28/04/2015 08:30 GMT+7

​“Trắng tay” vì nhận thế chấp bằng giấy tay

DƯƠNG NGỌC HÀ
DƯƠNG NGỌC HÀ

TT - Hợp đồng cho vay viết tay, người vay tiền thế chấp bằng giấy chủ quyền nhà đất đứng tên người khác, khiến người cho vay có nguy cơ “trắng tay”.

Bà H. gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan - Ảnh: Hữu Khoa

Nhiều tháng nay, bà H. gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng khởi kiện, khiếu nại, tố cáo về việc ông A. (ở xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP.HCM) vay tiền của bà nhiều năm không trả.

Theo lời bà H., bà cho ông A. vay 420 triệu đồng vào đầu năm 2009. Để bảo đảm trả nợ, ông A. thế chấp cho bà H. giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy chủ quyền nhà đất) đứng tên bà M. - mẹ vợ của ông A..

Sáu tháng sau, ông A. mượn thêm của bà H. 244 triệu đồng, hai bên thỏa thuận lãi suất cho cả hai món nợ (tổng cộng 664 triệu đồng) là 2%/tháng. Ông A ghi trên giấy nợ hẹn hai tháng sau sẽ trả đủ cả lãi lẫn gốc.

Chủ đất làm giấy khác

Đến hạn trả nợ như đã hẹn, ông A. né tránh, không trả nợ. Nhiều lần bà H. đến nhà ông A. đòi nợ, người nhà cho biết việc ông vay nợ để làm ăn bên ngoài gia đình không biết nên không có trách nhiệm trả nợ thay ông A..

Tháng 11-2012, bà H làm đơn tranh chấp gửi đến UBND xã Tân Nhựt trình bày sự việc và yêu cầu ngăn chặn việc bà M. có thể làm đơn cớ mất giấy chủ quyền nhà đất để làm lại giấy chủ quyền mới.

Bà H. cho rằng giấy chủ quyền nhà đất của bà M. đang được thế chấp cho bà để bảo đảm khoản vay 664 triệu đồng của ông A., nên việc cấp lại giấy mới là trái quy định và ảnh hưởng đến quyền lợi của bà.

Nhận đơn tranh chấp của bà H., UBND xã Tân Nhựt tổ chức hòa giải hai lần nhưng ông A. không đến nên UBND xã Tân Nhựt hướng dẫn bà H. khởi kiện ra tòa. Cuối năm 2013, bà H. làm đơn khởi kiện ông A. đến TAND H.Bình Chánh yêu cầu ông A. trả nợ.

Vụ án còn đang trong thời gian giải quyết thì bà H. hay tin bà M. đã làm được giấy chủ quyền mới, trong khi giấy chủ quyền cũ bà H. đang giữ. Bà H. cho rằng các cơ quan liên quan đã cấp giấy chủ quyền cho bà M. sai quy định.

Đại diện Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất H.Bình Chánh cho biết việc cấp lại giấy chủ quyền nhà đất cho bà M. đúng trình tự, thủ tục, đúng quy định. Bà M. cho hay bà không biết gì về việc ông A. thế chấp nhà đất của bà để vay tiền.

“Tôi có cho vợ chồng A. một lô đất xây nhà, lô đất đó còn nằm chung trong giấy chủ quyền của tôi. A. về mượn giấy chủ quyền nói đi tách thửa rồi mấy năm không trả. Tôi xem như giấy chủ quyền nhà đất đã mất nên làm đơn cớ mất xin cấp lại giấy chủ quyền mới.

Tôi không thế chấp nhà đất cho ai nên Nhà nước cấp lại giấy chủ quyền đã thất lạc cho tôi là đúng quy định” - bà M. cho biết.

Nhận thế chấp sai quy định

Ông Trần Thanh Huy, phó chủ tịch UBND xã Tân Nhựt, xác nhận trước đó UBND xã có mời các bên đến làm việc theo đơn tranh chấp của bà H..

Tháng 5-2013, UBND xã tiếp nhận hồ sơ về việc bà M. làm thủ tục xin cấp lại giấy chủ quyền nhà đất và đã tổ chức niêm yết công khai 30 ngày tại trụ sở UBND xã.

Sau 30 ngày, không có khiếu nại, tranh chấp, phản ảnh nào liên quan đến giấy chủ quyền nhà đất của bà M..

Vì vậy, UBND xã đã làm tờ trình về sự việc trên, kiến nghị Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất H.Bình Chánh xem xét giải quyết hồ sơ xin cấp lại giấy chủ quyền nhà đất cho bà M. theo quy định.

Theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, chỉ khi có văn bản ngăn chặn của các cơ quan chức năng như tòa án, cơ quan thi hành án, cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân, Thanh tra Nhà nước thì cơ quan chức năng mới ngưng giải quyết việc cấp giấy chủ quyền nhà đất.

Trường hợp của bà M. không có những văn bản ngăn chặn này. Nếu người dân gửi đơn ngăn chặn đến UBND xã thì cán bộ xã cũng sẽ hướng dẫn hoặc giải quyết theo trình tự để người dân liên hệ với các cơ quan trên khiếu nại, khởi kiện hoặc tố cáo...

Trên cơ sở đó, những cơ quan chức năng sẽ có văn bản ngăn chặn đúng quy định.

“Đến giờ này, UBND xã khẳng định trình tự thủ tục xin cấp lại giấy chủ quyền nhà đất cho bà M. đúng quy định. Nếu trong thời gian UBND xã niêm yết hồ sơ xin cấp lại giấy chủ quyền của bà M., bà H. đến trình bày vụ việc thì UBND xã sẽ làm thủ tục thu hồi giấy chủ quyền trên để trả lại cho bà M.” - ông Huy nhấn mạnh.

Công chứng viên Ngô Minh Hồng, Văn phòng công chứng Bảy Hiền (TP.HCM), cho biết những “cái sai” của bà H. trong vụ việc trên cũng là những cái sai mà các điểm kinh doanh dịch vụ cầm đồ thường mắc phải.

Việc bà H. cho ông A. vay một số tiền lớn nhưng không mời vợ của ông A. cùng nhận nợ để họ cùng có trách nhiệm trả nợ.

Ông A. vay tiền và thế chấp bằng giấy chủ quyền nhà đất của bà M. mà không được bà M. đồng ý bảo lãnh bằng hợp đồng bảo lãnh có công chứng. Hợp đồng thế chấp không công chứng, không đăng ký nên không có giá trị pháp lý.

“Những người kinh doanh dịch vụ cầm đồ thường giao dịch dựa trên lòng tin chứ ít quan tâm đến pháp lý.

Giấy chủ quyền nhà đất cũ của bà M. trong tay bà H. lúc này chỉ là tờ giấy lộn vì không có hợp đồng thế chấp hợp pháp, cũng không có hợp đồng bảo lãnh của bà M. cho khoản vay của ông A..

Và thực tế khi UBND H.Bình Chánh cấp giấy chủ quyền nhà, đất mới cho bà M. cũng đã ra quyết định hủy giấy chủ quyền nhà đất cũ” - công chứng viên Ngô Minh Hồng lưu ý.

Theo công chứng viên này, UBND H.Bình Chánh phải gửi thông báo về việc đã cấp giấy chủ quyền mới thay thế giấy chủ quyền cũ trên lô đất của bà M. cho Sở Tư pháp TP.HCM để tránh trường hợp người đang cầm giấy chủ quyền cũ đem giấy này đi giao dịch.

* Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU (Đoàn luật sư TP.HCM):

Cấp giấy chủ quyền mới cho bà M. đúng quy định

Trong vụ việc trên, tôi cho rằng cách giải quyết của UBND xã Tân Nhựt và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất H.Bình Chánh là phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Theo thông tin nêu trên thì bà M. không hề thế chấp quyền sử dụng đất của mình để đảm bảo khoản vay của ông A. đối với bà H. Ông A. đem giấy chủ quyền nhà đất của bà M. (không thuộc quyền sử dụng của ông A.) đi thế chấp là không phù hợp.

Bà H. cũng không có quyền giữ giấy chủ quyền nhà đất của bà M.. Do đó, bà H. không có cơ sở để yêu cầu xử lý thửa đất của bà M., cũng như không có cơ sở đề nghị các cơ quan chức năng tạm ngừng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà M..

Bà H. có thể yêu cầu TAND H.Bình Chánh áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với tài sản đứng tên ông A. để bảo đảm ông A. sẽ trả nợ.

Nếu ông A. có dấu hiệu bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tiền vay thì bà H. có quyền làm đơn tố cáo gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an H.Bình Chánh để tố cáo ông A. về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 139 Bộ luật hình sự 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

DƯƠNG NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp