Đoàn người dắt xe máy trên đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân, TP.HCM) sáng 30-9 - Ảnh: Mậu Trường |
Vì vậy cuộc giám sát của HĐND TP.HCM về công tác chống ngập tại Q.6 vào sáng 30-9 trở nên nóng hổi tính thời sự. Nhiều ý kiến cho rằng đơn vị thi công tại công trình gây ngập phải bồi thường cho dân...
Những công trình làm hư hại, lún nứt nhà dân nhất định phải bồi thường cho dân. Chuyện này không cần bàn cãi |
Ông Nguyễn Văn Lâm (phó Ban kinh tế ngân sách HĐND TP) |
Thức đêm tát nước
Hơn 10g ngày 30-9, nhiều tuyến đường khu vực Q.Bình Tân vẫn còn ngập sâu. Từ đường Kinh Dương Vương, An Dương Vương qua Phan Anh rồi Tân Hòa Đông hoặc Ấp Chiến Lược... nước ngập sâu có đoạn khoảng 1m. Nhiều người đẩy xe thành hàng dài trên các tuyến đường này, còn người dân hai bên đường vẫn hì hục tát nước, lau dọn lớp bùn nhầy nhụa bám trên nền nhà.
Trước đó, hàng chục công nhân Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre (đường Tân Hòa Đông, P.14, Q.6) phải đẩy xe máy tới công ty dọn dẹp đồ đạc vì đường ngập, xe chết máy.
“Tối 29-9 có một trận mưa lớn, công ty đã huy động công nhân kê dọn đồ đạc, máy móc để tránh thiệt hại tài sản. Rạng sáng 30-9 lại thêm một cơn mưa lớn nữa ập xuống nên nước hầu như không thoát được mà còn dâng cao thêm” - một bảo vệ công ty cho biết
Mưa ngập làm người dân ở đường chính đã khổ nhưng người dân ở trong hẻm còn khổ gấp bội vì nhà thấp trũng, nước ngập sâu hơn. Anh Tâm, ngụ 183/19 Tân Hòa Đông, cho biết cả gia đình anh hầu như thức trắng đêm để tát nước.
“Nhưng tát nước một lúc thì nước dưới cống cứ trồi lên tràn ồ ạt vào nhà. Gần sáng mệt quá, nước vẫn chưa hết, cả nhà tôi phải dọn đồ lên gác để khỏi ướt rồi bỏ mặc cho nước tràn vào nhà - bà Huệ, ngụ ở số 183/18 Tân Hòa Đông, bức xúc - Ngập dữ quá, cả đêm tôi không ngủ được, hư hỏng hết đồ đạc rồi, cái quạt máy cũng đi luôn rồi”. Tại nhà bà Huệ, sáng 30-9 chúng tôi thấy nước vẫn ngập gần tới đầu gối...
Giải pháp chống ngập Theo ông Lê Hoàng Minh - phó giám đốc Sở GTVT TP, ngoài việc đẩy nhanh các dự án thì cần nạo vét các tuyến kênh thoát nước cấp 1 như các rạch: Hàng Bàng, Tân Hóa, Bàu Trâu, Ruột Ngựa. “Bởi vì nếu làm xong cống thoát nước mà kênh bị tắc nghẽn thì nước cũng không chảy được”- ông Minh nói. |
Nhiều hộ dân khác bất lực trước cảnh “sóng nước mênh mông” nên đã dắt nhau ra ống cống thoát nước đầu hẻm để ngồi ăn uống chờ nước rút. Có hộ phải đóng cửa nhà để đi ở tạm nơi khác.
Nhiều người cố đưa xe máy, xe ba gác... ra khỏi vùng ngập nước nhưng khi đẩy xe tới đầu hẻm thấy không còn chỗ nào khô ráo nên bỏ xe giữa dòng nước ngập.
Người dân trên đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân) cho rằng đây là đợt ngập nặng nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Sáng 30-9, trên đường này đoạn từ Hồ Học Lãm đến gần bến xe Miền Tây, nước ngập sâu hơn 1m - đến yên xe máy.
Hầu như không có xe nào chạy qua đoạn đường này mà không bị chết máy. Ở hai đầu đoạn đường này, hàng ngàn xe máy, ôtô... bị chết máy nằm la liệt.
Lực lượng công an các phường An Lạc, An Lạc A, công an và cảnh sát Q.Bình Tân thay nhau dắt những chiếc xe chết máy, bế em bé và người già qua đoạn đường ngập nước, đồng thời điều tiết giao thông. Thế nhưng, nạn kẹt xe vẫn diễn ra trên đường Kinh Dương Vương, Hồ Học Lãm, Tân Hòa Đông...
Thi công gây ngập phải bồi thường
Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP, trận mưa tối 29-9 đạt 92mm, vài giờ sau lại thêm một trận mưa nữa với lượng mưa 87,5mm. “Hai trận mưa lớn, trong khi kênh thoát nước chính là kênh Tân Hóa - Lò Gốm đang thi công, có những đoạn dòng chảy chỉ rộng khoảng 1m nên nước không thể thoát kịp” - ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, phó giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP, cho biết.
Báo cáo tại cuộc giám sát của HĐND TP nói trên, ông Trần Ngọc Danh, phó chủ tịch UBND Q.6, cho biết trên địa bàn quận còn nhiều điểm “nóng” về ngập nước. Đó là các tuyến đường: An Dương Vương, Kinh Dương Vương, Lê Quang Sung, Lý Chiêu Hoàng, Phạm Phú Thứ, Mai Xuân Thưởng, đường số 26 khu dân cư Bình Phú và hàng loạt tuyến hẻm dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm.
Theo UBND Q.6, ngập nước xảy ra là do khu vực trũng cuối nguồn (kênh Tân Hóa - Lò Gốm), lún mặt đất và đặc biệt là do ảnh hưởng bởi công trình thi công. Đại diện Sở Tài chính TP cho rằng còn một nguyên nhân gây ngập nữa là do tình trạng nâng đường, khiến nước ngập tràn vô các con hẻm.
“Làm như vậy chẳng khác nào đẩy cái khó về cho dân mà không xem xét hỗ trợ gì. Đây là thực trạng xảy ra ở rất nhiều nơi trên địa bàn TP, chứ không chỉ riêng ở Q.6” - vị này nói. Đại diện Sở Tài chính TP đề nghị các cơ quan chức năng TP cần có đánh giá về việc thi công các công trình gây thiệt hại đến người dân để rút kinh nghiệm và đền bù thiệt hại cho người dân. Theo vị này, việc đền bù phải do đơn vị thi công chịu trách nhiệm.
Về việc hỗ trợ dân bị ảnh hưởng bởi các công trình, ông Nguyễn Văn Lâm, phó Ban kinh tế ngân sách HĐND TP, đề nghị Sở GTVT TP chủ trì khảo sát bao nhiêu hẻm bị ngập do nâng đường và đề ra giải pháp để HĐND TP làm việc riêng với sở về chuyện này.
Ngoài ra, ông Lâm đề nghị Ủy ban MTTQ Q.6 thống kê những hộ bị ảnh hưởng, thiệt hại và đề xuất các chính sách hỗ trợ cụ thể để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận