ Hàn để xem phim của họ từ sau... “cánh gà”.

Từ thành phố Seoul đến phim trường Yangsuri (thuộc tỉnh Gyeongy Ri) khoảng 100km. Đây là một trong những phim trường lớn nhất Hàn Quốc (HQ) hiện nay và còn là một khu du lịch rất hút du khách năm châu. Giá vé cho mỗi khách vào tham quan là 3.000 won (khoảng 3 USD).

Khám phá Yangsuri

Cả đoàn lục tục lên xe, bác tài xế người Hàn mỉm cười thân thiện, ông bảo: “Cô muốn gãy chân sao mà đòi đi bộ?”, rồi ông đưa tôi xem bản đồ phim trường. Tôi... choáng. Ông Kim Jeong Ho, quản lý phim trường, cho biết: “Phim trường Yangsuri rộng hơn 120ha, trong đó 28ha là diện tích xây dựng các trụ sở, tòa nhà chính gồm sáu phim trường nội (quay nội cảnh) theo nhiều diện tích khác nhau: lớn, vừa, nhỏ và đặc biệt (thiết kế qui mô nhằm phục vụ những phim dùng kỹ xảo, 3D)”.

Chỉ nói riêng diện tích thì phim trường này lớn hơn cả những đại trang trại ở VN, còn phim trường được xem là lớn nhất VN trong tương lai cũng chỉ trên 10ha vừa được xây dựng từ ngày 29-10 tại Bình Dương do Công ty TVM đầu tư, phim trường đang sử dụng được xem là “đồ sộ” nhất hiện nay thì rộng 8.000m2 của Công ty BHD!

Nếu một năm HQ sản xuất trên 100 bộ phim thì hơn 60 bộ phim thực hiện tại phim trường Yangsuri. Tất cả qui trình làm phim đều được thực hiện tại đây từ thiết bị, phòng thu, âm thanh, ánh sáng, hậu kỳ..., nói chung là từ A đến Z.

Xe lăn bánh, tôi bắt đầu khám phá một thế giới khác sau những gì mình đã xem mỏi mắt trên tivi khi còn ở bên nhà. Thật tình ban đầu tôi đoán có lẽ phim trường ở đây cũng sẽ na ná như VN, dựng lên với những vật liệu đơn giản, bình thường, hơn chăng là kỹ thuật quay phim của họ giỏi nên lên hình trông đẹp hơn, bắt mắt hơn!

Thế nhưng, xe càng vào sâu cảnh trí càng ấn tượng với những khóm hoa nở rộ mọc hai bên đường đi, những con đường dốc ngoằn ngoèo, những khu nhà xưa, nhà cổ, nhà hiện đại được phân chia theo từng khu riêng biệt, giống như nhà thật có người đang ở, xa xa là đồi núi trập trùng. Cô bạn đồng nghiệp đi cùng tôi thốt lên: “Đây mới đúng là... phim trường, mọi thứ quá hoành tráng, y như thật”. Mà đúng là hoành tráng thật.

Vào khu nhà xưa được xây dựng theo mô hình triều đại Choson gọi là khu nhà Woon-dang, ai cũng phải công nhận “giống như thật”. Hàng chục dãy nhà được thiết kế bề thế. Nhà quan lại trang trọng, tầng lớp rõ rệt, từng chi tiết mái ngói chạm trổ công phu, màu sắc tinh tế. Dãy nhà của “dân đen” cũ kỹ, thô mộc, đậm nét cổ xưa.

Ông Kim Jeong Ho rất tự hào khi nói khu nhà Woon-dang này được đem nguyên mẫu từ khu Jongno thuộc thành phố Seoul lên đây, “vì chúng tôi muốn mọi thứ giống như thật, từ mái ngói, mái tranh đến tấm ván, cánh cửa lên phim phải thật đẹp, thật giống và cũng để khách sau khi xem phim có dịp đến đây chiêm ngưỡng nó”.

Yangsuri còn tồn tại hai phim trường của hai bộ phim nổi tiếng trước đây. Đó là phim Chihwaseon, nói về họa sĩ nổi tiếng Jang Seung của HQ thế kỷ 19, do Im Kwon Tae đạo diễn, đoạt giải đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes năm 2002. Bối cảnh phim là một ngôi làng cổ, các khu chợ cổ, cũ kỹ, dài tăm tắp.

Khi quay các bối cảnh xưa ở đây, các nhà làm phim có thể đặt nhiều máy quay để một lúc có thể lấy được nhiều hình ảnh từ mọi góc độ mà không sợ “dính” những bối cảnh rườm rà của cuộc sống hiện đại. Ngôi nhà của nhân vật chính trong phim nằm khuất trong một con đường nhỏ, xung quanh là bức tường rào bằng đất mọc đầy hoa dại. Mọi vật dụng trong nhà đều được bài trí sống động, tự nhiên, từ bộ ly bằng đất nung đến cái chén cũ sau nhà bếp.

Mọi người tranh thủ bấm máy lia lịa như muốn thu vào máy mình tất cả khung cảnh tuyệt đẹp. Tôi đưa ánh mắt tò mò nhìn quanh, nhìn người phục vụ tỉ mỉ sửa lại cánh cửa, chỉnh lại miếng đất có trồng cây bí đỏ trước nhà. Cô nói: “Chúng tôi chăm sóc nơi này như chăm sóc ngôi nhà của mình, nếu bộ phim được dân chúng yêu thích thì nơi đây là địa điểm họ thấy tận mắt bối cảnh trong phim”.

Phim trường thứ hai là của bộ phim đem lại doanh thu bậc nhất HQ - JSA (Khu vực phi quân sự - phim đã có DVD tại VN từ rất lâu), kể về cuộc xung đột Nam - Bắc Triều Tiên do diễn viên Song Kang Ho, Lee Byung Hun, Lee Young Ae đóng. Tất cả bối cảnh trong phim như thế nào đều được giữ nguyên vẹn như đài quan sát của phía Hàn Quốc cao chót vót.

Đồn biên phòng của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đậm một màu xanh, im lìm. Nhìn tòa nhà Bàn Môn Điếm ai nấy đều thốt lên sao giống quá, qui mô quá. Một đoàn khách tham quan hơn 50 học sinh chỉ trỏ, chụp hình và xuýt xoa: “Chỗ này anh Lee Byung Hun (diễn viên trong phim) đứng nè, anh ấy đọc thơ ở chỗ này, chỗ này anh ấy bị đánh...”.

“Bộ sưu tập 200.000 tiếng động”

Xem cảnh trí một phim trường được xây dựng chỉ để quay cảnh tòa án thôi cũng đủ thấy các nhà làm phim HQ rất nghiêm túc, phim trường giống y như thật, thậm chí đẹp hơn, qui mô hơn cả tòa án thật ngoài đời mà chúng tôi từng được tham quan. Vào khu vực hậu kỳ thì phải im phăng phắc, không được chụp hình và không được nói chuyện. Đi ngang phòng thu tiếng động (sound design studio), tôi ghé mắt nhìn vào.

Ngạc nhiên thấy sao giống đạo cụ trong phim VN quá, cũng đủ thứ ngổn ngang, thau, thùng, cửa, cây, lá khô và cả... đất, cát... Hỏi cô hướng dẫn viên Ahn Me Youn, cô giải thích: không phải phòng thu bề bộn mà đó là những vật liệu nhân viên kỹ thuật sưu tầm để tạo âm thanh. Có khoảng hơn 200.000 tiếng động khác nhau được sưu tầm và lưu giữ trong thư viện âm thanh của hệ thống phòng thu này.

Cô Youn còn cho biết thêm: phần lớn những mô hình thông thường như phòng ốc, nhà cửa các bộ phim truyền hình dài tập đều được dựng sẵn. Tùy theo phim mà thay đổi cách trang trí. Khi cần quay bối cảnh nào, bộ phận kỹ thuật đáp ứng ngay sau đó chỉ vài phút (còn ở VN nhanh lắm cũng 2-3 ngày).

Nhưng có những cái cần thời gian thì họ vẫn “chậm chạp” theo thời gian. Khi vào tận nơi thực hiện bộ phim hoạt hình 3D Wonderful days, tôi mới hiểu được điều này. Bộ phim có sự kết hợp các kỹ thuật máy tính và các công nghệ hiện đại với kinh phí 2,6 triệu USD được thực hiện trong bảy năm.

Khu vực phim trường quay ngoại cảnh của Yangsuri thì bát ngát, và nói chung, muốn sao có vậy với sông ngòi, núi non, nhà cửa... Đứng trên đồi cao nhìn xuống là từng khu nhà liên hợp nối tiếp nhau, tùy từng bối cảnh phim yêu cầu để dựng lên. Siêu thị, trung tâm mua sắm, nhà chờ xe buýt... tất cả đều có sẵn.

Thời điểm chúng tôi đến có ba bộ phim đang thực hiện ngoại cảnh tại đây. Từng miếng xốp được quét màu dựng thành ngôi nhà để phục vụ cho một bộ phim hành động có cảnh quay cháy nổ. Hàng chục thân gỗ đang được dựng lên để thành... rừng cây, phía xa xa là cánh đồng cỏ mênh mông với những ngôi nhà ẩn hiện sau những ngọn đồi, nhưng ngay phía bên kia là phim trường cho những cảnh quay về biển - biển nhân tạo!...

Hôm nay có bộ phim cổ trang của đạo diễn Kim Dae Woo (là tác giả kịch bản phim Scandal, đưa tên tuổi diễn viên Bae Jong Joon lên hàng ngôi sao phim HQ), chúng tôi tranh thủ cơ hội muốn được nhìn tận mắt. Ông Kim Jeong Ho sau vài phút suy nghĩ, gọi điện thoại cho chủ nhiệm đoàn phim, và gật đầu đồng ý.

Nhưng trước khi vào hiện trường ông dặn dò rất kỹ: “Đây là một ngoại lệ, chưa bao giờ đạo diễn cho người lạ vào trong khi đoàn phim đang quay. Các anh chị không được chụp hình, quay phim và trò chuyện lớn tiếng”. Đáng tiếc diễn viên chính của phim Han Suk Kyu (diễn viên trong phim Shiri, rất nổi tiếng) hiện đang hóa trang nên không đồng ý tiếp xúc. Bộ phận thiết kế đang bài trí cảnh quay trong một ngôi nhà gỗ dựng tạm. Người nào cũng tập trung chăm chú cho công việc.

Do thu âm trực tiếp nên hiện trường quay được cách âm rất kỹ, không hề có một tiếng động từ bên ngoài lọt vào. Tranh thủ lúc đổi cảnh quay, đạo diễn Kim Dae Woo bật mí về nội dung và cũng là tiếp thị phim với chúng tôi: “Hấp dẫn và có nhiều cảnh nóng bỏng hơn cả Scandal, chỉ riêng cảnh quay này mà có đến ba camera được đặt theo mỗi góc khác nhau để có thể lấy cận, trung và toàn cảnh. Hãy đón xem phim!”...

------------------------

* Kỳ 2: “Sao Hàn” có khác “sao mình”?

HOÀI NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp