03/01/2025 09:23 GMT+7

Trắng tay vì trót tin cò vay hộ, dịch vụ tài chính dỏm

Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức huy động vốn lãi cao, dịch vụ "bùa" hồ sơ vay ngân hàng thông qua các giấy ủy quyền có yếu tố gian dối, hợp đồng giả cách khá phổ biến.

Trắng tay vì dịch vụ tài chính dỏm - Ảnh 1.

Những đại gia bỗng hóa kẻ không nhà vì trót tin lời đường mật, ủy quyền tài sản cho các “cò” vay hộ - Ảnh: TRÚC QUYÊN

Tuy nhiên thủ đoạn của những "tay trùm" lừa đảo ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi.

Thực tế từ nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trước khi cất mẻ cá lớn, những tay trùm thường "phông bạt" hình ảnh sang chảnh, làm ăn uy tín để lấy lòng con mồi. Người nhiều tiền sa lưới vì các hình thức đầu tư ngắn hạn, lãi suất cao...

Cho vay cả chục tỉ chỉ bằng giấy tay

Quen biết nhau qua các mối quan hệ bắc cầu, tháng 7-2023 bà Nguyễn Thị Khuyên (58 tuổi, ngụ huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) không ngần ngại cho bà Nguyễn Thị Phương Ng. (53 tuổi, cũng ngụ huyện Xuyên Mộc) vay số tiền 12 tỉ đồng.

"Mình nghĩ bả cũng làm ăn đàng hoàng, bả nói tiền để đó cũng không sinh lời hay là cho bà ấy vay ngắn hạn để đáo hạn ngân hàng cho khách, bà ấy hứa xong việc sẽ hoàn trả lại ngay", bà Khuyên kể.

Trước đó, bà Ng. tự giới thiệu mình chuyên cung cấp dịch vụ đáo hạn ngân hàng, các khoản vay cần đáo hạn đa dạng từ vài trăm triệu đồng đến vài tỉ, thậm chí vài chục tỉ đồng. Bên cạnh đó, bà cũng khoe mình đang đầu tư lớn vào lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Nhìn vào uy tín làm ăn của bà Ng. trên thương trường, ai cũng muốn có cơ hội "ké" vào một chân để kiếm thêm "vài đồng" lãi từ số tiền tích cóp bao năm. Bà Nguyễn Thị Hồng Dưỡng (53 tuổi, cùng địa phương) kể:

"Hồi tháng 4 năm ngoái, chị Ng. có nói với tôi về việc không có đủ nguồn tiền để làm hồ sơ đáo hạn ngân hàng nên nhờ tôi huy động vốn, trong vòng 5 - 10 ngày chị Ng. sẽ hoàn trả cả tiền gốc lẫn tiền lời. Lúc đó cũng có mối quan hệ quen biết nhau nên tôi đồng ý".

Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8-2023, bà Dưỡng đã chuyển cho bà Ng. vay số tiền hơn 27 tỉ đồng để đáo hạn ngân hàng cho các khách của bà Ng..

Tuy nhiên xác nhận giao dịch vay tiền này hai bên chỉ viết giấy tay, ký tên và điểm chỉ. Ngoài ra không có cam kết về thời hạn, thời gian hoàn trả nợ.

Cũng với hình thức huy động vốn như trên, bà Nguyễn Thị Mai Phương (cũng ngụ huyện Xuyên Mộc) cũng "vướng" vào phi vụ làm ăn tưởng chừng quá ngon này 6 tỉ đồng.

"Bà ấy nói cần huy động vốn ngắn hạn, có chỗ bà nói 7 - 10 ngày, có chỗ thì nói 5-7 ngày, ngân hàng giải ngân là bà trả ngay cả vốn lẫn lãi. Đến khi nửa tháng hơn mình đòi tiền thì bả nói kẹt, chưa giải ngân được rồi tới giờ im luôn...", bà Phương thẫn thờ kể.

Sau lời hứa ngọt ngào với khoản lãi cao (cao hơn so với lãi suất tiền gửi ngân hàng) là "trái đắng" mà bà Khuyên đang nếm trải. Bà Khuyên sụt sùi cho hay số tiền 12 tỉ đồng là tài sản được dành dụm sau nhiều năm của gia đình bà.

Đang đại gia bỗng hóa... không nhà

Cũng thuộc diện không đủ điều kiện vay ngân hàng (nợ xấu) nên anh Nguyễn Văn Chương (30 tuổi, ngụ Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu) được người quen giới thiệu đến gặp bà Dạ Th. (Bà Rịa - Vũng Tàu) để nhờ bà đứng ra vay hộ.

Với khoản vay 700 triệu đồng, bà Th. yêu cầu anh Chương phải ký ủy quyền căn nhà mà anh đang đứng tên trên sổ đỏ cho bà.

"Bà Th. nói là ủy quyền để bà đứng ra làm hồ sơ vay ngân hàng cho tôi, trước đó người quen của tôi nói bà này làm ăn uy tín nên tôi tin tưởng làm theo và cũng vay được tiền thật", anh Chương nói.

Đến năm 2022 kinh doanh phế liệu thua lỗ, anh Chương lại nhờ bà Th. làm hồ sơ vay 600 triệu đồng, tài sản thế chấp là sổ đỏ do chị gái anh đứng tên. Lần này bà Th. cũng yêu cầu làm giấy ủy quyền tài sản cho bà như lần trước.

Tuy nhiên sau khi cầm tiền trên tay vẫn chưa đủ xoay xở công việc gia đình, tháng

10-2022 anh Chương tiếp tục nhờ bà Th. đứng ra vay hộ 700 triệu đồng, thế chấp bằng miếng đất mà cha mẹ mình đang đứng tên, đây cũng là tài sản cuối cùng của gia đình anh.

Xong việc, bà Th. nói với anh Chương rằng sổ đất đã ở trong ngân hàng, tới tháng cứ đóng tiền lãi thông qua bà. "Nhiều khi tiền tôi chưa về, bả cũng cho mượn, đóng giùm.

Cứ cộng dồn, đóng lần lần rồi bả nói tiền bả cho mình mượn là cũng đi vay chỗ này chỗ kia. Đến lúc cộng tiền lãi ra mấy trăm triệu, nửa tỉ hơn, tôi mới hoảng", anh kể.

Tới lúc này anh Chương nghĩ tới phương án bán căn nhà đứng tên cha mẹ mình để tất toán các khoản nợ ngân hàng, anh cũng đồng ý bán căn nhà này cho bà Th. với giá 3,2 tỉ đồng nhưng bà Th. cứ dây dưa không động tĩnh, trong khi lãi mẹ cứ đẻ lãi con liên hồi.

Nghi ngờ, anh tìm hiểu thì biết bà Th. thực vay thửa đất của anh 1,8 tỉ đồng, thửa đất của chị gái anh 2 tỉ đồng. Hai thửa đất này và thửa đất do cha mẹ anh Chương đứng tên hiện tại bà Th. đều đã sang tên lại cho người khác.

Anh Chương nói chiêu thức của bà Th. là tạo sự tin tưởng để anh ký các hợp đồng ủy quyền, đồng thời đưa sổ đỏ, giấy tờ để bà ta thực hiện các thủ tục giao dịch với ngân hàng.

Còn anh chỉ cầm hình ảnh giấy "bảo lãnh khoản vay" viết bằng tay, không đóng mộc và được gửi qua Zalo.

"Tài sản nhà tôi gần 7 tỉ bạc, nhận thực tế có 2 tỉ mấy thôi. Bây giờ căn nhà tôi đang ở bả cũng đã sang tên lại cho vợ chồng con gái bả rồi, tôi như kẻ không nhà, tài sản của tôi rơi vào tay bả hết", anh Chương nói.

Rất khó đòi lại tài sản

Theo luật gia Phạm Văn Chung, lợi dụng quy định về ủy quyền nên nhiều đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản một cách phức tạp.

"Cần phải xem xét kỹ quá trình hình thành hợp đồng ủy quyền, người nhận ủy quyền có dùng thủ đoạn hoặc các hành vi gian dối, bao gồm việc đưa ra các thông tin không có thật để thúc đẩy người ủy quyền ký giấy hay không, từ đó mới có thể đề nghị cơ quan chức năng xử lý tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017)", ông Chung nói.

Theo ông Chung, cơ quan chức năng cũng xem xét đây có phải là hợp đồng giả cách hay không, có được các bên xác lập một cách giả tạo để che giấu giao dịch dân sự khác.

Theo quy định của pháp luật, hợp đồng giả cách không có giá trị pháp lý, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng cho các bên.

Mất hết nhà đất vì nhờ "cò" đi vay

Bắt nguồn từ một lần hụt tiền khi đi mua đất, bà Nguyễn Thị Thùy Trang (38 tuổi, ngụ thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) biết đến bà Nguyễn Thị Dạ Th. (54 tuổi, cùng địa phương).

Người quen của bà Trang giới thiệu bà Th. chuyên cho người khác vay tiền, làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng cũng như các dịch vụ chỉnh lý, sang tên, chuyển nhượng và các giấy tờ liên quan đến bất động sản.

Lần đầu bà Trang được bà Th. cho vay 600 triệu đồng để chồng tiền mua đất, sau đó bà Th. sẽ làm hồ sơ vay ngân hàng, thế chấp bằng thửa đất vừa mua để bà Trang có tiền trả nợ cho mình.

Tuy nhiên để giải ngân được khoản vay này, bà Th. gợi ý bà Trang phải sang tên tài sản thế chấp lại cho người thân trong nhà, vì bản thân bà Trang đã có khoản vay tại ngân hàng rồi, khó được chấp thuận thêm.

"Tôi vay 600 triệu nhưng thực nhận 530 triệu, 70 triệu kia bà Th. nói là tiền lãi 10 ngày thu trước. Mua đất xong, bà Th. nói làm hồ sơ cho tôi vay ngân hàng 600 triệu trong khoảng 10 ngày là giải ngân.

Nhưng hai tháng sau vẫn chưa thấy động tĩnh gì, bà Th. nói tôi vay 2 tỉ đi vì phí dịch vụ, phí che quy hoạch rồi tiền này kia nữa sợ không còn đủ trả nợ cho bà ấy, sau đó bà Th. lại nói làm cho tôi vay 4 tỉ", bà Trang kể.

Từ số tiền này, các khoản tiền mà bà Trang phải chi trả cho bà Th. như sau: phí "dịch vụ" cho khoản vay 4 tỉ là 221 triệu đồng, tiền gốc 530 triệu đồng, tiền lãi 55 ngày là 385 triệu đồng, tổng cộng 1,136 tỉ đồng.

Dẫu vay tiền lãi cao nhưng quá trình tiếp theo bà Trang vẫn tiếp tục tin tưởng và làm ăn với bà Th. bằng hình thức tương tự, sử dụng nguồn tiền từ bà Th. cho vay để mua bất động sản, sau đó bà Th. sẽ "bùa phép" các hồ sơ vay vốn ngân hàng cho bà Trang để thu hồi nợ về cho mình.

Tuy nhiên những lần sau để làm được các hồ sơ vay ngân hàng, bà Th. buộc bà Trang phải làm thủ tục chuyển nhượng các thửa đất vừa mua (cũng là tài sản thế chấp ngân hàng) cho bà hoặc cho con cháu của bà, những người này đứng tên trên hồ sơ vay ngân hàng.

"Tổng cộng tôi đã chuyển nhượng cho con trai bà Th. hai thửa đất, chuyển nhượng cho bà Th. một thửa đất và chuyển cọc luôn cho bả một thửa đất, thiệt hại hơn 20 tỉ đồng.

Căn nhà lớn của tôi bây giờ cũng bị mẹ con bà Th. sử dụng, mặc dù trước đó việc chuyển nhượng tài sản là để con trai bà đứng ra vay hộ cho tôi" - bà Trang nuốt nước mắt nói.

Uất ức, bà Trang nộp đơn tố cáo đến công an nhưng ngày 7-11-2023 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Phú Mỹ có văn bản thông báo vụ việc trên không có dấu hiệu tội phạm, đồng thời ra quyết định không khởi tố vụ án.

Riêng với phần tranh chấp về tài sản giữa những người liên quan trong vụ việc là tranh chấp dân sự, nếu không thỏa thuận được, đề nghị bà Trang khởi kiện ra tòa án để được giải quyết theo thẩm quyền, quy định của pháp luật.

Trắng tay vì dịch vụ tài chính dỏm - Ảnh 2.Cuối năm, tội phạm mạng càng tung chiêu, lừa đảo hàng tỉ đồng

Dù đã có quy định bắt buộc xác thực sinh trắc học với mọi giao dịch online từ 1-1-2025 để bảo vệ chủ tài khoản, nhưng tội phạm mạng vẫn tung chiêu để lừa khách hàng sập bẫy và trộm sạch tiền trong tài khoản.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp