Tối 29-5, đường Dương Đình Nghệ (cạnh tòa nhà Keangnam) bị ngập nặng - Ảnh: QUANG THẾ
Vướng mắc giải phóng mặt bằng xây kênh dẫn nước
Chiều 31-5, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Chu Phú Mỹ - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội - cho biết hiện một số trạm bơm đang phục vụ thoát nước cho TP, tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu.
"Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Yên Sở, Đông Mỹ và trục chính hệ thống sông Nhuệ để tiêu thoát nước cho TP. Ngoài ra, TP đang có chủ trương xây dựng trạm bơm Liên Mạc hỗ trợ tiêu thoát nước phía tây bắc.
Hiện các công trình tiêu thoát nước chưa đáp ứng được nhu cầu thoát nước của TP, đặc biệt là khi xảy ra mưa lớn. Nếu trạm bơm Liên Mạc được xây dựng thì sẽ đáp ứng được yêu cầu tiêu thoát theo quy hoạch, trừ những tình huống mưa đột biến…", ông Mỹ nói.
Riêng dự án nhà máy bơm tiêu Yên Nghĩa, được đầu tư 4.700 tỉ đồng có mục tiêu hạ mực nước sông Nhuệ, giảm ngập cho nhiều quận, huyện phía tây nam. Tuy nhiên, theo ông Mỹ, do kênh dẫn nước từ sông Nhuệ về nhà máy thi công chưa xong nên một số tổ máy không thể hoạt động.
"Việc trạm bơm tiêu Yên Nghĩa không hoạt động hết công suất là bởi vướng mắc trong giải phóng mặt bằng khi xây kênh dẫn nước tại địa bàn quận Hà Đông. Thời gian tới UBND TP Hà Nội sẽ làm việc với quận Hà Đông giải quyết dứt điểm giải phóng mặt bằng, hoàn thành thi công kênh dẫn nước", ông Mỹ cho biết thêm.
Đường Phạm Hùng nhiều điểm bị ngập nặng sau trận mưa lịch sử - Ảnh: Q.THẾ
Để chống ngập có hiệu quả cần triển khai những giải pháp gì?
Hiến kế giải pháp chống ngập cho Hà Nội, tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm - phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam - cho biết trước diễn biến thiên nhiên ngày một khắc nghiệt do biến đổi khí hậu, Hà Nội cần phải có chiến lược dài hơi trong quy hoạch thoát nước. Đồng thời thích ứng với lượng mưa đột biến có thể gây ngập úng trên diện rộng.
"Trước đây, khi thiết kế cống thoát nước chỉ tính toán lượng mưa từ 150mm - 300mm/ngày. Nhưng ngày 29 vừa qua, chỉ trong 2 giờ đồng hồ có khu vực đo được 181,5mm", ông Nghiêm cho hay.
Ông Nghiêm cho rằng trước mắt TP Hà Nội cần phải khắc phục, vận hành tốt trạm bơm tiêu, đặc biệt là trạm bơm cuối nguồn cần phải nâng công suất, thường xuyên nạo vét kênh mương để hệ thống thoát nước mặt được thông suốt.
Ngập sâu khiến giao thông hỗn loạn - Ảnh: Q.THẾ
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 30-5, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà khuyến nghị biến sân vận động, cánh đồng thành bể chứa. Tuy nhiên, ông Nghiêm cho rằng giải pháp cục bộ sẽ không giải quyết được vấn đề.
"Sân vận động và cánh đồng đều phải vận hành hệ thống thoát nước khác nhau. Sân vận động cần phải sử dụng hệ thống ngầm, còn cánh đồng thì chắc chắn phải vận hành hệ thống nước mặt. Xây dựng cục bộ từng nơi sẽ làm tăng vốn đầu tư. Tôi không ủng hộ phương án này", ông Nghiêm bày tỏ.
Về giải pháp lâu dài, ông Nghiêm cho rằng nếu chỉ tập trung xây dựng thoát nước ngầm thì vẫn không thể giải quyết được tận gốc.
"Với đô thị như Hà Nội cần 3% diện tích mặt đất là diện tích mặt nước nhưng đến nay Hà Nội ước tính chỉ hơn 1%. Khi phát triển công viên, các khu đô thị phải yêu cầu có thêm diện tích mặt nước để giữ lượng nước đạt được 3% theo đúng tiêu chuẩn của quốc tế trong quy hoạch đô thị. Đồng thời, TP Hà Nội phải giữ bằng được ao, hồ tự nhiên đang có nguy cơ bị bức tử…", ông Nghiêm nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết đã đề nghị Sở Xây dựng chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành, sửa chữa 5 cống cải tạo thoát nước quận Hoàng Mai, Thanh Xuân…
Đơn vị này cũng đã đề nghị Sở Tài nguyên và môi trường hướng dẫn lựa chọn, áp dụng công nghệ xử lý bùn thoát nước.
Nhiều xe chết máy trên đường Nguyễn Chánh (quận Cầu Giấy) chiều 29-5 - Ảnh: Q.THẾ
Rút kinh nghiệm ra sao sau trận mưa chiều 29-5?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Bùi Ngọc Uyên - phó trưởng phòng đối ngoại truyền thông Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội - cho biết ngay trong sáng 30-5 đơn vị này đã họp đánh giá, rút kinh nghiệm và đưa ra giải pháp khắc phục hạn chế cho các trận mưa trong thời gian tới.
Các giải pháp gồm:
1. Kiểm tra, nạo vét, duy trì, vệ sinh bùn rác, chống ách tắc trên toàn hệ thống thoát nước.
2. Phối hợp với chính quyền địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu xử lý bất cập của công trình, dự án để thông thoáng dòng chảy.
3. Chủ động tiến hành hạ mực nước đệm xuống mức thấp trên hệ thống thoát nước TP theo quy định.
4. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị: công ty thủy lợi, thoát nước khác trên địa bàn để vận hành hệ thống tiêu thoát nước một cách nhanh chóng, hiệu quả.
5. Thường xuyên phối hợp với Đài khí tượng thủy văn đồng bằng Bắc Bộ, cập nhật kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo tình hình mưa để chủ động ứng phó...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận